Phòng bệnh lúc thời tiết chuyển mùa
Sức khỏe 28/09/2022 10:17
Những bệnh thường gặp lúc giao mùa
- Nhóm bệnh lí về hô hấp: Viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm phế quản, viêm phổi…
Viêm đường hô hấp trên, bệnh nhẹ nhưng hay gặp và khó chịu vì ảnh hưởng tới sinh hoạt. Bệnh cấp tính gây sốt cao hoặc vừa ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, mất giọng, niêm mạc họng đỏ (trẻ em nôn nhiều, quấy khóc). Nếu không kịp thời chữa trị dứt điểm sẽ diễn tiến thành viêm phế quản, viêm phổi và rất dễ chuyển thành mạn tính.
Viêm đường hô hấp dưới ít gặp, gồm viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phổi và hay bị nặng. Mùa này 3 loại virus cúm A, B, C gây bệnh viêm đường hô hấp cấp bùng phát mạnh, trong đó cúm A dễ tạo thành dịch, biến chứng có thể gây viêm xoang cấp, viêm tai giữa.
-Nhóm bệnh lí dị ứng: Giao mùa xuất hiện nhiều dị nguyên mới trong môi trường như phấn hoa (đặc biệt là hoa sữa, bụi bông…), rất dễ bị dị ứng như viêm da dị ứng, mề đay,… Những chất gây dị ứng trong không khí tương đối nhiều, do đó cần tránh tiếp xúc với những chất gây dị ứng. Giữ vệ sinh sạch sẽ, tinh thần thoải mái để hạn chế tác nhân gây bệnh.
-Cảm cúm: Cảm cúm do vi rút gây ra và lây lan qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, gây ngạt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, chóng mặt, ho, đau họng, chán ăn... Không nên coi thường cảm cúm vì bệnh có thể kéo dài hoặc nghiêm trọng, thậm chí một số bệnh cúm còn gây tử vong.
-Sốt: Hay gặp là bệnh sốt do virus, từ 38,5 độ C trở lên. Cần phải hạ sốt kịp thời (lau người nước ấm, quần áo luôn khô thoáng, uống thuốc...) hoặc đưa tới cơ sở y tế, tránh bị co giật.
Ngoài ra, thời tiết giao mùa vi rút rota được coi là căn nguyên hàng đầu gây tiêu chảy cấp ở trẻ em, đặc biệt “hoành hành” vào những ngày đầu Thu. Bên cạnh đó, tiết trời nóng lạnh thất thường sẽ dễ bị đau xương khớp. Do đó nên giữ ấm, nhất là buổi sáng sớm. Đi tập thể dục về đang ra mồ hôi thì không nên tắm rửa bằng nước lạnh.
Các biện pháp phòng ngừa
1. Thực hiện tiêm chủng đầy đủ đối với những bệnh có vắc xin phòng bệnh bằng cách tiêm phòng như bệnh sởi, thủy đậu, viêm não vi rút... Các bệnh chưa có vaccine phòng ngừa như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết… cần thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế trong việc phòng bệnh, trong đó chú ý vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và lúc cho trẻ ăn... không cho trẻ ngậm mút tay, ngậm mút đồ chơi, sử dụng riêng khăn ăn, khăn tay và các dụng cụ ăn.
2. Nâng cao sức đề kháng của cơ thể, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; Ăn đủ chất, chú ý ăn thêm các loại rau, củ, quả; Không ăn những thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, thịt tái, trứng sống, gỏi cá; Uống đủ nước, người lớn ít nhất hơn 2 lít/ngày, trẻ em thường cho uống thêm nước cam vắt, nước chanh.
3. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường: Nhà cửa sạch sẽ thoáng mát; nước rác thải cần được thu gom và xử lí đúng theo quy định; Không bỏ bất cứ vật gì xuống nguồn nước sinh hoạt vì sẽ làm ô nhiễm nguồn nước và vi khuẩn, vi rút có điều kiện phát triển gây nguy cơ dịch bệnh cho cộng đồng.
Chú ý với trẻ em và người già gần sáng và đêm lạnh nên cho trẻ mặc quần áo ấm, trưa nóng có thể cởi bớt ra. Không mặc nhiều, dày vì mồ hôi toát ra thấm ngược, gây ốm sốt.