Thách thức với Ấn Độ trên đường trở thành siêu cường lớn thứ ba thế giới
Quốc tế 08/01/2025 15:46
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố Ấn Độ sẽ đạt được trạng thái phát triển vào năm 2047. Ông cũng cam kết đưa đất nước mình trở thành "siêu cường kinh tế lớn thứ ba" vào cuối nhiệm kì thứ ba của mình. Tuy nhiên, cam kết này được đưa ra trước khi kết quả bầu cử đáng thất vọng hồi tháng 6/2024, khiến ông mất đi số phiếu tuyệt đối trong Quốc hội.
Hầu hết các dự đoán về sức mạnh tương lai của Ấn Độ đều dựa trên hai sự thật đơn giản: Thứ nhất, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Thứ hai, nền kinh tế trị giá 3 nghìn tỉ USD của Ấn Độ, hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn bất kì quốc gia lớn nào khác.
Ngoài kinh tế, tầm quan trọng địa chính trị của Ấn Độ cũng tăng lên. Nước này được Mỹ coi là đối trọng với Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng đồng thời vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Điều này tạo ra một vị thế độc đáo, có thể trở thành hình mẫu cho các quốc gia ở Nam Bán Cầu.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Gandhinagar. |
Ấn Độ đã vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới vào năm 2023, và các nhà phân tích tại hãng tư vấn Morgan Stanley đồng ý với ông Modi rằng nước này sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức để đạt vị trí thứ ba vào năm 2027. Tuy nhiên, nền kinh tế Ấn Độ đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm nhất trong hai năm qua, làm giảm triển vọng kinh tế cho cả năm tài chính. Những con số tăng trưởng GDP này cũng mâu thuẫn với các chỉ số kinh tế khác như tỉ lệ việc làm, tiêu dùng tư nhân và hiệu quả xuất khẩu. Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm khoảng 60% GDP của Ấn Độ, nhưng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì chi tiêu ở khu vực thành thị chậm lại do lạm phát lương thực và tăng trưởng tiền lương thực tế trì trệ. Xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ, thường là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, cũng đang chững lại.
Một vấn đề khác là liệu tăng trưởng GDP có thực sự mang lại lợi ích cho toàn bộ dân số hay không. Ấn Độ vẫn được xếp loại là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 2.400 USD. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính phải mất thêm 75 năm nữa thu nhập bình quân của Ấn Độ mới đạt đến một phần tư của Mỹ.
Chuyên gia kinh tế Alicia Garcia-Herrero cho rằng, nền kinh tế Ấn Độ cần tăng trưởng khoảng 6% mỗi năm để có thể đạt quy mô tương đương với Trung Quốc vào năm 2050, trong khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại. Tuy nhiên, sự suy giảm tăng trưởng của Ấn Độ trong quý 3 khiến bà lo ngại về tính khả thi của mục tiêu này. Bà cho rằng Ấn Độ cần xây dựng một xã hội trưởng thành, với các thể chế hoạt động hiệu quả và không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đảng chính trị cầm quyền.
Dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, Ấn Độ đã trở nên tự tin và hiện diện hơn trên trường quốc tế. Nước này đã tăng cường quan hệ với Mỹ và thiết lập quan hệ đối tác với nhiều quốc gia trên thế giới. Ấn Độ cũng đã thành công trong việc chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2023. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng những thành tựu này mang tính phô trương hơn là thực chất. Ấn Độ vẫn thiếu năng lực cung cấp viện trợ, đầu tư ra nước ngoài và thúc đẩy thương mại…
Ấn Độ có tiềm năng lớn để trở thành một siêu cường thế giới. Tuy nhiên, nước này phải đối mặt với những thách thức lớn trong năm 2025 và những năm tới. Ấn Độ cần giải quyết những mâu thuẫn trong tăng trưởng kinh tế, giảm bất bình đẳng, và xây dựng một xã hội công bằng hơn. Chỉ khi đó, Ấn Độ mới có thể thực hiện được giấc mơ siêu cường của mình