Nỗi lo hậu xung đột tại Afghanistan
Quốc tế 15/10/2021 09:36
Tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra theo hình thức trực tuyến đã tập trung thảo luận về tình hình Afghanistan, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm lối thoát cho vòng xoáy bất ổn, hướng tới mục tiêu tái lập hòa bình và ổn định cho Afghanistan.
Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Italy, nước Chủ tịch luân phiên G20 năm 2021, với yêu cầu cấp bách là ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo, bảo đảm quyền con người, nhất là phụ nữ và trẻ em, đồng thời ứng phó với sự gia tăng các dòng người di cư, tị nạn từ Afghanistan.
Theo Tổng Thư kí Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres, thế giới sẽ phải chứng kiến ngày càng nhiều người Afghanistan rời bỏ quê hương khi họ không có đủ lương thực, việc làm và không được bảo đảm các quyền con người cơ bản. Gần đây, những chính sách hà khắc đối với phụ nữ tiếp tục được chính quyền Taliban công khai áp dụng càng làm gia tăng hoài nghi về những cam kết của lực lượng này trong thực thi đường lối ôn hòa. Trước đó, LHQ đã cảnh báo tình hình khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan ngày càng trở nên tồi tệ, người dân khắp nơi thiếu lương thực và suy dinh dưỡng, do vậy cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này, đặc biệt khi mùa Đông đang đến gần.
Tổng Thư kí LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, sau hàng chục năm chiến tranh và bất ổn, người Afghanistan có nguy cơ nghèo đói và bệnh tật |
Tại hội nghị, những vấn đề ưu tiên nêu trên được cụ thể hóa với những quyết định quan trọng sẽ được G20 triển khai. Về tài chính, hội nghị ghi nhận các cam kết viện trợ cho mục đích nhân đạo trị giá hàng tỉ USD từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. EU khẳng định gói viện trợ 1,2 tỉ USD sẽ được phân bổ thông qua các tổ chức quốc tế tại thực địa để hỗ trợ trực tiếp cho người dân Afghanistan mà không chuyển qua chính quyền Taliban. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết cung cấp 1 tỉ USD viện trợ và hỗ trợ cho Afganistan trong 20 năm tới, đồng thời bày tỏ tin tưởng sự hỗ trợ quốc tế sẽ giúp cải thiện tình hình tại nước này. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Tokyo sẽ cung cấp tổng cộng 200 triệu USD trong năm 2021, bao gồm 65 triệu USD thông qua các tổ chức quốc tế…
Nền kinh tế Afghanistan đang bên bờ suy thoái nghiêm trọng, thậm chí là sụp đổ. Ước tính hơn 30% dân số không có tiền để mua thực phẩm dự trữ dù chỉ là cho ngày hôm sau, trong khi thực phẩm cung cấp cho người dân có thể cạn kiệt vào cuối tháng này. Đất nước lâm vào khủng hoảng còn khiến người lao động bị nợ lương, đồng nội tệ mất giá và các ngân hàng chỉ cho phép người dân rút tối đa 200 USD mỗi tuần. Hệ quả của việc kết hợp các yếu tố xung đột, hạn hán và dịch Covid-19 khiến 14 triệu người, chiếm 30% dân số, có nguy cơ thiếu ăn và chết đói, 50% số trẻ dưới 5 tuổi ở Afghanistan bị suy dinh dưỡng.
Không những đối mặt khó khăn về kinh tế, bất ổn an ninh cũng là một thách thức mà Afghanistan đang phải đối mặt. Kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát, các tay súng của IS đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào nhóm này, cũng như các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số khác. Mới đây nhất, ngày 8/10, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã gây ra vụ đánh bom liều chết tại một thánh đường ở tỉnh Kunduz, Đông Bắc Afghanistan, khiến gần 50 người thiệt mạng và hơn 140 người bị thương.
Thực tế này đặt ra thách thức cho cộng đồng quốc tế nhằm bảo đảm Afghanistan không trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh và hòa bình tại khu vực. Cùng với sự hỗ trợ của quốc tế, lộ trình tương lai của Afghanistan còn để ngỏ, phụ thuộc vào hành động thực tế của lực lượng Taliban…