Nguy cơ suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính từ làn sóng tăng lãi suất trên thế giới
Quốc tế 05/12/2022 09:36
Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã tăng lãi suất trong năm nay với mức độ chưa từng thấy trong 5 thập kỉ qua, một xu hướng có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới. Tính từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 6 lần, trong đó 4 lần gần nhất đều nâng với mức 0,75 điểm phần trăm trong các cuộc họp tháng 6, 7, 9 và 11.
Theo một thống kê khác, các ngân hàng trung ương lớn, giám sát 8 trong số 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất, đã thực hiện tăng tổng cộng 550 điểm cơ bản trong các đợt tăng lãi suất tháng 9/2022, nâng tổng mức tăng lãi suất 9 tháng kể từ đầu năm 2022 từ các ngân hàng trung ương của các nước: Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Anh và Mỹ lên 1.850 điểm cơ bản (18,5 điểm phần trăm)…
Trụ sở FED ở Washington, Mỹ |
WB cho rằng, đường hướng của chính sách tăng lãi suất và các hành động chính sách khác có thể không đủ để đưa lạm phát toàn cầu trở lại mức như trước khi xảy ra đại dịch. Các nhà đầu tư dự kiến các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất chính sách tiền tệ toàn cầu lên gần 4% cho đến năm 2023, tăng hơn 2 điểm phần trăm so với mức trung bình năm 2021.
Nghiên cứu của WB cho thấy, trừ khi tình trạng gián đoạn nguồn cung và áp lực thị trường lao động giảm bớt, nếu không, những đợt tăng lãi suất đó có thể khiến tỉ lệ lạm phát cơ bản toàn cầu (không bao gồm năng lượng) ở mức khoảng 5% vào năm 2023, gần gấp đôi mức trung bình 5 năm trước đại dịch. Để cắt giảm lạm phát toàn cầu xuống mức phù hợp với mục tiêu, các ngân hàng trung ương có thể cần tăng lãi suất thêm nữa. Nếu chính sách này đi kèm với căng thẳng trên thị trường tài chính, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chậm lại xuống 0,5% trong năm 2023.
Chủ tịch WB David Malpass cho biết, tăng trưởng toàn cầu đang giảm tốc và có khả năng chậm hơn nữa khi nhiều quốc gia rơi vào suy thoái. Ông Malpass cho rằng, những xu hướng trên sẽ tiếp diễn, với những hậu quả tàn phá lâu dài ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.
Ayhan Kose, một quan chức cấp cao của WB nhận định việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa gần đây có thể sẽ hữu ích trong việc giảm lạm phát. Nhưng do tính đồng bộ cao giữa các quốc gia, chính sách này có thể tác động lẫn nhau trong việc thắt chặt các điều kiện tài chính và khiến tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Do đó, các nhà hoạch định chính sách tại các thị trường mới nổi cần sẵn sàng ứng phó với những tác động tiềm ẩn từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu.
Một số chuyên gia bày tỏ quan ngại rằng, việc tăng lãi suất trên diện rộng mà thiếu sự phối hợp và tính toán các tác động tới nhu cầu toàn cầu có thể dẫn tới các tổn hại không đáng có cho nền kinh tế thế giới. Việc ngân hàng trung ương của các nước cố gắng đưa ra các biện pháp riêng rẽ nhằm kiểm soát lạm phát trong nước một cách hiệu quả là điều cần thiết, song khả năng cao cũng sẽ đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào một cuộc suy thoái sâu hơn mức cho phép.
Theo WB, các nước nên tham khảo cách các nền kinh tế tiên tiến đã cùng hạ giá đồng USD vào giai đoạn 1985-1987, từ đó có thể phối hợp thúc đẩy một biện pháp tăng lãi suất chung nhằm giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Fed mới là cơ quan đóng vai trò động lực thúc đẩy việc tăng lãi suất trên quy mô toàn cầu. Do vậy, Fed cần xem xét nghiêm túc tác động của các chu kì tăng lãi suất tại Mỹ đối với phần còn lại của thế giới…