Tương lai bất định của Afghanistan
Quốc tế 17/08/2021 09:25
Sức kháng cự yếu ớt của lực lượng an ninh Afghanistan đã không thể mang lại sức nặng cho đề xuất chia sẻ quyền lực muộn màng mà chính quyền Kabul đưa ra. Lực lượng Taliban tấn công và lần lượt giành quyền kiểm soát nhiều thành phố, thị trấn ở Afghanistan, bất chấp Mỹ và các nước cảnh báo sẽ không công nhận một chính quyền Taliban lên nắm quyền bằng vũ lực. Cuộc xung đột tại Afghanistan gần như đi đến hồi kết trong một tiến trình không thể đảo ngược, sẽ đưa Taliban trở lại quyền lực sau 20 năm.
Tổng thống Ghani rời khỏi đất nước, để lại đằng sau những hỗn loạn và lo âu, cùng tương lai bất định cho mảnh đất từng bị coi là “cái nôi của khủng bố”. Không khó để hình dung những hệ quả khôn lường mà cục diện của cuộc xung đột sẽ gây ra cho cả khu vực và xa hơn thế.
Cũng giống như những năm 90 thế kỉ trước, Taliban hứa hẹn mang đến ổn định và an ninh. Trong tuyên bố phát đi rạng sáng 16/8 (giờ Việt Nam), người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban - ông Mohammad Naeem - khẳng định rằng phong trào này không mong muốn tồn tại trong tình trạng bị cô lập và hi vọng thiết lập các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trong thông điệp mới đây, thủ lĩnh tối cao Taliban, Hibatullah Akhundzada tuyên bố Taliban đang trên đà thiết lập một “hệ thống Hồi giáo thuần túy” ở Afghanistan, nơi phụ nữ và các nhóm thiểu số không được hưởng các quyền.
Lực lượng Taliban tại thủ phủ Mehtarlam, tỉnh Laghman, Afghanistan ngày 15/8/2021. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Nhiều người lo ngại Taliban sẽ áp đặt chế độ Hồi giáo hà khắc, đảo ngược hai thập niên tiến bộ của phụ nữ và các nhóm thiểu số, trong khi hạn chế hoạt động của báo chí… Do đó, tình hình tại Afghanistan khi Taliban sắp lên nắm quyền đang khiến an ninh của các quốc gia láng giềng bị đe dọa. Đây chính là lí do tại sao việc bảo đảm một Afghanistan ổn định và không xảy ra bất trắc là một vấn đề an ninh quốc gia đối với các nước ở cả trong và ngoài khu vực.
Trong những phản ứng đầu tiên, Tổng Thư kí Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã yêu cầu Taliban “thực hiện kiềm chế tối đa” ở Afghanistan. Thông cáo của LHQ dẫn lời Tổng Thư kí Guterres bày tỏ “đặc biệt quan ngại về tương lai của phụ nữ và trẻ em gái”, đồng thời yêu cầu phải bảo vệ “các quyền lợi khó khăn lắm mới giành được” của những người này.
Liên minh châu Âu (EU) cũng nhấn mạnh sự cần thiết tránh các cuộc tàn sát tại Afghanistan. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định sẽ hỗ trợ người dân Afghanistan tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện nay, điều mà tổ chức này khẳng định là "cấp bách hơn bao giờ hết"...
Về phần Mỹ, khi Washington rút gần hết các lực lượng đồn trú tại Afghanistan, sẽ rất khó để chính quyền của Tổng thống Joe Biden duy trì ảnh hưởng đáng kể đối với các diễn biến trên thực địa ở Afghanistan cũng như quá trình thành lập chính phủ do Taliban đứng đầu.
Có thể thấy trước rằng tương lai chính trị của Afghanistan dường như không mấy tươi sáng. Nhiều khả năng nước này sẽ bị phân quyền, rời rạc và là một nhà nước yếu kém. Vấn đề lớn hơn là chiến tranh đã tàn phá tất cả cơ sở hạ tầng của Afghanistan và nước này là một trong những quốc gia nghèo nhất, tình trạng tham nhũng tràn lan với năng lực quản trị yếu kém, trong khi an ninh bất ổn luôn là thách thức.
Để khắc phục tất cả những điều này, một cuộc đối thoại hòa giải dân tộc giữa các bên ở Afghanistan, trên cơ sở đặt lợi ích của người dân lên trên hết, là điều quan trọng nhất. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc trong khu vực. Cuộc xung đột ở Afghanistan tiềm ẩn nhiều nguy cơ sâu rộng toàn cầu, nên việc giải quyết không phụ thuộc vào bất kì một quốc gia đơn lẻ nào, dù là Iran, Nga, Qatar hay Mỹ. Tất cả đều phải nỗ lực để góp phần mang lại hòa bình và ổn định cho Afghanistan, bảo đảm một môi trường an ninh có lợi cho sự phát triển của khu vực và thế giới.