Văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội: Cần xây dựng "lá chắn" bảo vệ cộng đồng
Nhịp sống văn hóa 26/06/2021 08:15
Những nội dung nhảm nhí, phản giáo dục trên mạng xã hội đã tạo nên vô số tác động tiêu cực, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ. Điển hình như trong những ngày qua, trên mạng xã hội nổi lên hiện tượng cá nhân lộng ngôn, xúc phạm nhân phẩm và danh dự của người khác; lan tràn chuyện nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật; hoặc trong công cuộc đẩy lùi Covid-19, bên cạnh những điển hình cống hiến quên mình thì vẫn còn có không ít cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch, khiến dư luận xã hội bất bình.
Những nội dung nhảm nhí, phản giáo dục trên mạng xã hội đã tạo nên vô số tác động tiêu cực, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ |
Ứng xử lệch chuẩn, thiếu trách nhiệm
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, văn hóa ứng xử đang có nhiều biểu hiện lệch chuẩn mà nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ gây tác động tiêu cực đến đời sống, môi trường văn hóa xã hội. Những cái tên “hot” trên mạng như Thơ Nguyễn, Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Hưng Vlog... thời gian qua đã tạo nên vô số tác động tiêu cực, phản giáo dục; đặc biệt nguy hiểm khi những clip này lại rất cuốn hút trẻ nhỏ, phần nào định hướng hành vi ứng xử của thế hệ tương lai với những âm thanh “léo nhéo”, hình ảnh bắt mắt. Bên cạnh đó, còn có không ít clip cổ xúy cho những nội dung bạo lực, phát ngôn dung tục, thậm chí còn “sục sạo”, xông thẳng vào đời tư của những nhân vật nổi tiếng để câu view. Viện trưởng Sơn cho rằng, đây là những hành vi ứng xử rất phản cảm, bất chấp mọi giá trị đạo đức để được nổi tiếng, kiếm tiền và không ít trường hợp nhằm mục đích bôi nhọ danh dự của người khác. “Giờ đây, không chỉ gia đình, nhà trường, mà ngay chính các trang mạng xã hội đã góp phần chi phối nhận thức và từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của con người. Vì thế, những thông tin đến từ trên mạng ảo nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ phía xã hội. Giáo dục nói chung, giáo dục đạo đức nói riêng phải chú ý nhiều hơn đến khu vực này...”, ông Sơn nhận định.
Vụ việc doanh nhân Nguyễn Phương Hằng tấn công, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng thời gian gần đây cùng hiện tượng một số nghệ sĩ lộng ngôn, cung cấp đến công chúng thông tin sai lệch, không chính xác về những sản phẩm chưa được kiểm chứng, dễ gây hiểu lầm và hoang mang cũng khiến cho công chúng bức xúc đặt câu hỏi: Điều gì khiến cho những biểu hiện văn hóa lệch chuẩn đó ngang nhiên phơi bày trên mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt người xem. Trong số đó, rất nhiều biểu hiện, phát ngôn không được chọn lọc, không có giá trị, đặc biệt về mặt đạo đức, chỉ để chiều theo thị hiếu giải trí tầm thường.
Với sự tương tác không giới hạn, các nền tảng mạng xã hội đang có sức chi phối và tác động mạnh mẽ đến đông đảo đối tượng tham gia. Theo các chuyên gia văn hóa, việc thiếu những định hướng chuẩn mực là nguyên nhân dẫn đến những hành vi, cách thức ứng xử phản cảm, thiếu trách nhiệm trước cộng đồng. Khi những giá trị văn hóa chuẩn mực chậm được lan tỏa thì các nội dung xấu, độc, phản cảm lại xuất hiện ngày càng nhiều, với tốc độ nhanh chóng.
Trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng vậy, bên cạnh những hình ảnh nhường cơm sẻ áo, chung tay cùng cộng đồng vượt qua khó khăn thì đâu đó vẫn còn có một số cá nhân, đơn vị vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Điển hình như tại Hà Nội vào những ngày giãn cách xã hội, bất chấp quy định hạn chế ra đường khi không có việc thực sự cần thiết thì tại một số khu vực công cộng vẫn có khá nhiều người tập trung, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Nhiều nhóm người bất chấp lệnh cấm vẫn tụ tập ăn uống, xem đá bóng, không chấp hành quy định “5K”... “Hơn bao giờ hết, mỗi cá nhân cần phát huy tinh thần trách nhiệm vì bản thân, vì cộng đồng. Trách nhiệm đó được thể hiện trước hết ở cách mỗi chúng ta ứng xử với nhau, để góp phần phát huy sức mạnh của tinh thần đoàn kết, đẩy lùi dịch bệnh”, ông Sơn chia sẻ.
Cần xây dựng một hệ thống giải pháp đồng bộ
Để loại bỏ những hình ảnh phản cảm trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, trong thời gian qua, các địa phương đã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt đối với các hành vi vi phạm, nhất là đối với những trường hợp tụ tập đông người, không thực hiện yêu cầu cách li toàn xã hội, không đeo khẩu trang và nghiêm túc thực hiện “5K”. Cùng với đó, trên báo chí, truyền thông, nhiều tấm gương nỗ lực vì cộng đồng, chia sẻ những khó khăn để vượt qua dịch bệnh được tuyên truyền mạnh mẽ, góp phần tạo nên động lực, niềm tin vượt qua thách thức.
Người dân vẫn tụ tập chơi thể thao và không đeo khẩu trang. |
Góp phần đẩy lùi những tác động tiêu cực từ hệ lụy của hành vi ứng xử lệch chuẩn, giúp xây dựng “lá chắn” bảo vệ cộng đồng, theo TSKH Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, cần xây dựng một hệ thống giải pháp đồng bộ. Hơn ai hết, những người lãnh đạo cơ quan, công sở, người lớn cần phải nêu gương, có trách nhiệm hơn, có đời sống mẫu mực hơn. Đặc biệt, cần phát huy vai trò môi trường gia đình và xã hội, trong đó các trường học cần tăng cường giáo dục những kiến thức công dân về trách nhiệm, về đạo đức. Thầy cô giáo phải mẫu mực nêu gương, xử lý và có chế tài thật nặng với những trường hợp có hành vi không chuẩn mực.
Để hạn chế những ứng xử lệch chuẩn, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ TT&TT ban hành cũng được các chuyên gia văn hóa đánh giá là giải pháp rất kịp thời. Bộ quy tắc đã đưa ra những quy định cụ thể như: Không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… Theo TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trên không gian mạng hiện nay thường xuyên xuất hiện những biểu hiện văn hóa, ứng xử lệch lạc, tác động rất tiêu cực đến việc hình thành nhân cách, lối sống của nhiều người, nhất là thế hệ trẻ. Một số người dùng ngôn ngữ, cách thức biểu đạt lệch chuẩn văn hóa, với suy nghĩ rằng đó chỉ là hành vi trên môi trường ảo. Điều đó hoàn toàn sai và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được ban hành rất kịp thời, đúng lúc. Cũng theo ông Nguyễn Viết Chức, không gian mạng, văn hóa trên mạng và các thành viên trong không gian đó đang có nhiều vấn đề về văn hóa ứng xử. Cho nên, cần có giải pháp, trong đó có những bộ quy tắc về văn hóa ứng xử để góp phần làm cho không gian này trở nên sạch sẽ, mọi hành vi và lời nói đều phải có chuẩn mực.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, cùng với đời sống thật, giờ đây, cần ứng xử với mạng xã hội không chỉ như một môi trường ảo nữa. Mỗi người sử dụng mạng xã hội cần phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Những gì áp dụng ngoài môi trường thật cũng cần áp dụng đối với môi trường ảo. Các công dân đều có quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến nhưng phải trong khuôn khổ và tuân thủ pháp luật...
Theo TS Nguyễn Viết Chức, trên không gian mạng hiện nay thường xuyên xuất hiện những biểu hiện văn hóa, ứng xử lệch lạc, tác động rất tiêu cực đến việc hình thành nhân cách, lối sống của nhiều người, nhất là thế hệ trẻ. Một số người dùng ngôn ngữ, cách thức biểu đạt lệch chuẩn văn hóa, với suy nghĩ rằng đó chỉ là hành vi trên môi trường ảo. Điều đó hoàn toàn sai và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được ban hành rất kịp thời, đúng lúc.