Việc tuyển sinh của Trường Trung cấp Y - Dược cộng đồng Hà Nội: Lập lờ “đánh lận con đen” và trái pháp luật
Pháp luật - Bạn đọc 04/07/2019 10:59
Kết quả xác minh và các tài liệu thu thập được cho thấy, Trường Trung cấp Y - Dược cộng đồng có xuất xứ từ Trường Trung học dân lập Kinh tế - Kĩ thuật Thăng Long, thành lập năm 2001, theo Quyết định số 5849/QĐ-UB ngày 8/10/2001 của UBND TP Hà Nội, địa điểm đặt tại Trường Công nhân kĩ thuật và bồi dưỡng cán bộ nghiệp vụ xây dựng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Ngày 30/10/2008, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1709/QĐ-UBND, cho phép đổi tên thành Trường Trung cấp Kinh tế - Kĩ thuật Thăng Long. Năm 2015, tại Quyết định số 5102/QĐ-UBND ngày 8/10/2015 của UBND TP Hà Nội, trường này chuyển đổi từ loại hình dân lập sang trường tư thục, trụ sở đặt tại số nhà 290 phố Tây Sơn, quận Đống Đa, TP Hà Nội.
Tại địa điểm đào tạo cơ sở 1, đây chính là địa điểm của Trường THPT Ngô Quyền Đông Anh |
Ngày 22/12/2017, tại Quyết định số 8855/QĐ-UBND, Trường được đổi tên thành Trường Trung cấp Y - Dược cộng đồng Hà Nội, trụ sở đăng kí tại số nhà 12, ngách 29A, ngõ 2, thôn Đoài, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh. Tại Giấy chứng nhận đăng kí hoạt động giáo dục nghề nghiệp số 03/GCNĐKHĐ-SLĐTBXH, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cấp ngày 23/1/2018, địa điểm đăng kí hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Trường đặt tại thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh; gồm 4 ngành nghề đào tạo: Dược (mã ngành 5720201), quy mô tuyển sinh 150 học sinh/năm; Điều dưỡng (mã ngành 5720301), quy mô 250 học sinh/năm; Thương mại điện tử (mã ngành 5340122), quy mô 100 học sinh/năm; Công nghệ thông tin (mã ngành 5480202), quy mô 100 học sinh/năm.
Vào mùa tuyển sinh năm 2019, Trường Trung cấp Y - Dược cộng đồng Hà Nội kí Hợp đồng liên kết đào tạo số 2503/HĐ-TCYD ngày 25/3/2019 với Trường Đại học CN Việt - Hung, nhằm lấy địa điểm của trường này để tuyển sinh. Thông báo tuyển sinh do Trường Trung cấp Y - Dược cộng đồng Hà Nội phát hành cho biết: Đối tượng tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (cấp 2). Học sinh được học 3 chương trình: 1. Chương trình học văn hóa ghi “Học các môn văn hóa lớp 10, 11, 12 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được dự thi và nhận bằng tốt nghiệp THPT; 2. Chương trình trung cấp gồm 4 ngành: Dược, Điều dưỡng, Thương mại điện tử, Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm); 3. Chương trình đào tạo tiếng Nhật ghi “sẽ được đào tạo xuyên suốt trong toàn bộ chương trình của 3 năm học”. Tại bì đựng hồ sơ xét tuyển, thông tin được đưa ra như sau: Trường Trung cấp Y - Dược cộng đồng Hà Nội có 3 cơ sở gồm: Cơ sở 1 thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh; cơ sở 2 tại số 16 Hữu Nghị, Xuân Khanh, Sơn Tây; cơ sở 3 tại Khu công nghiệp Bình Phú, huyện Thạch Thất.
Lần theo địa chỉ đăng kí trụ sở chính của Trường Trung cấp Y - Dược cộng đồng Hà Nội, phóng viên ghi nhận tại thôn Đoài, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh không có địa chỉ số nhà 12, ngách 29A, ngõ 2. Tại địa điểm đào tạo cơ sở 1, đây chính là địa điểm của Trường THPT Ngô Quyền Đông Anh, có tổng diện tích hơn 3.000m2 và hiện không có biển tên Trường Trung cấp Y - Dược cộng đồng Hà Nội. Địa chỉ cơ sở 3 ghi trên bì hồ sơ xét tuyển ghi “Khu công nghiệp Bình Phú…”, là không đúng sự thật, bởi huyện Thạch Thất không có Khu công nghiệp Bình Phú, mà đây chính là cơ sở 2 của Trường Đại học CN Việt - Hung tại xã Bình Phú, huyện Thạch Thất.
Một cán bộ Vụ Pháp chế, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, chương trình đào tạo trung cấp nghề chỉ nhiều nhất 2 năm; trung cấp nghề không có chức năng cấp bằng THPT, các mã ngành Dược (5720201), Điều dưỡng (5720301), theo quy định đầu vào phải là học sinh tốt nghiệp THPT (cấp 3), hoặc tốt nghiệp hệ bổ túc tương đương mới được xét tuyển. Do đó, việc Trường Trung cấp Y - Dược Hà Nội thông báo xét tuyển đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS, để đào tạo các mã ngành này là trái quy định. Hiện việc cấp bằng THPT thuộc thẩm quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường phải được giao chỉ tiêu, hoặc chấp thuận cho tuyển sinh mới được cấp bằng, trong khi Trường Trung cấp Y - Dược cộng đồng Hà Nội không có chức năng đào tạo THPT, nhưng vẫn ghi trong Thông báo tuyển sinh nội dung đào tạo “các môn văn hóa lớp 10, 11, 12” và học sinh được “nhận bằng tốt nghiệp THPT”, là hình thức lập lờ “đánh lận con đen”, nhằm hợp thức hóa đầu vào cho các mã ngành Dược và Điều dưỡng, cũng như để “câu” học sinh dự tuyển!? Việc này rõ ràng trái quy định của pháp luật về giáo dục đào tạo.
Báo Người cao tuổi đề nghị các cơ quan chức năng TP Hà Nội vào cuộc kiểm tra, xử lí nghiêm các vi phạm nêu trên của Trường Trung cấp Y - Dược cộng đồng Hà Nội (nếu có).