Sắc màu Mù Cang Chải
Nhịp sống văn hóa 07/05/2020 09:18
Tiết trời ở Mù Cang Chải quanh năm mát mẻ, cỏ cây, hoa trái tươi tốt. Từ TP Yên Bái, đi gần 200km qua Suối Giàng, Nghĩa Lộ, Tú Lệ, đèo Khau Phạ sẽ đến Mù Cang Chải. Vùng đất này không chỉ là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Mông, Kinh, Thái, Dao... mà còn sở hữu một tiềm năng du lịch độc đáo và phong phú. Với địa hình chủ yếu là những triền núi dốc nên đồng bào Mông đã sáng tạo nên kì quan tuyệt đẹp, đó là ruộng bậc thang. Toàn huyện có trên 5.000ha ruộng bậc thang, trong đó có gần 500ha được công nhận thắng cảnh cấp quốc gia tại các xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha.
Đến Mù Cang Chải, mới nghe những địa danh như Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Púng Luông, Lao Cải, Dế Xu Phình, Chế Tạo... đã gợi lên những vùng đất xa xôi, bí hiểm và thơ mộng. Mỗi địa danh này đều có những vẻ đẹp riêng khơi gợi sự khám phá, đó là điểm khác biệt so với nhiều vùng đất ở Tây Bắc. Có danh thắng ruộng bậc thang, có văn hóa chợ phiên, ẩm thực, phong tục tập quán, múa xòe Thái... Vì vậy, du khách có thể cảm nhận được vẻ đẹp thơ mộng, phong phú và đậm chất Tây Bắc của vùng đất này.
Đến Mù Cang Chải vào mùa nước đổ, ta như lạc vào một thế giới bình yên, trong lành với màu xanh ngút ngàn của sự sống. Những triền ruộng bậc thang nép mình bên những sườn núi cao sừng sững và những cánh đồng ở vùng thấp choán ngợp màu xanh lá mạ đang trào dâng sức sinh sôi, uốn lượn quanh những bản làng. Chiều chiều, ánh nắng mặt trời rọi chiếu xuống những thửa ruộng khiến cho không gian trở bên bàng bạc đến huyền ảo, thơ mộng.
Vào mùa Thu, sắc vàng của lúa chín khiến cho Mù Cang Chải trở nên óng ả, lộng lẫy và hấp dẫn. Cái màu vàng lừng lựng tươi mới như mật ong hòa vào nắng, gió se se và những âm thanh ríu rít của chim rừng làm thành một khung cảnh sống động nơi núi rừng. Ruộng uốn mình theo triền núi, ven suối nên trở nên kì vĩ và thơ mộng như những nấc thang lên cổng trời, cứ lên dần, nhỏ dần rồi tạo thành một xoáy tròn đến kì lạ. Mùa lúa chín, sắc vàng của những sóng lúa chuyển động theo từng giây, từng phút, từng ngày. Những vạt lúa không vàng rực ngay mà ban đầu điểm lốm đốm vàng, hôm sau vàng nhẹ, hôm sau nữa thì màu vàng tươi lan tỏa khắp thửa ruộng rồi hoàn chỉnh thành một tấm thảm vàng óng ả.
Lên Mù Cang Chải vào cuối tuần, sẽ cảm nhận được không khí tấp nập, vui tươi qua phiên chợ. Sáng sớm, khi sương còn bảng lảng trên các ngả đường, từng đoàn người Mông cùng ngựa thồ hàng xuống chợ. Tiếng chân ngựa lóc cóc càng làm cho không gian chợ phiên thêm náo nức. Những hàng bán hương do đồng bào làm ra thơm ngào ngạt. Những can rượu nếp, rượu gạo, rượu chuối, rượu sắn chưa thử nhấp môi đã thấy ngòn ngọt nơi đầu lưỡi. Ngoài mật ong rừng, quả sơn tra (táo Mèo), măng khô, nấm hương, gạo nếp, thịt lợn, thịt trâu gác bếp, có thể mua sản vật bản địa khác như thổ cẩm, đệm, gối bông lau, ghế mây…
Người Mông nơi đây từ bao đời coi cây sơn tra là “người bạn” thủy chung. Từ khi Thu về cho đến đầu Đông, miền đất này tràn ngập sắc vàng của những trái sơn tra thơm lựng. Thú nhất là được xem cảnh đồng bào Mông đeo gùi, dắt ngựa lên núi hái sơn tra khi cả rừng đã chín. Lúc này, mùi sơn tra chín lan tỏa khắp núi rừng, vương theo bước chân người về tận bản xa.
Đặc sản ở Mù Cang Chải phong phú và đậm đà dư vị. Đó là các món ăn do đồng bào chế biến như xôi ngũ sắc, bánh chưng đen, cá nướng pa pỉnh tộp, rượu sơn tra, gà đen nướng lá mắc mật chấm với chẩm chéo, nhộng ong rừng, thịt lợn kẹp thanh tre nướng, cua đá rang muối, rau dớn, măng rừng, mận...
Mù Cang Chải, xứ sở của thiên đường Tây Bắc sẽ để lại dấu ấn không thể phai mờ cho những ai từng đặt chân đến đâyn