TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp: Nhiều dấu hiệu hình sự từ vụ va quẹt giao thông!
Đơn thư bạn đọc 25/08/2020 07:56
Những hình ảnh được trích xuất từ camera hành trình của xe bà Vui ghi lại cảnh vụ việc bà Vui bị đánh sau va chạm giao thông. |
Nội dung vụ việc
Bà Nguyễn Hữu Kim Vui, sinh năm 1970, mang Quốc tịch Việt Nam, hộ chiếu số N1668376 cấp tại Đại sứ quán Việt Nam ở Ottaoa, Canada ngày 30/7/2013; và Quốc tịch Cannada, hộ chiếu số GF628229 cấp tại Mississauga, Canada ngày 24/7/2013; cư ngụ tại đường Nguyễn Tất Thành, phường An Hòa, TP Sa Đéc, gửi đơn đến Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đồng Tháp, các cơ quan chức năng TP Sa Đéc và tỉnh Đồng Tháp và các cơ quan thông tấn báo chí khiếu nại về việc vụ va quẹt giao thông, đề nghị xem xét và khởi tố vụ án về việc bà bị đánh hội đồng gây thương tích theo Điều 155, khởi tố vụ án hình sự về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự và “Tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, “Tội trộm cắp tài sản” theo Điều 178 và Điều 173 Bộ luật Hình sự đối với Nguyễn Hồng Phượng, Nguyễn Vĩnh Hiệp cùng nhóm đồng phạm Nguyễn Minh Trí, Nguyễn Thủy Ngọc và Nguyễn Hoàng Bảo Vy nhưng cơ quan chức năng không khởi tố vụ án hình sự và chậm giải quyết đơn tố giác tội phạm của bà Vui (?!)
Theo đơn của bà Nguyễn Hữu Kim Vui, vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 26/4/2020, bà Vui đang điều khiển ô tô chở Lê Phát Tín, con của người bạn chạy trên đường Nguyễn Tất Thành gần ngã tư Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Văn Phát ở TP Sa Đéc, thì đèn báo hiệu giao thông màu đỏ, nên bà Vui cho xe ô tô dừng lại. Khi đèn giao thông chuyển sang màu xanh bà Vui cho xe chạy lên phía trước thì phía bên phải đầu xe ô tô bà Vui có chiếc xe SH biển kiểm soát 66C1-450.05 do Nguyễn Hoàng Bảo Vy điều khiển bất ngờ cúp đầu xe ô tô của bà Vui, nên bà Vui đánh lái quá trái để né xe SH thì va quẹt với xe ô tô mang biển số 51F-440.91 do ông Nguyễn Vĩnh Hiệp điều khiển. Sau đó, Nguyễn Hoàng Bảo Vy đậu xe SH lại ngang trước đầu xe của bà Vui. Bà Vui bước xuống xe để xem vụ va quẹt và tìm cách giải quyết. Nhưng chưa nói câu nào thì ông Hiệp và Nguyễn Hồng Phượng trên xe ông Hiệp nhảy xuống đánh bà Vui tới tấp, Bảo Vy cũng “a dua” vào đánh bà Vui cùng ông Hiệp.
Bị nhiều người vây đánh nên bà Vui bỏ chạy vào tiệm sửa xe Vẹn bên đường để nhờ giúp đỡ. Khi bà Vui vừa lấy điện thoại Iphone 11 Pro MAX ra để điện thoại trình báo công an thì bị bà Nguyễn Hồng Phượng tiếp tục đánh làm rơi điện thoại xuống đường. Không dừng lại ở đó, bà Phượng còn tiếp tục nhặt điện thoại của bà Vui lên ném mạnh xuống đường làm hư hỏng chiếc điện thoại của bà Vui. Sau đó, ông Hiệp cầm điện thoại của bà Vui đút vào túi quần rồi lên xe ô tô định rời khỏi hiện trường, nhưng bị bà Vui cản lại không cho đi. Một lúc sau, ông Hiệp, bà Vy gọi điện thoại thì có thêm 2 người (Nguyễn Minh Trí và Nguyễn Thủy Ngọc - PV) đến hiện trường tiếp tục đánh bà Vui, bà Vui phải chạy sang đường có quán caffee Milano. Một lúc sau, Nguyễn Minh Trí lái xe ô tô 51F-440.91 của ông Hiệp rời khỏi hiện trường vụ va quẹt giao thông, rồi bà Vy cũng chở ông Hiệp rời khỏi hiện trường trên xe SH của mình. Gần 30 phút sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan công an mới đến hiện trường ghi nhận sự việc.
