Sự thật phũ phàng sau vụ cháy rừng ở Australia
Quốc tế 08/01/2020 09:41
Trong lúc cả thế giới hân hoan chào đón năm mới 2020, ở châu Đại Dương, những hình ảnh đánh dấu sự khởi đầu của một thập kỉ mới lại không phải rượu sâm banh và pháo hoa, thay vào đó, là sự tang thương và đau xót…
Cảnh tượng ngày tận thế!
Bầu trời Sydney đã bị nhuộm một màu đỏ máu kì lạ mà nguyên nhân là từ những trận cháy rừng được mô tả “như ngày tận thế”. Khi nhìn hình ảnh người dân Australia tuyệt vọng tập trung bên các bờ biển để chờ được giải cứu thì người ta cũng mường tượng ra tình hình sẽ còn tồi tệ hơn, không chỉ với riêng Australia. Nhiều sông băng ở New Zealand bị bao phủ bởi lớp tro bụi màu nâu bay hàng ngàn cây số dọc Thái Bình Dương. Trong khi đó, ở Fiji, người dân lại phải quay cuồng chống chọi với dòng nước lũ và những cơn gió giật mạnh.
Mỗi người dân trên thế giới, không cần phải là một nhà khoa học cũng có thể thấy rằng, đang có điều gì đó rất, rất sai ở đây. Ai cũng có thể cảm nhận được thực tế là ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên tồi tệ.
Lính cứu hỏa tiếp cận một đám cháy rừng ở New South Wales, Australia hôm 30/12 Ảnh AP |
Không giống như các vị quan chức trong bộ vest lịch lãm khi ngồi vào bàn đàm phán, lính cứu hỏa và các nhân viên cứu hộ chắc chắn không có được sự thoải mái khi buộc phải mạo hiểm cả mạng sống của mình để ngăn chặn những thảm họa thiên nhiên. Nhiệt độ trung bình toàn cầu chỉ tăng thêm 1 độ C - con số ít ỏi này sẽ kéo theo quy mô và tần suất các vụ cháy rừng tăng lên theo cấp số nhân, cường độ và số lượng các cơn bão nhiệt đới cũng tăng theo. Giới chuyên gia đã cảnh báo, ngưỡng tối đa cho sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không được vượt quá 1,5 độ C - giới hạn phục vụ lợi ích cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước ở Nam bán cầu. Nhưng chúng ta đã làm gì cho mục tiêu này?
Hành động ngay trước khi quá muộn
Những lời nguyện cầu, những khoản cứu trợ đã được gửi đến nước Australia trong những ngày này, đặc biệt là gửi đến những nạn nhân phải chứng kiến nỗi thống khổ của “địa ngục trần gian”. Đó là những hành động có ý nghĩa, động viên người dân Australia vượt qua khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, những lời nguyện cầu bản thân nó sẽ không đảo ngược được “cơn thủy triều” đang lên của khủng hoảng khí hậu mà thế giới phải đối mặt.
Năm 2020 được dự báo sẽ cực kì khó khăn đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Điều này đã được dự báo từ trước, khi Hội nghị COP25 vào cuối năm 2019 chỉ mang lại kết quả đáng thất vọng. Mặc dù vậy, điều quan trọng là bản thân mỗi công dân trên hành tinh này không được cảm thấy đã bị đánh bại.
Năm 2020 các nhà lãnh đạo thế giới sẽ lại tập trung ở Glasgow, Scotland trong Hội nghị COP26 vào cuối năm - đây là cơ hội quan trọng để thực hiện các cam kết có ý nghĩa và cần thiết để giảm phát thải khí nhà kính một cách có hệ thống.
Nếu chúng ta chọn cách không hành động thì chính chúng ta đang góp phần thổi bùng lên ngọn lửa của cuộc khủng hoảng này. Nhưng nếu chúng ta thay vào đó chọn một con đường khác, cam kết cắt giảm lượng khí thải, chúng ta vẫn có thể chiến thắng trong cuộc chiến này, vì cuộc sống của chính mình và thế hệ con cháu tương lai.