Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm “biến” đất công thành đất tư
Tin pháp luật 13/01/2021 13:24
Trước những sai phạm nghiêm trọng tại dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) do Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thuộc Bộ NN&PTNT quản lý, sử dụng, gây bức xúc dư luận. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành làm rõ hàng loạt sai phạm của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Công ty TNHH quảng cáo - xây dựng - địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) đã thâu tóm đất công “biến” thành đất tư.
Bán tài sản công “qua mặt” cơ quan thẩm quyền
Theo Kết luận Thanh tra Chính phủ, khu đất tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du và 34 - 36 - 42 đường Chu Mạnh Trinh (quận 1, TP Hồ Chí Minh) là đất công sản, do Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Lương thực miền Nam, thuộc Bộ NN&PTNT quản lý và sử dụng. Sau giải phóng, năm 1975, khu đất này được cấp cho cán bộ, công nhân viên chức ở tạm.
Năm 2010, sau khi được UBND TP Hồ Chí Minh giao dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, diện tích hơn 6.200m2 theo dạng nộp tiền sử dụng đất một lần, Vinafood 2 lập tức liên kết, góp vốn với Công ty Việt Hân thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại. Quá trình thực hiện dự án, Vinafood 2 đã cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Khu đất 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (TP Hồ Chí Minh). |
Cụ thể, Vinafood 2 không thực hiện lập lại phương án sắp xếp lại 4 cơ sở nhà, đất (số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và trình Thủ tướng quyết định. Vinafood 2 không lập thủ tục liên kết, góp vốn trình Bộ NN& PTNT và Bộ Tài chính thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định mà tự ý liên kết hợp tác với Công ty Việt Hân.
Mặc dù, UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn và yêu cầu Vinafood 2 phải xây dựng phương án thoái phần vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn theo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước và Nghị định của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng Vinafood 2 không thực hiện theo quy định pháp luật.
Đáng chú ý là ngày 25/11/2015, Vinafood 2 chuyển nhượng 4 cơ sở nhà, đất nói trên cho Công ty Việt Hân Sài Gòn. Sau đó, đại diện Công ty Việt Hân Sài Gòn đã dùng chính số tiền góp vốn điều lệ trong công ty để mua 4 cơ sở nhà, đất là tài sản do Vinafood 2 đang được giao quản lý để thực hiện dự án theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi bán 4 cơ sở nhà đất, Vinafood 2 mới báo cáo Bộ NN&PTNT chấp thuận cho triển khai việc xử lý các cơ sở nhà đất tại 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh nhằm khắc phục thua lỗ trong kinh doanh.
Mặc dù vậy, Vinafood 2 cũng không thực hiện lập phương án bồi thường, hỗ trợ di dời 34 hộ dân đang sinh sống tại 3 cơ sở nhà, đất tại số 33 Nguyễn Du và 34, 36 đường Chu Mạnh Trinh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vinafood 2 không thông báo cho UBND quận 1 (TP Hồ Chí Minh) biết việc đã chuyển nhượng toàn bộ 20% góp vốn của công ty tại Công ty Việt Hân Sài Gòn.
Mượn dự án để vay vốn
Thanh tra Chính phủ kết luận, giai đoạn từ 2010-2015, Vinafood 2 không triển khai dự án, chỉ sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho các công ty thành viên có cùng mục đích sử dụng vốn vay. Vinafood 2 ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) ngày 5/12/2014 vay bổ sung vốn kinh doanh thường xuyên cho 4 công ty thành viên, hạch toán phụ thuộc.
Theo đó, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã lợi dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BB971073 kèm chứng thư xác định trị giá tài sản đảm bảo hơn 7 nghìn tỷ đồng để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc 7 công ty khác vay hơn 6 nghìn tỷ đồng. Các công ty gồm: Công ty cổ phàn Bạch Minh Long, Công ty cổ phần Supreme Power, Công ty cổ phần Đầu tư Thuận Nha, Công ty cổ phần Clover Peak, Công ty cổ phần Đầu tư Thanh Man, Công ty cổ phần Đầu tư Song Phú.
Theo đó, Công ty Việt Hân Sài Gòn lập hồ sơ dự án đầu tư khống đối với 4 cơ sở nhà đất nói trên, lấy tên là The Golmark Premium Tower để các công ty này ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn với các chi nhánh của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn và được giải ngân ngay. Khi các khoản vay và lãi trả cuối kỳ đến hạn sẽ được chuyển sang chi nhánh ngân hàng khác để giải ngân và cho vay mới. Phương thức này được lặp đi lặp lại nhiều lần, số tiền vay lần sau lớn hơn lần trước.
Thực tế, Thanh tra Chính phủ khẳng định, dự án trên không tồn tại, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền. Việc thế chấp Giấy chứng nhận QSDĐ vay hàng nghìn tỷ đồng đã vi phạm các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng đối với khách hàng...
Để thu hồi tài sản Nhà nước, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hồ Chí Minh xử lý thu hồi khu đất công tại quận 1 đang bị Vinafood 2 thâu tóm; đôn đốc và giám sát, các đơn vị có liên quan thực hiện xử lý và khắc phục hậu quả để thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Giao Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh chỉ đạo và giám sát Phòng Công chứng số 7 thực hiện thủ tục khởi kiện ra TAND có thẩm quyền đề nghị tuyên bố Văn bản Công chứng số 28355 “Hợp đồng góp vốn và chuyển nhượng quyền sử dụng đất" giữa Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn đã được Phòng Công chứng số 7 chứng nhận ngày 30/12/2015 là vô hiệu.
Sau khi có bản án, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hồ Chí Minh hủy kết quả xác nhận nội dung đăng ký biến động ngày 25/3/2016, thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 ngày 11/9/2010 và thu hồi đất tại 4 cơ sở nhà đất nói trên để quản lý, khai thác sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai.
Giao Công an TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan kiểm tra việc phá dỡ tài sản Nhà nước tại số 42 đường Chu Mạnh Trinh khi Vinafood 2 chưa thực hiện nộp tiền giá trị công trình xây dựng theo thông báo của Sở Tài chính; xác định giá trị thiệt hại tài sản Nhà nước bị phá dỡ, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, để xử lý theo quy định pháp luật.
Giao Cục thuế TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư xác minh làm rõ việc gian lận thuế thu nhập cá nhân bằng cách chuyển nhượng lòng vòng qua cá nhân để hưởng thuế suất 0,1% đối với hoạt động chuyển nhượng vốn góp trong Công ty Việt Hân Sài Gòn.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng thực hiện thanh tra toàn diện hoạt động cấp tín dụng trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay và các khoản vay liên quan đến việc sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 ngày 11/9/2010 của 4 cơ sở nhà, đất nói trên và xử các lý nghiêm vi phạm đối với tập thể, cá nhân có liên quan theo thẩm quyền.
Ngoài việc đề nghị thu hồi tài sản công, theo các luật sư, việc chuyển đổi tài sản công trái phép, thế chấp vay vốn ngân hàng không đúng quy định đã có dấu hiệu của tội phạm nên cần chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật để giữ vững kỷ cương, phép nước.