TP Hồ Chí Minh: Cần làm rõ và xử lí nghiêm cán bộ THADS huyện Củ Chi dùng “xảo thuật” bán đấu giá lô đất 3.087m2 với giá 1,7 tỉ đồng
Pháp luật - Bạn đọc 12/06/2019 12:00
Công dân đã trả hết nợ ngân hàng trước 10 ngày...
Ngày 30/5/2012, TAND TP Hồ Chí Minh có Bản án số 733/2012/KDTM-ST và ngày 8/1/2014, Chi cục THADS huyện Củ Chi có Quyết định thi hành án (THA) số 193/QĐ-CCTHA, buộc vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuyển phải trả nợ thay số tiền hơn 428 triệu đồng do Công ty Hân Vi, vay của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EximBank). Theo Quyết định THA số 04/QĐ-CCTHA ngày 2/10/2014 của Chi cục THADS huyện Củ Chi, phía ngân hàng đã chuyển toàn bộ giấy tờ thế chấp lô đất 3.087m2 cho Chi cục để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản.
Ngày 15/1/2016, ông Nguyễn Hữu Phước, chấp hành viên (CHV) Chi cục THADS huyện Củ Chi, lập biên bản giải quyết THA nêu rõ: Nếu Công ty Hân Vi, vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phát mãi quyền sử dụng lô đất 3.087m2 để thu hồi nợ. Nay ông Tuyển có nguyện vọng nhận lại tài sản đã thế chấp, đề nghị ngân hàng đồng ý cho ông trả toàn bộ số tiền nghĩa vụ của Công ty Hân Vi.
Cùng ngày, ông Phước có Công văn số 956/CCTHA gửi Ngân hàng EximBank, chi nhánh Hòa Bình, đề nghị chấp thuận phương án trên và được ngân hàng đồng ý.
Đấu giá tài sản, hay “cú lừa” ngoạn mục chuyển tài sản cho “sân sau”?
Do tin tưởng vào Chi cục trưởng và CHV Chi cục THADS huyện Củ Chi, ông Tuyển đã nộp đủ 314 triệu đồng phải THA từ ngày 22/1/2016, với niềm tin sẽ lấy lại được giấy chứng nhân quyền sử dụng đất. Thế nhưng, ông Tuyển bi “lật kèo”, đất bị bán một cách “trắng trợn”, tài sản của ông bị chiếm đoạt? Sau khi nhận được kết quả thẩm định giá tài sản, ông Tuyển có đơn yêu cầu định giá lại tài sản, nhưng Chi cục THADS huyện Củ Chi vẫn “làm ngơ”. Sau 2 ngày kể từ khi hoàn tất việc bán đấu giá, mới có văn bản trả lời ông Tuyển, thể hiện sự thiếu trách nhiệm, “xảo thuật” của các cán bộ THA.
Theo đó, quyền sử dụng 3.087m2 đất của ông Tuyển giá trị thực tế tại thời điểm hiện tại là gần 50 tỉ đồng, đã bị bán đấu giá chỉ 1,7 tỉ đồng (trước đó lô đất này đã được UBND huyện Củ Chi chuyển đổi thành đất thổ cư, tách thành 10 quyền sử dụng đất tại Quyết định số 1672 ngày 13/3/2015). Thực sự đây là “miếng mồi béo bở” cho thủ thuật bán đấu giá tài sản của ông Tuyển trái pháp luật, khi ông đã trả hết nợ cho ngân hàng. Trao đổi với phóng viên, ông Tuyển cho rằng: “Người mua được quyền sử dụng đất của tôi có phải là “sân sau” của THA hay không? Vì qua việc đấu giá này, người trúng thầu đã thu được lợi nhuận gần 50 tỉ đồng so với giá thị trường? Phải chăng có sự thông đồng, móc nối giữa cơ quan THA và đơn vị bán đấu giá để bán tài sản một cách bất chấp pháp luật? Để thực hiện màn kịch “đấu giá” trong ngày 22/1/2016, khi CHV đã nhận của tôi 314 triệu đồng mà tôi phải THA, nhưng cố tình ém số tiền này 7 ngày sau (ngày 29/1/2016) mới nộp cho ngân hàng và cố tình ra Thông báo số 1047/TB-CCTHA ngày 28/1/2016, để tổ chức đấu giá vào ngày 2/2/2016”.
