Quan hệ Mỹ-Israel trước ngã rẽ mới
Quốc tế 23/06/2021 10:00
Theo hãng tin AP, cách Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Naftali Bennett xử lí mối quan hệ đó sẽ định hình triển vọng cho hòa bình và ổn định ở Trung Đông. Họ đang mở ra một thời đại không còn được xác định bởi cá tính mạnh mẽ của Thủ tướng kì cựu Benjamin Netayahu, người nhiều lần thách thức chính quyền Barack Obama và sau đó gặt hái thành quả từ mối quan hệ nồng ấm với Tổng thống Donald Trump.
Chính phủ Israel của tân Thủ tướng Bennett cho biết, họ muốn nắn lại quan hệ với Đảng Dân chủ và khôi phục sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Mỹ với Israel. Trong khi đó, Tổng thống Biden đang theo đuổi một cách tiếp cận cân bằng hơn về cuộc xung đột Palestine-Israel và vấn đề Iran.
Mối quan hệ giữa hai nước là rất quan trọng đối với cả Washington và Tel Aviv. Israel từ lâu coi Mỹ là đồng minh thân cận nhất, là người bảo đảm cho an ninh và vị thế quốc tế của mình, trong khi Mỹ dựa vào sức mạnh quân sự và tình báo của Israel giữa một Trung Đông đầy biến động. Nhưng cả ông Biden và Bennett đều bị kìm hãm bởi nền chính trị nội bộ.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett và Tổng thống Mỹ Joe Biden |
Ông Bennett dẫn đầu một liên minh không chắc chắn bao gồm 8 đảng từ khắp các phe phái chính trị Israel có điểm chung chính là loại bỏ ông Netanyahu khỏi quyền lực sau 12 năm. Ông Biden thì đang nỗ lực thu hẹp sự chia rẽ trong nội bộ đảng khi mà sự ủng hộ vốn gần như đồng đều dành cho Israel bị xói mòn và một cánh tiến bộ muốn Mỹ làm nhiều hơn nữa để chấm dứt sự chiếm đóng nửa thế kỉ của Israel trên những vùng đất mà người Palestine muốn có một nhà nước tương lai.
Mối quan hệ giữa hai lãnh đạo mới của Mỹ - Israel cũng là một bài kiểm tra quan trọng dành cho Iran. Tổng thống Biden tìm cách quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran mà cựu Tổng thống Obama coi là một thành tựu đối ngoại đặc sắc. Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ rút khỏi thỏa thuận lịch sử này với sự ủng hộ của các nhà lập pháp thân Israel. Mặc dù Iran vẫn chưa chấp nhận đề nghị đàm phán trực tiếp từ ông Biden, các cuộc thảo luận gián tiếp về thỏa thuận hạt nhân hiện đang ở vòng thứ sáu tại Vienna (Áo).
Giải quyết những khác biệt về xung đột Israel-Palestine cũng là một thách thức đáng kể khác đối với hai nhà lãnh đạo Mỹ, Israel. Tổng thống Biden đã đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm Trump, vốn được ông Netanyahu ủng hộ, khiến người Palestine xa lánh và gây ra sự rạn nứt gần như hoàn toàn trong các mối quan hệ chính thức giữa Mỹ và Palestine. Gần như ngay lập tức sau khi nhậm chức, ông Biden khôi phục lại sự trợ giúp của Mỹ cho Palestine - vốn bị cắt giảm dưới thời ông Trump và Mỹ đã chi trong bốn tháng ông Biden cầm quyền hơn 300 triệu USD…
Chính quyền Mỹ đương nhiệm cũng hi vọng mở rộng các thỏa thuận bình thường hóa mối quan hệ Arab-Israel mà chính quyền Trump tạo ra trong những tháng cuối cùng tại nhiệm. Trong cuộc gọi vào ngày đầu tiên Thủ tướng Israel Bennett nhậm chức, Tổng thống Joe Biden khẳng định “sự ủng hộ kiên định của mình đối với mối quan hệ Mỹ-Israel” và “cam kết kiên định đối với an ninh của Israel”. Ông cam kết sẽ phối hợp trong tất cả các vấn đề an ninh, bao gồm cả Iran.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden cũng thúc giục chính phủ mới của Israel giảm bớt căng thẳng với người Palestine. Trong hai cuộc điện đàm với đồng cấp Lapid vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã nói về “sự cần thiết phải cải thiện quan hệ giữa Israel và Palestine theo những cách thiết thực” và cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa người Arab và Israel…
Thủ tướng Bennett là một người ủng hộ mạnh mẽ các khu định cư và phản đối chế độ nhà nước của người Palestine, nhưng ông cũng là một người thực tế. Ông có thể biến điểm yếu của mình thành sức mạnh, với quan điểm rằng bất kì sự nhượng bộ lớn nào - đối với người Palestine hoặc những người định cư Do Thái - đều có nguy cơ hạ bệ chính phủ của ông và đưa cựu Thủ tướng Netanyahu trở lại nắm quyền…