Tiêu chuẩn khắt khe của Trung Quốc
Quốc tế 30/06/2022 09:41
Theo hãng tin Reuters, tận dụng lợi thế từ việc Bắc Kinh tăng cường hoạt động thương mại với các nước châu Phi để thu hẹp khoảng cách thâm hụt, Kenya đã kí một thỏa thuận xuất khẩu bơ tươi với Trung Quốc vào tháng 1/2022 sau nhiều năm vận động để tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, 6 tháng sau, chưa có một lô hàng nào được xuất đi.
Theo Hiệp hội bơ Kenya và cơ quan thanh tra sức khỏe thực vật của quốc gia Đông Phi, 10 nhà xuất khẩu bơ đã vượt qua bài các đợt kiểm tra từ phía Kenya, song Trung Quốc lại có những tiêu chuẩn riêng. Dựa trên kinh nghiệm của một số nước xuất khẩu hoa quả châu Phi, quy trình kiểm duyệt này có thể mất đến 10 năm.
Một số quan chức và doanh nghiệp trên khắp châu Phi cho rằng, tiêu chuẩn khắt khe của Trung Quốc cùng sự chần chừ trong việc thực hiện các thỏa thuận thương mại đã làm suy yếu kế hoạch thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa châu Phi của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, đẩy mạnh xuất khẩu nông nghiệp là một trong ít giải pháp mà các nước châu Phi đang có trong tay để tái cân bằng quan hệ thương mại với Trung Quốc và kiếm tiền để chi trả cho “núi nợ” mà phần lớn nợ chính Bắc Kinh.
Để qua được quy trình kiểm duyệt nông sản của Trung Quốc, trung bình mỗi sản phẩm phải mất 10 năm |
Nhiều quốc gia châu Phi hiện nói rằng, họ không thể trả nợ Trung Quốc và phải tăng cường xuất khẩu sang quốc gia tỉ dân này. Nhận thấy tính cấp thiết trong việc giải quyết sự mất cân bằng tại một hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố một loạt các sáng kiến nhằm thúc đẩy mặt hàng nhập khẩu từ châu Phi sang Trung Quốc lên 300 tỉ USD trong ba năm tới và 300 tỉ USD mỗi năm vào năm 2035.
Theo các chuyên gia, về lí thuyết, nông nghiệp là một trong những con đường hứa hẹn nhất. Trung Quốc là nhà nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới trong khi ngành nông nghiệp ở châu Phi cũng đóng góp hàng đầu cho hoạt động kinh tế châu lục.
Trong nhiều thập kỉ, Trung Quốc đã cho châu Phi vay hàng tỉ USD để xây dựng các tuyến đường sắt, nhà máy điện và đường cao tốc nhằm tăng cường mối quan hệ với châu lục này. Điều đó đã giúp thương mại Trung Quốc - châu Phi tăng gấp 24 lần trong hai thập kỉ qua và thương mại hai chiều đạt kỉ lục 254 tỉ USD vào năm ngoái bất chấp các nền kinh tế rơi vào hỗn loạn do đại dịch toàn cầu.
Hannah Ryder, người sáng lập của Development Reimagined, một công ty tư vấn phát triển do người châu Phi sở hữu có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, trong nhiều năm qua các nhà lãnh đạo châu Phi đã đẩy mạnh hành động thương mại. Khi nói đến thực phẩm và nông sản, cách đây 20 năm, giá trị nhập khẩu của mặt hàng này vào Trung Quốc đạt 13 tỉ USD. Đến năm 2020, con số đã tăng vọt lên 161 tỉ USD song châu Phi chỉ chiếm 2,6% trong số đó.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch "Làn xanh" nhằm rút ngắn tốc độ kiểm tra hàng hóa nông nghiệp từ châu Phi, tiếp cận thuế quan bằng 0 và hỗ trợ 10 tỉ USD cho các công ty Trung Quốc nhập khẩu từ châu lục này.
Lauren Johnston, giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại Quốc tế của Đại học Adelaide cho biết, trên thực tế, nhu cầu lương thực ngày càng tăng của Trung Quốc tạo cơ hội lớn cho châu Phi xuất khẩu nông sản để thu về ngoại hối.
Cam quýt Nam Phi là một trong những nông sản của châu lục được xuất khẩu nhiều tới Trung Quốc. Kể từ khi kí kết thỏa thuận đầu tiên với Bắc Kinh vào năm 2004, nước này đã xuất khẩu 162.000 thùng trái cây vào năm 2021. Thành công không đến trong một sớm một chiều.