Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Thị trường 26/11/2024 17:03
Diễn đàn là dịp để các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng cùng thảo luận, trao đổi thông tin và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa cũng như những thách thức khó khăn, vướng mắc, đồng thời đưa ra những cơ hội, chính sách mới trong phát triển kinh tế xanh bền vững gắn với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Theo UNEP (Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc), kinh tế xanh được định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhận định: “Khái niệm về kinh tế xanh không còn quá mới, đã được nói đến rất nhiều, nhưng trong xã hội, dư luận, hiểu thế nào về kinh tế xanh cũng là một câu hỏi hay quan hệ giữa kinh tế xanh với phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn ra sao cũng là vấn đề đáng bàn.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu khai mạc |
Để phát triển một nền kinh tế hiện đại cần dựa vào rất nhiều các yếu tố trong đó có quản trị hiện đại, hạ tầng hiện đại thông minh, nền kinh tế sử dụng bền vững tiết kiệm tài nguyên, không ảnh hưởng đến môi trường. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản về phát triển kinh tế chính sách về phát triển kinh tế xanh, nhưng để thực hiện hiệu quả cần những hành động cụ thể, rất quyết liệt, cũng như những chính sách hoàn toàn mới, mang tính đột phá”.
Tại Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu, đòi hỏi nguồn lực khổng lồ để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Các giải pháp bao gồm chuyển đổi ngành công nghiệp, tăng cường quy định ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và các cam kết quốc tế như COP26, COP27, COP28. Ông chỉ ra, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn, ước tính hàng chục nghìn tỷ USD toàn cầu, tập trung vào các dự án thân thiện môi trường (năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải bền vững).
“Việt Nam đang tích cực tham gia vào quá trình này. Về pháp lý, nhiều văn bản thúc đẩy tín dụng xanh đã được ban hành. Tổng dư nợ tín dụng xanh đạt 665 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,5% tổng dư nợ) và dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,2 triệu tỷ đồng (hơn 22% tổng dư nợ) tính đến tháng 9/2024. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu xanh còn khiêm tốn (khoảng 1,52 tỷ USD từ 2019 đến tháng 10/2024)” – TS. Cấn Văn Lực cho biết.
TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra các thách thức, bao gồm sản phẩm tài chính xanh thiếu đặc thù, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, thẩm định rủi ro khó khăn do thiếu chuyên gia, thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi, độ lệch thời hạn giữa dự án xanh dài hạn và nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng. Thêm vào đó, nhận thức thị trường về ESG và tài chính xanh ở Việt Nam còn thấp, nhiều doanh nghiệp chưa tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh.
Trên cơ sở đó, ông Lực đề xuất các giải pháp về ban hành Danh mục “Phân loại xanh” cơ chế đánh giá tác động môi trường, chính sách định hướng hành vi và hỗ trợ tài chính (thuế, phí, lãi suất, quỹ chuyển đổi xanh), thu hút đầu tư tư nhân, xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh (mô hình 5Is), thành lập thị trường tín chỉ carbon, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở dữ liệu.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế phát biểu |
Cũng tại sự kiện, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhận định về khó khăn đối với thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đó là nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ về các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Nhà đầu tư hạn chế thông tin về các sản phẩm tài chính xanh.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn xanh. Thiếu các tiêu chuẩn rõ ràng và thống nhất về dự án xanh, trái phiếu xanh. Bên cạnh đó, việc đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của các dự án xanh chưa được thực hiện đầy đủ và hiệu quả.
Đưa ra khuyến nghị giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, ông Việt chỉ ra, cần xây dựng các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phát triển thị trường các sản phẩm tài chính xanh. Xây dựng khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và thống nhất về tài chính xanh. Thiết lập một cơ chế giám sát hiệu quả để đảm bảo các dự án xanh được thực hiện đúng mục tiêu.