Về giải quyết bồi thường đất trồng đước Dự án mua lại rừng trồng tự túc tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh: Các cán bộ xã xác nhận mộ
Pháp luật - Bạn đọc 25/07/2018 08:58
Mâu thuẫn trong giải quyết đơn
Văn bản số 1460 gửi bà Nguyễn Thị Thơ và ông Nguyễn Văn Hóa cùng trú tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, có nội dung: Năm 2002, Nhà nước có chủ trương mua lại rừng trồng tự túc xã Tam Thôn Hiệp. Thực hiện phương án bồi thường được duyệt tại Quyết định số 3712/QĐ-ƯB ngày 11/9/2002 của UBND TP Hồ Chí Minh, Hội đồng đền bù giải tỏa của dự án mua lại rừng trồng tự túc trong khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã kiểm kê hiện trạng, xác định ranh giới vị trí rừng trồng trên thực tế của mỗi hộ. Theo đó, hộ bà Thơ, ông Hóa được bồi thường về cây trồng trên phần diện tích 39,7828ha, thuộc tờ bản đồ số 08,13 cù lao An Hòa (nằm ngoài ranh rừng phòng hộ), thuộc địa giới hành chính xã Tam Thôn Hiệp, với tổng số tiền: 1.922.250.000 đồng. Hộ bà Thơ đã nhận tiền bồi thường vào ngày 18/12/2002. Bà Thơ, ông Hóa có đơn xin nhận tiền bồi thường phần đất trồng đước trên. Theo đơn xin cấp đất rừng để trồng cây ngày 17/6/1991, do ông Hóa đứng tên được UBND xã Tam Thôn Hiệp xác nhận vào ngày 9/8/1994, có nội dung: “Ông Nguyễn Văn Hóa, cư trú tại xã Tam Thôn Hiệp có nhu cầu xin cấp đất rừng để khai hoang trồng đước với diện tích là 30 ha, kính chuyển Phòng Nông lâm thủy lợi xem xét giải quyết”. Căn cứ Quyết định số 3712/QĐ-UB ngày 4/9/2002 của UBND TP về phê duyêt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư của Dự án mua lại rừng trồng tự túc tại xã Tam Thôn Hiệp quy định điều kiện để được bồi thường thiệt hại về đất: “Người tự khai hoang đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối trước ngày 15/10/1993 và liên tục sử dụng cho đến khi thu hồi đất, không có tranh chấp và làm đầy đủ nghĩa vụ cho nhà nước” (Phần III, mục 1.1, điểm 8 Phương án số 514/PAĐB-UB ngày 16/6/2002 của UBND TP Hồ Chí Minh). Như vậy, theo nội dung xác nhận của UBND xã Tam Thôn Hiệp thì hộ dân chỉ mới có nhu cầu xin đất khai hoang để trồng đước và xác nhận về mặt thời gian là năm 1994, ông Hóa mới có đơn xin cấp đất rừng. Ngoài ra, tại Hợp đồng đo đạc với Phòng Nông lâm thủy lợi ngày 1/6/1994, do ông Nguyễn Văn Liệu đứng tên không có chữ kí, con dấu của Phòng Nông lâm thủy lợi huyện, do đó Hợp đồng không có giá trị pháp lí. Bên cạnh đó, theo chủ trương về tham gia chương trình trồng mới 250ha rừng đước do tổ chức Fado tài trợ năm 1996, bà Thơ và ông Hóa không cung cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với phần diện tích đất đang yêu cầu bồi thường.
Tuy nhiên, ông Hóa có đơn xin cấp đất rừng để trồng cây ngày 17/6/1991 và nhận đất rừng để trồng cây là có thật. UBND huyện Cần Giờ cho rằng, đơn này “được UBND xã Tam Thôn Hiệp xác nhận vào ngày 9/8/1994”, để cho rằng đến năm 1994, ông Hóa mới nhận đất rừng để trồng cây là không đúng thực tế. Thời điểm năm 1994, xã Tam Thôn Hiệp không có chủ trương giao đất trồng rừng tự túc. Mặt khác, UBND huyện Cần Giờ viện dẫn Hợp đồng đo đạc với Phòng Nông lâm thủy lợi ngày 1/6/1994, do ông Nguyễn Văn Liệu đứng tên không có chữ kí, con dấu của Phòng Nông lâm thủy lợi huyện, do đó Hợp đồng không có giá trị pháp lí, là không có cơ sở. Bởi lẽ, việc không có chữ kí, con dấu không do lỗi của ông Hóa và cũng không thể làm mất đi sự thật ông Hóa có tiến hành đo đạc về đất đang do mình quản lí, sử dụng để bổ túc hồ sơ cấp GCNQSDĐ. Nhưng đến nay những mâu thuẫn này chưa được làm rõ.
