Chờ giúp việc sau Tết - nỗi niềm gia chủ
Xã hội 04/03/2021 10:00
Có thể nói, đa số người giúp việc gia đình ở Hà Nội và các thành phố là người ở quê ra nên vào mỗi dịp lễ, tết họ thường trở về quê. Do điều kiện bận việc gia đình, do thói quen tự do với quan điểm thích thì làm không thích thì nghỉ… nên sau mỗi kì nghỉ nhiều giúp việc không đến đúng hẹn hoặc tự ý bỏ việc khiến gia chủ vô cùng mệt mỏi. Bên cạnh đó, còn do những hợp đồng của người giúp việc và gia chủ chưa chặt chẽ, ràng buộc, thậm chí có khi hợp đồng giữa hai bên chỉ bằng miệng với nhau
Muôn vàn nỗi khổ
Có 6 năm sử dụng người giúp việc, chị Minh ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Năm nay giúp việc nhà tôi bảo mùng 10 tháng 1 (âm lịch) lên. Cả nhà đợi đến giờ này chưa thấy. Gọi điện thì người giúp việc bảo qua rằm mới lên. Bọn trẻ con nghỉ dịch Covid-19 ở nhà thành ra vất vả quá. Tôi phải muối mặt xin sếp hằng ngày đi làm nửa buổi, đang đợi nếu không sẽ tìm giúp việc khác”.
Ảnh minh hoạ |
Còn theo bà Sinh, 67 tuổi, trong hơn 10 năm nhà bà đã đổi 6 người. Có người ở được 4 năm, có người 1- 2 năm, cũng có người vài tháng. Cuối cùng tiêu chí chọn giúp việc nhà bà là những người phụ nữ có hoàn cảnh không may mắn về đường chồng con, họ sẽ chuyên tâm hơn, ít xin về và thường lên đúng hẹn sau mỗi đợt nghỉ.
Còn bà Hải ở quận Hoàng Mai cho biết: Vì nhà có con dâu mới sinh nên suốt tết gia đình bà như ngồi trong đống lửa, không biết giúp việc về quê rồi sau Tết có lên không. Chỉ đến ngày mùng 8, khi người giúp việc xuất hiện ở cửa thì gia đình bà mới thở phào nhẹ nhõm. Lí giải cho lo lắng của mình bà cho biết, trước đây nhà hàng xóm cũng có người giúp việc và đối xử không tệ, Tết cũng tạo điều kiện cho về và có quà bánh kèm tháng lương thứ 13. Nhưng ngay sau Tết mới biết, Tết người đó không về quê mà ở lại đến bệnh viện trông một bệnh nhân cho một gia đình đi du lịch với tiền công là 1,2 triệu đồng/ ngày.
Những chiêu trò...
Nói về có hay không chiêu trò của giúp việc mỗi dịp sau Tết, chị Tám quê Phú Thọ, người có 15 năm làm giúp việc ở Hà Nội cũng thừa nhận là có một số người đi giúp việc ứng xử như vậy. Theo chị Tám, hiện nay mức lương của người giúp việc ở Hà Nội dao động từ 5 - 7 triệu đồng tùy theo công việc. Nhiều giúp việc khi mới vào làm thường rất hài lòng với mức lương mình nhận được, nhưng khi thấy gia chủ dễ dãi hay quý mến mình thường tận dụng để làm mình làm mẩy đòi tăng lương.
Chị Tám cũng thật thà cho biết: “Hồi mới đi làm giúp việc tôi còn hay giận gia chủ, chạnh lòng về thân phận mình, rồi có khi đang làm cho nhà này vẫn thường xuyên gọi điện ra trung tâm và bạn bè để kiếm nhà khác. Tuy nhiên sau nhiều năm đi làm, tôi nghĩ mình cứ làm việc tốt thì không chủ nào để mình thiệt cả, chắc chỉ có gia đình nào tệ lắm thôi.
Chị Mai, người có 10 năm đi làm giúp việc chia sẻ: Không phải người giúp việc nào cũng vô tâm hay quá đáng với gia chủ. Rất nhiều người giúp việc sống lâu trong gia đình và được tôn trọng, đãi ngộ thì họ đều coi đấy như ngôi nhà thứ hai của mình. Tuy nhiên, người giúp việc còn có gia đình chồng con ở quê lại do suy nghĩ đơn giản nên nhiều khi không thể…
Theo chị Hà, làm môi giới ở một trung tâm giúp việc cho biết: Giúp việc là một công việc khá nhạy cảm, mọi thứ khó có thể rành mạch giữa hai bên. Nhiều người giúp việc còn mang mặc cảm tự ti về công việc mình làm. Bên cạnh đó là trình độ, tư duy khác nhau, văn hóa khác nhau, họ lại không phải là người thân của nhau mà cùng sinh sống trong một gia đình sẽ không thể tránh khỏi những va chạm, hiểu lầm trong cuộc sống. Bởi vậy, chủ nhà cần có những cư xử khéo léo và hào hiệp một chút, còn người giúp việc khi đã xác định đến một gia đình làm giúp việc phải coi nghề giúp việc của mình giống như các nghề khác để có cách ứng xử đúng mực. Bên cạnh việc hòa nhập với lối sống của gia chủ phải xác định có bổn phận thực hiện tốt công việc của mình, như thế mới có sự hợp tác bền vững, tin tưởng giữa người giúp việc và chủ nhà.