Sống chung với... giúp việc
Đời sống 28/05/2020 08:55
Khó tìm người giúp việc phù hợp
Đến một trung tâm chuyên cung cấp giúp việc để kiếm người ở quận Cầu Giấy, chị Tâm với vẻ mặt đầy căng thẳng. Con thứ hai của chị mới hơn một tuổi, chưa thể đi lớp. Sau khi nghỉ hết thai sản, chị đi làm trở lại và đã phải đổi hai lần giúp việc. Người thứ nhất là một phụ nữ hơn 40 tuổi, từng đi làm giúp việc ở Đài Loan 4 năm nên khá thạo việc. Vợ chồng chị rất yên tâm. Tuy nhiên, sau một vài lần thấy hàng xóm phàn nàn con chị hay khóc thét, chị lắp camera theo dõi thì thấy người giúp việc chỉ khéo léo “diễn” trước mặt gia chủ, còn khi vợ chồng chị đi làm, chị ta nhốt bé vào phòng, cho rổ đồ chơi rồi ngồi nhắn tin, xem ti-vi, thậm chí còn mải điện thoại, bỏ mặc con chị bò ra cầu thang, khi bé khóc quấy không dỗ mà quát nạt…Với lương 6 triệu nhưng thỉnh thoảng chị ta vẫn dọa có chỗ khác mời lương cao hơn, lại nhàn. Sau nhiều thất vọng, mặc dù rất cần nhưng chị đành cho giúp việc nghỉ.
Người thứ hai là một phụ nữ ngoài 50 tuổi, hiền lành nhưng lại chậm chạp, vụng về. Thức ăn nấu dở, vợ chồng chị góp ý thì giận dỗi trả lời: “Ở nhà tôi vẫn nấu cho chồng con tôi ăn có sao đâu”. Khi ở quê có giỗ, đám ma, đám cưới hay việc gia đình là giúp việc xin về vài ngày, mặc cho gia chủ tự xoay xở. Ngày lễ tết cho nghỉ 1 - 2 ngày nhưng thường ở nhà cả 5 - 10 ngày. Làm được 5 tháng, nản quá chị lại cho nghỉ.
Ông Thuần có mẹ già nằm liệt phải thuê người chăm sóc thì phàn nàn: “Vợ chồng tôi mới là “ô-sin”, chứ giúp việc nhà tôi “vip” lắm. Lau rửa cho bà là việc của vợ chồng tôi, còn hằng ngày giúp việc chỉ trông và cho bà ăn ba bữa. Tôi bảo, bà nằm một chỗ, nên lúc nào rảnh cô phải dọn dẹp nhà, nhưng cô ấy chỉ làm qua loa. Khi vắng vợ chồng tôi, cô ấy ngủ trưa, nhắn tin điện thoại và đi buôn chuyện với giúp việc hàng xóm. Nhiều việc trong nhà tôi “chưa tỏ” mà đã thành câu chuyện ngoài phố. Hàng xóm góp ý với tôi về giúp việc, nhưng nói rồi vẫn chứng nào tật ấy. Tìm được người giúp việc có tâm khó lắm nên vợ chồng tôi cố chịu đựng để có người ở nhà với bà”.
Ế ẩm nhưng không phải nhà nào cũng làm
Chị Thanh ở quận Đống Đa cho biết, lần đầu đến trung tâm kiếm người giúp việc chị thực sự bất ngờ. Trung tâm có đông người ở các tỉnh thành về ngồi đợi việc, nên chị mừng thầm vì nghĩ sẽ chọn được người phù hợp. Tuy nhiên, hỏi đến người thứ 5 thì chị thất vọng dù đã nâng giá từ 5 lên 7 triệu đồng/tháng. Người chê nhà chị có người già, 3 thế hệ giúp việc khó chiều; người chê nhà chị 5 tầng, dọn dẹp mệt mỏi; người chê nhà chị nấu cơm ăn buổi sáng mà không ra nhà hàng… Cuối cùng, tìm hiểu ra chị mới biết đa số người giúp việc thích các gia đình ở chung cư, chỉ có hai vợ chồng và 1 - 2 đứa con, không có ông, bà hay người thân sống cùng.
Chị Mai, một giúp việc làm ở Bệnh viện Việt - Xô cho biết, ba năm nay chị chỉ giúp việc bệnh viện, có vất vả nhưng thu nhập cao. Chị khỏe nên chịu được cảnh ăn ngủ thất thường. Chị chia sẻ: “Tối thiểu mỗi tháng tôi thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Nếu công việc đều lại vào dịp lễ, tết, cộng với thưởng có khi được 13 - 14 triệu/tháng”. Theo chị, ở bệnh viện phục vụ bệnh nhân được tự do, không gò bó như ở gia đình. Tuy nhiên, sau dịp nghỉ dịch Covid, người bệnh chắc cũng hạn chế nằm viện nên công việc thất thường.
Theo bà Đoan, chủ một trung tâm cung ứng lao động giúp việc, thì thị trường này ở các TP rất lớn. Tuy nhiên, vì sự chênh lệch nhận thức, văn hóa, tư duy… nên giữa gia chủ và người giúp việc khó tìm được tiếng nói chung. Hơn nữa, nhiều người giúp việc đi làm cả chục năm nhưng không có ý thức trau dồi nghề nghiệp. Tâm lí "ăn xổi" khiến họ coi đó là một việc kiếm tiền trong lúc nhàn rỗi, ít khi làm lâu bền với một gia đình, bởi tư tưởng đứng núi này trông núi nọ. Không làm được ở nhà này thì nghĩ có đầy chỗ “ngon” hơn và kén chọn chỗ lương cao để “nhảy việc”. Họ làm việc chỉ đơn thuần lấy đồng lương, không làm vì cái tâm, vì trách nhiệm, còn vì yêu nghề lại càng không.