Thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả
Xã hội 09/09/2022 09:40
Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Dự thảo Luật sau khi chỉnh lí còn 56 điều, ít hơn 6 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kì họp thứ 3, bỏ 3 điều (2, 47 và 61), bổ sung 3 điều (33, 39 và 55).
Với sự chỉ đạo chặt chẽ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay, dự thảo Luật cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra, thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để "phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống BLGĐ toàn diện, khả thi, có hiệu quả", tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống BLGĐ theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế Nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống BLGĐ, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển KT-XH trong tình hình mới.
Về đối tượng áp dụng được quy định tại Điều 2 của dự thảo Luật, một số ý kiến ĐBQH nhất trí với quy định tại Điều 2 nhưng đề nghị đánh giá tính khả thi và bổ sung các quy định để bảo đảm áp dụng được đối với nhóm đối tượng người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, quy định về đối tượng áp dụng là không cần thiết.
Liên quan đến các hành vi BLGĐ được quy định tại Điều 3, một số ý kiến ĐBQH đề nghị khoản 1 cần quy định khái quát thành các nhóm hành vi BLGĐ. Có ý kiến góp ý về nội dung của một số điểm quy định về hành vi BLGĐ. Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, hầu hết các hành vi BLGĐ được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế. Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động dưới dạng đan xen nhiều hình thức khác nhau, nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi BLGĐ có thể trùng lắp, bỏ sót hoặc không bao quát hết. Do vậy, dự thảo Luật tiếp tục quy định cụ thể các hành vi BLGĐ và được rà soát, chỉnh lí các điểm quy định tại khoản 1 Điều này trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các ĐBQH.
Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) và đánh giá cao những tiếp thu, chỉnh lí của Ban soạn thảo, song đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, nội dung của dự thảo Luật dường như chưa chú trọng đến đối tượng trẻ em - đối tượng dễ bị BLGĐ. Trên thực tế, hằng năm, số lượng trẻ em là nạn nhân của BLGĐ rất lớn. Theo thống kê của Tổng đài 111 năm 2021, số trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ cao nhất (72,84%). Đại biểu Nga cho rằng, đây mới chỉ là thống kê của một tổng đài, do đó con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, những nội dung được quy định tại dự thảo Luật hầu như chỉ hướng tới người lớn, nhiều quy định không phù hợp với đối tượng trẻ em…
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát kĩ lưỡng và có những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân BLGĐ là trẻ em, thống nhất với nguyên tắc phòng, chống BLGĐ tại mục 2 Điều 4 của dự thảo Luật là ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị BLGĐ là trẻ em…