Ông Tuyển cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng thực hiện đúng nghĩa vụ, chủ động nộp tiền sớm trước thời điểm bán đấu giá 10 ngày. Thế nhưng, CHV Phước và Chi cục THADS đã đưa ra thông tin giả, nhắn tin lừa dối, rồi cố tình nộp tiền muộn khiến cho trách nhiệm dân sự của chúng tôi trong vụ án bị thay đổi, bị mất đất trong sự oan ức. Ngay cả đề nghị định giá lại tài sản cũng bị phớt lờ. Đơn gửi ngày 26/1/2016, trước cuộc đấu giá 6 ngày, nhưng họ lại đợi đến sau cuộc đấu giá 2 ngày, ngày 4/2/2016, mới có công văn phản hồi. Rõ ràng đây là hành vi lừa dối người dân, có dấu hiệu của tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”. Trong vụ việc này, CHV Phước đóng vai trò “đạo diễn” chính và có trách nhiệm của Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Củ Chi”.
Ngày 16/2/2016, Ngân hàng EximBank có Văn bản số 107/2016/EIB.HB-KHDN gửi Chi cục THADS huyện Củ Chi, xác nhận đến ngày 3/2/2016, ông Tuyển đã tất toán khoản vay của Công ty Vi Hân tại ngân hàng EximBank. Đề nghị Chi cục THADS Củ Chi đình chỉ Quyết định THA theo đơn yêu cầu số 1015/QĐ-CTHA ngày 16/1/2013 của Chi cục THADS TP Hồ Chí Minh. Đề nghị hoàn trả lại hồ sơ bản chính tài sản cho ông Tuyển. Từ văn bản của Ngân hàng EximBank và căn cứ khoản 5 Điều 101 Luật THADS, gia đình ông Tuyển có đủ căn cứ pháp luật để được nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc CHV Phước đã nhận đủ tiền của ông Tuyển trước 10 ngày, nhưng vẫn cố tình ra thông báo đấu giá quyền sử dụng đất của ông Tuyển là trái với khoản 5, Điều 101, Luật THSDS, gây thiệt nghiêm trọng cho gia đình ông Tuyển.
...Đến luân chuyển, trốn tránh trách nhiệm!
Trước dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Chi cục THADS huyện Củ Chi, vợ chồng ông Tuyển đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng chuyển đơn cũng như yêu cầu Cục THADS TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra, chỉ đạo giải quyết dứt điểm, thì Cục này lại chuyển đơn về Củ Chi để giải quyết, thật khó hiểu?
Vì sao vụ việc khiếu nại, tố cáo này kéo dài đã gần 4 năm đến nay vẫn giải quyết chưa xong? Ông Tuyển có đơn khiếu nại đến lần thứ 26 mà không có Quyết định chính thức kết luận vụ việc? Phải chăng quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo có điều gì khúc mắc, khó ra Quyết định cuối cùng, nên sau nhiều năm, Cục trưởng Cục THADS TP Hồ Chí Minh lại phải tiếp công dân vào ngày 16/1/2019, với biên bản dài 4 trang mà không xử lí dứt điểm vụ việc? Công luận nghi ngờ: Vì sao không giải quyết hay trả lời bằng văn bản, mà chỉ làm động tác “dàn xếp”!? Căn cứ Điều 157 Luật THADS và Thông tư 02/2016/TT- BTP quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong Luật THADS, thời hạn giải quyết tố cáo trong THA tối đa là 60 ngày kể từ ngày thụ lí, đối với vụ việc phức tạp có thể kéo dài đến 90 ngày. Thế nhưng đến nay đã gần 4 năm, gia đình ông Tuyển không nhận được một câu trả lời thỏa đáng nào. Cục THADS TP Hồ Chí Minh cũng không ra quyết định chính thức giải quyết vụ việc để công dân thi hành, Chi Cục THADS huyện Củ Chi không tất toán số tiền của công dân bị chiếm giữ, gồm số tiền bán đấu giá đất của họ và số tiền họ đã nộp cho cơ quan THA, buộc họ tiếp tục khiếu nại, gây bất ổn về trật tự hành chính - tư pháp. Có hay không sự bao che, dung túng cho những sai phạm của Cục THADS TP Hồ Chí Minh, rất cần được làm rõ?
Theo ông Tuyển: “Điều nghi ngờ, trong khi sự việc đang rối chưa được giải quyết thì ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Củ Chi bất ngờ được điều chuyển đến giữ chức vụ Chi cục trưởng Chi cục THADS quận 8. Đây là sự né tránh trách nhiệm của Cục THADS TP Hồ Chí Minh, nếu không muốn nói là có dấu hiệu bao che cho sai phạm?”.
Rõ ràng, quyền lợi của gia đình ông Tuyển bị xâm phạm bởi sự “nhùng nhằng” của cơ quan THA, buộc ông phải tiếp tục khiếu nại, đề nghị Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS sớm có kết luận, giải quyết dứt điểm vụ “đấu giá” có dấu hiệu trái pháp luật của Chi cục THADS huyện Củ Chi và xử lí nghiêm những cán bộ, công chức vi phạm vụ án này.