Tập trung tìm giải pháp cho các thách thức trên toàn cầu
Quốc tế 19/04/2023 11:23
Một trong những sự kiện nổi bật tại hội nghị là IMF công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới (WEO), cung cấp cái nhìn rộng hơn về những thách thức tài chính đối với kinh tế toàn cầu để từ đó tìm ra lời giải. Năm nay, báo cáo được công bố trong bối cảnh các điều kiện tài chính đang bị thắt chặt ở hầu hết các khu vực và tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại từ 6% năm 2021 xuống 2,8% trong năm nay, sau đó dao động ở mức khoảng 3% vào năm 2028. Đây là mức dự báo 5 năm thấp nhất kể từ khi IMF bắt đầu đưa ra các dự báo tăng trưởng 5 năm vào năm 1990.
Việc IMF giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới phản ánh tình trạng yếu đi của một số nền kinh tế lớn, cũng như khả năng các ngân hàng trung ương tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát gia tăng. IMF cũng dự báo lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống 7% trong năm nay, thấp hơn so với mức 8,7% của năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đề ra.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại cuộc họp báo trong khuôn khổ Hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF và WB ở Washington, DC, Mỹ. |
WB cũng cho rằng, các cuộc khủng hoảng đa chiều và liên tiếp vài năm gần đây đã chấm dứt thời kì tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thế giới trong hơn hai thập niên qua. Sự kết hợp của nhiều yếu tố, nhất là đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine, cùng rủi ro trong lĩnh vực tài chính ở Mỹ và châu Âu, đang khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. WB từng dự báo kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm 2023.
Một sự kiện khác thu hút sự quan tâm là Hội nghị bàn tròn về nợ công toàn cầu diễn ra ngày 12/4, nhằm tìm giải pháp giải quyết gánh nặng nợ của các quốc gia đang phát triển. Sự kiện quy tụ đại diện của các ngân hàng, thể chế cho vay đa phương, quốc gia đi vay và quốc gia cho vay, trong đó có Trung Quốc - chủ nợ lớn nhất thế giới. Hội nghị được đánh giá là mang tính xây dựng và hiệu quả khi tất cả các đại biểu tham dự đều nhất trí đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nợ và nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nợ.
Thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đã buộc nhiều quốc gia phải vay nhiều tiền. Nợ nần của các nước này càng thêm chồng chất do việc tăng lãi suất tín dụng để giúp kiềm chế lạm phát. Trước thềm Hội nghị mùa Xuân, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết, khoảng 15% số quốc gia có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và 45% đối mặt với tình trạng dễ bị tổn thương do nợ cao. Tổng cộng, khoảng 25% số nền kinh tế mới nổi có rủi ro cao và phải đối phó với tình trạng gần như “vỡ nợ”. IMF cảnh báo, nếu không có kế hoạch cắt giảm nợ cho các quốc gia thu nhập thấp, các nền kinh tế này sẽ gặp khó khăn, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Như vậy, dù đạt được một số kết quả nhưng Hội nghị mùa Xuân năm nay của WB và IMF bế mạc mà không đưa ra được tuyên bố chung sau một tuần nhóm họp. Điều này cho thấy nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với những bài toán hóc búa chưa thể giải quyết trong “một sớm một chiều”. Việc xây dựng khả năng phục hồi và định hình lại sự phát triển đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác hơn nữa của các nền kinh tế trên thế giới, như vậy mới có thể hi vọng vào “con đường phía trước” ít chông gai hơn…