Tự chọn môn Lịch sử lợi bất cập hại
Nghiên cứu - Trao đổi 21/05/2022 13:18
Nhìn vào cấu tạo chương trình môn Lịch sử ta thấy: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), môn Lịch sử là nội dung bắt buộc, thời lượng cũng tăng lên so với chương trình cũ nhưng ở cấp học này, học sinh mới chỉ tiếp nhận được những kiến thức cơ bản theo trình tự thời gian, lên bậc THPT học sinh mới có khả năng phân biệt được những sự kiện lịch sử của đất nước, của dân tộc cũng như của thế giới theo định hướng của nền giáo dục Việt Nam.
Mặt khác, ở THPT môn Lịch sử mới có những chuyên đề có ý nghĩa giáo dục học sinh một cách sâu sắc, ví dụ “Chuyên đề giải phóng dân tộc, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc”. Nếu tự chọn môn Lịch sử, tin rằng số lượng học sinh chọn môn học này rất ít, điều này sẽ gây ra sự hiếu thụt kiến thức trong cuộc sống. Biết vậy, nhưng học sinh không thể chọn môn Lịch sử được vì nhiều lí do khác nhau, trong đó quan trọng nhất là các nghề nghiệp hiện nay liên quan đến môn học này không nhiều.
Giáo dục lịch sử có vai trò quan trọng hình thành tình yêu đất nước |
Môn Lịch sử không trực tiếp làm ra kinh tế, nhưng nó là nền tảng quan trọng để hình thành nên những con người có lòng yêu nước thiết tha, sẵn sàng cống hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc mà không hề toan tính. Đưa Lịch sử thành môn tự chọn có thể gián tiếp làm giảm lòng yêu nước của nhiều thế hệ người Việt Nam, là nguy cơ khiến thế hệ trẻ Việt Nam quên sự hi sinh của các thế hệ cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Không thể phủ nhận lợi thế của việc giảm tải các môn học bắt buộc, nhưng nếu đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn thì lợi bất cập hại. Ai có thể đoán được có bao nhiêu học sinh tự chọn môn này? Nếu một trường mà số học sinh tự chọn không đủ một lớp để dạy thì sao? Số giáo viên dư ra sẽ giải quyết thế nào? Các cháu học sinh THCS sẽ nhìn vào đây để học môn Lịch sử ở các lớp 6, 7, 8, 9 như thế nào?
Được biết, ở Nhật Bản ba môn: Lịch sử hiện đại và đương đại, Địa lí và Công dân được đưa thành những môn bắt buộc. Còn ở Nga thì để tăng cường giáo dục lòng yêu nước cho các em học sinh từ 7 tuổi, Bộ Giáo dục Nga đã đưa môn Lịch sử thành môn bắt buộc từ lớp 1 thay vì bắt đầu học môn Lịch sử từ lớp 5 như hiện nay.
Nói về tầm quan trọng của việc dạy và học môn Lịch sử, lúc sinh thời Bác dạy: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Lời di huấn của Bác còn nguyên vẹn ý nghĩa sâu sắc tới hôm nay. Người dạy “phải biết sử ta” có nghĩa là “phải học sử ta” mà “phải học” đến nơi đến chốn. Trong thời đại ngày nay, chúng ta không chỉ “phải tường gốc tích” mà còn “phải” coi đây là kim chỉ nam cho con đường hội nhập của đất nước, để chúng ta luôn tự hào, tự tin nắm bắt thời cơ và thấy được nguy cơ mà vững bước đi lên.
Dân tộc Việt Nam luôn tự hào với truyền thống hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Nền giáo dục Việt Nam được xây dựng trên nền tảng lịch sử văn minh và hào hùng ấy. Với đạo lí truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của người Việt thì có nên đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn không? Làm như thế liệu có đi ngược với truyền thống đạo lí, có làm mai một tinh thần yêu nước của người Việt không?