Tác động của cuộc chiến thuế quan với nền kinh tế Trung Quốc

Quốc tế 16/04/2025 15:16
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ba công ty chuyên sản xuất dược phẩm từ huyết tương – Pacific Shuanglin Bio-pharmacy, Beijing Tiantan Biological Products và China Resources Boya Bio-pharmaceutical - đã chứng kiến mức tăng cổ phiếu từ 10,6% đến 16,6% chỉ trong hai ngày sau khi Bắc Kinh áp đặt mức thuế trả đũa 34% lên các sản phẩm dược của Mỹ. Đây là phản ứng trước động thái tăng thuế tương tự từ phía Washington.
Lí do của sự khởi sắc này nằm ở thực tế rằng Trung Quốc hiện phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu protein máu từ Mỹ – mặt hàng dược phẩm xuất khẩu hàng đầu của Mỹ vào thị trường Trung Quốc. Với động thái đánh thuế mạnh vào albumin, mặt hàng nhập khẩu này đã trở nên vô cùng đắt đỏ, từ đó tạo cơ hội lớn cho các công ty nội địa. Albumin là loại protein chính trong huyết tương dùng điều trị bệnh về gan, thận hoặc mất máu.
![]() |
Nhân viên đóng gói thuốc tại nhà máy của công ty Jiangxi Banbiantian Pharmaceutical ở tỉnh Giang Tây. |
Trái ngược với ba công ty sản xuất dược phẩm từ huyết tương, phần lớn các doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe khác của Trung Quốc lại không may mắn như vậy. Nhiều cổ phiếu trong ngành - từ sản xuất thiết bị y tế, nguyên liệu thuốc đến dịch vụ nghiên cứu và sản xuất dược phẩm (CDMO) - đều chịu tác động tiêu cực.
Một số công ty trong nước, dù chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, lẽ ra có thể hưởng lợi từ việc các đối thủ nước ngoài bị suy giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, tâm lí lo ngại về các biện pháp kiểm soát và thương mại bổ sung từ phía Mỹ sau động thái đáp trả của Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư e dè.
Năm 2024, Mỹ - thị trường chăm sóc sức khỏe lớn nhất thế giới - đã nhập khẩu 19 tỉ USD các sản phẩm dược phẩm và thiết bị y tế từ Trung Quốc, tăng 11,7% so với năm trước. Mặc dù thương mại dược phẩm giữa hai nước nhìn chung cân bằng, Trung Quốc vẫn có thặng dư đáng kể ở mảng thiết bị y tế.
Nhưng căng thẳng gia tăng đã làm đảo lộn mọi thứ. Tuần qua, Washington nâng thuế nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc lên tới 145% sau khi Bắc Kinh áp thêm 50% lên hàng Mỹ - nâng tổng mức thuế lên 84%. Sau đó, Trung Quốc tiếp tục đánh thuế 125% lên hàng hoá của Mỹ để trả đũa. Trong khi đó, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày.
Dù mức thuế mới làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là thiết bị y tế, các chuyên gia cho rằng tác động trước mắt đối với doanh nghiệp Trung Quốc là hạn chế do họ chưa phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ…
Dù các doanh nghiệp Trung Quốc có thể chịu ít ảnh hưởng trực tiếp từ các đợt thuế ban đầu, tác động lâu dài lại mang tính hệ thống hơn. Mỹ đang từng bước hạn chế đầu tư và hợp tác công nghệ sinh học với Trung Quốc - một phần trong chiến lược bảo vệ lợi thế công nghệ.
Một sắc lệnh hành pháp được kí vào tháng 2 đã siết chặt đầu tư của Trung Quốc vào ngành y tế Mỹ, đồng thời hạn chế đầu tư ngược chiều của Mỹ vào các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ do các công ty Trung Quốc cung cấp cho đối tác Mỹ - như nghiên cứu và sản xuất thuốc mới - cũng có thể bị ảnh hưởng.
Một báo cáo gần đây từ Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về Công nghệ sinh học cảnh báo rằng Mỹ đang rơi vào “cuộc chạy đua vũ trang” trong lĩnh vực thu thập dữ liệu di truyền với Trung Quốc. Báo cáo cho rằng Washington cần ngăn Trung Quốc tiếp cận dữ liệu sinh học nhạy cảm từ Mỹ và giảm sự phụ thuộc vào các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc.
“Các công ty Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào các công ty có trụ sở tại Trung Quốc để sản xuất và cung cấp các công nghệ sinh học quan trọng. Trung Quốc đang nhanh chóng vươn lên thống trị công nghệ sinh học và để duy trì khả năng cạnh tranh, Mỹ phải hành động nhanh chóng trong ba năm tới. Nếu không, chúng ta có nguy cơ tụt hậu, một bước lùi mà chúng ta có thể không bao giờ phục hồi được”, báo cáo cảnh báo…