Thực phẩm và các huyệt đạo giúp dưỡng phế
Sức khỏe 02/10/2024 09:38
Mùa Thu theo văn hóa phương Đông là mùa của sự thu liễm, dương khí sẽ dẫn dần liễm nạp, cây cối dần rụng lá, khí hậu sẽ ngày một khô hanh. Lúc này, làn da sẽ trở nên khô hơn, con người dễ trở nên u sầu và dễ mắc các triệu chứng như cảm lạnh, dị ứng mũi, hen suyễn, dị ứng da. Những triệu chứng này đều là điển hình của mùa Thu khô hanh.
Theo Đông y, sự khô hanh mùa Thu dễ làm tổn thương đến tạng phế của con người, làm tiêu hao tân dịch, khiến cơ thể xuất hiện các triệu chứng khô như da dẻ khô, nứt nẻ, khô mắt, khô môi, khô miệng, khô mũi…
Ngoài ra còn có các triệu chứng của phế như ho, đau họng… Do đó, trong mùa Thu, việc dưỡng sinh cần chú trọng đến dưỡng phế. Đông y có rất nhiều phương pháp để dưỡng khí, dưới đây là 4 loại thực phẩm và 4 huyệt vị trong số đó.
Lê có vị ngọt, tính mát, có tác dụng nhuận phế, giảm ho |
4 thực phẩm dưỡng phế
Đông y có câu “dược bổ bất như thực bổ”, tức là bổ dưỡng bằng thuốc men không bằng bổ dưỡng bằng thực phẩm. Mùa nào thức nấy, mỗi mùa với những đặc trưng về khí hậu lại sản sinh ra những loại thực phẩm phù hợp với tiết trời ấy.
Các thầy thuốc Đông y thường khuyến nghị khi dưỡng phế có thể sử dụng các thực phẩm có màu trắng, vì theo ngũ hành, màu trắng thuộc hành kim sẽ đi vào kinh phế. Có thể ăn một số thực phẩm màu trắng như nấm tuyết, củ mài, củ cải trắng, lê để đạt hiệu quả bổ âm và giữ ẩm.
- Nấm tuyết
Nấm tuyết là tên gọi khác của mộc nhĩ trắng. Theo Đông y, nấm tuyết có vị ngọt, nhạt, tính bình, không có độc, là loại nấm hấp thu được tinh khí của đất trời, có thể dưỡng nhan, làm đẹp, tư bổ giúp thân thể khỏe mạnh.
Theo các nghiên cứu y học hiện đại, trong nấm tuyết có chứa nhiều chất sắt, vitamin C, calci, phốt pho… có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Đây là loại thực phẩm rất có lợi cho cơ thể giúp dưỡng phế, chống lại sự khô táo của mùa thu.
- Củ mài
Củ mài ở nước ta thường được dùng thay thế cho vị thuốc sơn dược hay hoài sơn. Củ mài ngoài làm thuốc có thể chế biến thành các món ăn rất ngon miệng như nấu chè, nấu cháo, các món hầm…
Theo Đông y, đây là vị thuốc có vị ngọt, tính bình, quy kinh Tì, Vị, Phế, Thận. Đối với tạng phế, củ mài có tác dụng bổ ích cho phần âm của phế, sinh tân dịch giúp điều trị các chứng phế âm hư tổn.
Mùa Thu, tạng phế dễ bị tổn thương, tân dịch dễ bị hao tổn vì vậy đây là một loại thực phẩm dưỡng sinh rất thích hợp để ăn trong mùa này.
- Củ cải trắng
Củ cải trắng được mệnh danh là Nhân sâm trắng, là loại rau rất có lợi đối với sức khỏe con người. Theo Đông y, củ cải trắng có vị cay, tính mát, khi nấu chín sẽ có vị ngọt, tính bình, quy kinh Phế, Vị.
Đây là loại thực phẩm có công dụng chữa một số bệnh đường hô hấp rất tốt, có thể điều trị các trường hợp người mệt mỏi, suy nhược, ho nhiều, ho có đờm, ho ra máu, viêm Phế quản mạn tính ở người cao tuổi…
Củ cải trắng cũng là một lựa chọn giúp dưỡng phế, bổ sung tân dịch cho mùa Thu.
- Quả lê
Từ lâu lê đã trở thành một dược liệu thiên nhiên giúp điều trị các bệnh liên quan đến Phế. Theo Đông y, lê có vị ngọt, tính mát, có tác dụng nhuận phế, giảm ho, sinh tân dịch, thanh nhiệt, tiêu đàm, tiêu độc. Lê và các món ăn chế biến từ lê chính là những thực phẩm vô cùng quý báu trong mùa thu giúp dưỡng phế, chống lại sự khô táo.
Dưỡng phế mùa Thu bằng cách xoa bóp 4 huyệt đạo
Ngoài việc ăn uống, việc xoa bóp các huyệt đạo cũng là một lựa chọn tốt. Dưới đây là 4 huyệt đạo có thể giúp dưỡng phế mùa thu. Mỗi ngày dành thời gian day ấn các huyệt đạo này sau một thời gian tác dụng dưỡng phế sẽ có thể thấy rất rõ.
- Huyệt vân môn
Vị trí: Nằm ở phía dưới đầu ngoài của xương đòn, trên bờ trên của cơ ngực lớn, tại điểm lõm giữa cơ và xương đòn.
Huyệt vân môn là huyệt trên kinh phế, đây là nơi phát ra mạch khí của kinh phế, có tác dụng khai thông phế khi, giảm ho, long đờm, có tác dụng điều trị nhiều chứng bệnh do phế khí hư nhược gây ra.
- Huyệt trung phủ
Vị trí: Nằm dưới huyệt vân môn 1 thốn (khoảng bề ngang của đốt ngón tay cái).
Cũng giống như huyệt vân môn, trung phủ cũng là một huyệt thuộc kinh phế. Đây là nơi mạch khí của kinh phế hội tụ, có tác dụng sơ điều phế khí chuyên dùng trong điều trị các chứng ho, hen suyễn, viêm khí quản, lao phổi…
- Huyệt ngư tế
Vị trí: Nằm ở lòng bàn tay, tại trung tâm của xương bàn tay của ngón cái (trung tâm ô mô cái).
Đây là huyệt thứ 10 của kinh phế, có các tác dụng điều trị chứng ho, ho ra máu, lao phổi - là một huyệt giúp dưỡng phế trong mùa Thu.
- Huyệt tam âm giao
Vị trí: Nằm ở phía trên mắt cá trong của chân, cách mắt cá chân bê ngang của 4 ngón tay.
Tam âm giao là huyệt thường xuyên được dùng trong Đông y. Đây là nơi hội tụ của ba kinh âm ở chân là Can, Thận và Tì, là huyệt thứ 6 trên kinh tì. Theo Đông y, tì thổ sinh phế kim, vì vậy đây đồng thời cũng là một huyệt vị rất hiệu quả trong việc dưỡng phế, dưỡng tân dịch, đặc biệt thích hợp trong mùa Thu.