Nhiều dấu hiệu hình sự
Trao đổi với phóng viên, bà Vui cho biết, sự việc diễn biến được camera an ninh của Công an TP Sa Đéc ghi lại và camera hành trình trên xe của bà Vui cũng ghi lại được quá trình xảy ra vụ va quẹt giao thông, đánh người… nhưng gần 3 tháng trôi qua, các cơ quan chức năng TP Sa Đéc vẫn lặng thinh, không xử lý vụ án, có dấu hiệu để vụ việc “chìm vào quên lãng”. Vậy, có hay không việc chậm giải quyết vụ việc để “nhận chìm xuồng” vụ việc thể hiện cố ý gây thương tích và có dấu hiệu trộm cắp tài sản của bà Vui? Bà Vui cũng mong cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc này đúng quy định pháp luật vì có yếu tố nước ngoài.
Liên quan vụ việc va quẹt giao thông, đánh nhau gây thương tích mà có yếu tố nước ngoài kể trên, trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ cho biết, theo quy định, thẩm quyền giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài: được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bao gồm: Người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài (nếu xét xử tại Việt Nam), vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài.
Và theo khoản 5 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “a) Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự Khu vực, điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực; b) Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra. Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp Khu vực, nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra”.
Như vậy trong trường hợp này thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra cấp tỉnh thụ lý để điều tra theo thẩm quyền.
Còn về thời gian giải quyết Đơn tố giác tội phạm, được Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì thời gian giải quyết tối đa không được vượt quá 60 ngày, trừ trường hợp có xin gia hạn kiểm tra, xác minh và được viện kiểm sát chấp thuận bằng văn bản.
Sự việc xảy ra ngày 28/4/2020, bà Nguyễn Hữu Kim Vui đến bệnh viện khám thương tích, được Bệnh viện Đa khoa TP Sa Đéc cấp Giấy chứng nhận thương tích vào ngày 29/4/2020. Nhưng ngày 2/7/2020 thì đã hơn 2 tháng từ ngày xảy ra vụ việc mới cho giám định pháp y về thương tích là 1% có khách quan, việc giám định thương tích của cơ quan chức năng có đúng quy định pháp luật hay không?
Luật sư Nguyễn Văn Đức cho biết: Theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về Giám định thương tích như sau: tại Điều 206 quy định Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
3. Nguyên nhân chết người;
4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
5. Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
6. Mức độ ô nhiễm môi trường.
Như vậy trong trường hợp này, áp dụng khoản 4 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động. Điều 208. Thời hạn giám định, quy định: 1. Thời hạn giám định đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định: a) Không quá 3 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 206 của Bộ luật này; b) Không quá 1 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 206 của Bộ luật này; c) Không quá 9 ngày đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 206 của Bộ luật này. 2. Thời hạn giám định đối với các trường hợp khác thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định. 3. Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định. 4. Thời hạn giám định quy định tại Điều này cũng áp dụng đối với trường hợp giám định bổ sung, giám định lại.
Về thời hạn giám định trong trường hợp này rơi vào mục c khoản 1 Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 Không quá 9 ngày đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 206 của Bộ luật này.
Giấy chứng nhận thương tích ngày 29/4/2020 của Bệnh viện Đa khoa TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. |
Thông báo Kết luận giám định của Cơ quan CSĐT Công an TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. |
Cần nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc
Theo Hướng dẫn tại điểm 23, mục II Công văn 81 ngày 10/6/2002 của TAND Tối cao, trong vụ án có bị cáo, người bị hại, người có nghĩa vụ hoặc quyền lợi liên quan là người nước ngoài, hoặc tổ chức nước ngoài thì căn cứ vào các quy định tố tụng hiện hành, thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh. Và tại Điều 7 Nghị quyết 03/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, yếu tố người nước ngoài là: Đương sự là người Việt Nam định cư, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam. Bà Vui cũng đề nghị các cơ quan chức năng TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp sớm xem xét, điều tra, làm rõ và khởi tố vụ án hình sự về “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác ” và “Tội trộm cắp tài sản” quy định tại Điều 178, Điều 134 và Điều 173 Bộ luật Hình sự đối với ông Nguyễn Hồng Phượng, ông Nguyễn Vĩnh Hiệp cùng nhóm đồng phạm để trả lại sự công bằng cho bà Vui và gia đình.
Như vậy, việc cơ quan tố tụng ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cần nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc trên, đang là vấn đề đặt ra không chỉ riêng của bà Vui, người bị hại.