Xác nhận của ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã năm 1991 đến năm 1993
và Chủ tịch UBND xã Tam Thôn Hiệp năm 1994 đến năm 1998 và xác nhận của nhiều hộ dân
ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ
Ông Hóa, bà Thơ có đủ điều kiện được bồi thường thiệt hại về đất!
Có nhiều người xác nhận điều này. Cụ thể: Ông Hồ Văn Bửu, Chủ tịch UBND xã Tam Thôn Hiệp (năm 1985 - 1993) xác nhận: “Năm 1991 ông Nguyễn Văn Hóa là hộ gia đình nghèo làm nghề bắt cua, không có công ăn việc làm ổn định. Thực hiện chủ trương của UBND huyện giao đất hoang cho Nhân dân trồng rừng tự túc. UBND xã Tam Thôn Hiệp đồng ý giao, cấp cho gia đình ông Hóa 48,5 ha đất hoang để trồng rừng và nuôi thủy sản tại khu vực Nông trường quận 4 cũ, giáp với Nông trường Thanh niên (lực lượng TNXP). Phần ranh đất UBND xã giao cho ban sản xuất xã đi thực địa chỉ khu vực có ranh đất. Sau khi được UBND xã giao, ông Hóa bà Thơ có đầu tư vốn và công sức trồng rừng”.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã (năm 1991 - 1993) và Chủ tịch UBND xã Tam Thôn Hiệp (năm 1994 - 1998) xác nhận: “Năm 1991, tôi biết ông Bửu, cựu Chủ tịch UBND xã chỉ đạo giao cho ông Hóa và bà Thơ diện tích 48,5 ha để khai hoang và trồng rừng. Từ năm 1991 đến năm 1993, ông Hóa, bà Thơ bỏ công sức vốn ra đầu tư, khai hoang, mua trái đước để trồng rừng. Năm 1994, ông Hóa, bà Thơ xin cấp quyền sử dụng đất. Tôi có xác nhận đơn của ông Hóa nội dung đồng ý theo nhu cầu đơn xin cấp đất trồng rừng, thay vì nội dung xin Phòng Nông lâm thủy lợi xem xét xin cấp GCNQSDĐ. Nay xin xác nhận nội dung xin cấp GCNQSDĐ trong đơn của ông Hóa là hoàn toàn phù hợp với thực tế.
Và nhiều người cùng xác nhận: “Tôi Phạm Văn Tặng, ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, “xác nhận đúng sự thật, vào năm 1991, Nhà nước giao đất cho tôi khai hoang trồng rừng tự túc tại xã Tam Thôn Hiệp. Tôi có thấy và biết bà Thơ khai hoang trồng rừng đước tại ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Duyên Hải vào năm 1992 là đúng sự thật”; “Tôi Phạm Quang Vân, sinh 1955, địa chỉ ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp. Tôi xác nhận: Năm1991 Nhà nước giao đất cho tôi khai hoang trồng rừng tự túc tại xã Tam Thôn Hiệp. Tôi có thấy và biết bà Thơ khai hoang trồng rừng đước tại ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Duyên Hải vào năm 1992 là đúng sự thật”; bà Phạm Thị Thúy Phượng, địa chỉ ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp, xác nhận: “Năm 1991, Nhà nước giao đất cho tôi khai hoang trồng rừng tự túc tại xã Tam Thôn Hiệp. Tôi có thấy và biết bà Thơ khai hoang trồng rừng đước tại ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp vào năm 1992 là đúng sự thật”.
Như vậy, căn cứ hồ sơ cho thấy có cơ sở xác định từ năm 1991, năm 1992, ông Hóa, bà Thơ trực tiếp quản lí sử dụng phần diện tích 39,7828ha, thuộc tờ bản đồ số 08,13 cù lao An Hòa (nằm ngoài ranh rừng phòng hộ), thuộc địa giới hành chính xã Tam Thôn Hiệp; thể hiện có đủ điều kiện để được bồi thường thiệt hại về đất theo quy định Phần III, Mục 1.1, Điểm 8 Phương án số 514/PAĐB-UB ngày 16/6/2002 của UBND TP Hồ Chí Minh. Sự thật này đặt ra vấn đề các cựu cán bộ xã xác nhận một đằng, tại sao UBND huyện Cần Giờ lại nhận định một nẻo?
Mai Thân