Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam nhường sân… cho hàng rong!
Văn hóa - Thể thao 25/11/2021 16:07
Từng… hái ra tiền
Trên các tuyến phố “huyết mạch” Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ, nhiều quán hàng tạp hóa, bán giày dép, quầy lưu niệm… then cài, cửa đóng. Hai năm trước, đó là những địa điểm không hở một xen-ti-mét nào! Đường trong phố cổ vốn chật hẹp nên mỗi khoảnh đất mặt tiền nhà cũng… bất khả xâm phạm! Thử hình dung, mỗi căn nhà trong phố cổ có giá thuê cả trăm triệu đồng/tháng. Bèo bèo cũng 50 - 60 triệu đồng/tháng. Không ít người chấp nhận cho thuê nhà trong khu phố cổ để mua đất hoặc dời ra thuê nhà ở khu vực các phường Tân An, xã Cẩm Hà.
Chỗ ngồi thoải mái nhưng khách không nhiều! |
Ông T.V.Q, nhà giáo hưu trí ở phường Tân An kể: “Do lớn tuổi, qua rồi cái thời kinh doanh sôi nổi nên nhiều người rút ra khỏi khu phố cổ, mua đất làm nhà ở những chỗ rộng rãi, thoáng đãng hơn. Cứ thu tiền tỉ cho thuê nhà cả năm hoặc vài ba năm là đã đủ tiền mua đất, xây nhà mới ở thoải mái! Không phải lo lụt lội, sửa chữa nhà cổ xuống cấp chi hết”.
Khoảng từ năm 2010 đến gần đây, không ít người ở TP Hồ Chí Minh ra, Thủ đô Hà Nội, TP Đà Nẵng vào Hội An thuê nhà kinh doanh. Người bán vải, bán hàng da, người bán quần áo, tạp hóa kèm với bán vé máy bay, kẻ mở văn phòng đại diện công ty, nhà hàng, quán ăn, uống cứ… sôi sùng sục. Không ít trường hợp một căn nhà nhỏ mà có đến… 3 trong 1 (vừa may sửa quần áo, bán tạp hóa, bán vé máy bay)! Nhờ vậy giá cho thuê mặt bằng trong khu phố cổ càng lúc càng được thể neo giá cao hơn. Giá bán cũng ngất ngưởng nhưng không thách thức được người nặng hầu bao!
Chị X.Y, một nhân viên bán shop quần áo trong khu phố cổ kể: “Có khi một bộ quần áo vét chủ cửa hàng đã lãi ngót nghét 6-7 triệu đồng. Mà có phải chỉ nhận đặt may, bán một bộ trong ngày đâu? Khách châu Âu họ hào phóng lắm!”. Với một quầy hàng bán đồ may mặc vét, áo dài, chỉ cần bán từ 4 đến 5 bộ, trừ hết các chi phí chủ cửa hàng bỏ túi cũng 10 đến 15 triệu đồng/ ngày… khỏe nhẹ! Chưa kể còn cả dịch vụ cho khách du lịch thuê áo dài… chụp ảnh!
Sảnh khách sạn… nhường chỗ cho gánh hàng rong |
Người làm kinh doanh đều tính toán kĩ lưỡng nên bỏ vài chục tỉ đồng ra mua nhà hoặc thuê nhà cả trăm triệu một tháng trong khu phố cổ để làm ăn... dễ như không. Nhưng rồi dịch bệnh…cản tài! Hầu hết mặt tiền nhà… bỏ trống! Thôi thì… nhường sân chờ dịch bệnh được kiểm soát rồi tính. Đất vàng bỗng dưng… mất giá đến không ngờ!
Hàng rong “lên ngôi”!
Đầu năm 2020, dịch Covid-19 lây lan. Khách du lịch châu Âu giảm hẳn. Khách châu Á, chủ yếu người Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc lui tới cứ thưa dần. Hàng quán, khách sạn không còn thấy khách du lịch nước ngoài. Hội An xác định các dịch vụ du lịch chỉ còn phục vụ khách nội địa.
Số lượt khách tham quan phố cổ giảm dần, doanh thu của các dịch vụ du lịch giảm sâu. Lác đác một số nhà hàng, cửa hiệu trong khu phố cổ đóng cửa. Cứ tưởng chỉ một, hai đợt dịch bùng phát thì Hội An co cụm chờ bung ra hoạt động. Ai dè lần thứ ba, rồi lần thứ tư dịch lây lan nhiều nơi hơn trước, người tử vong ở các tâm dịch ngày mỗi tăng. Thời tiết lại chẳng chiều lòng người. Hết mưa to lại qua bão lớn, lũ lụt. Nhiều chủ nhà hàng, quán ăn, cửa hiệu đóng cửa, cắt điện. Một số tuyến đường trong khu phố cổ im ắng. Hội An…lặng ngắt như tờ!
Chưa ai thuê thì mặt bằng cho khách để xe vô chợ |
Ngày và đêm vẫn có nhiều người bán hàng rong… kiên trì đợi khách. Họ không phải tốn lệ phí… mặt bằng, không phải xin xỏ ai để đặt đôi gánh, chiếc xe đẩy bán bánh bèo, bánh ướt, nước giải khát… Thậm chí sắp ghế đầy cả trên vỉa hè mời gọi khách. Cán bộ trật tự đô thị phường cũng chẳng buồn nhắc nhở. Có khi còn bật đèn xanh cho họ bày biện hàng hóa, thức ăn ra càng nhiều càng tốt cho nó có… không khí.
Chị V nhà bên Duy Nghĩa, Duy Xuyên, giáp giới Hội An, chỉ quầy hàng lưu niệm bày trước căn nhà đã khóa cửa trên đường Trần Phú, bộc bạch: “Trước đây không có cửa mô anh! Mặt tiền của người ta là vàng. Mình xớ rớ là bị nhắc nhở ngay. Hơn năm ni, có thấy ai mô. Mình tận dụng được cái mặt bằng ni mà bày hàng ra bán”. Chị V cho biết thêm, mình chỉ bán trong các ngày cuối tuần thôi, “Ế sợ luôn!”, rồi thở dài đánh sượt!
Hầu hết mặt tiền của các trung tâm, công ty, khách sạn, nhà hàng trong khu phố cổ đều bị hàng rong… chiếm dụng rất… vô tư! Những ngày cuối tuần, thỉnh thoảng cũng có khách nội địa, hầu hết là các bạn trẻ ở các huyện, thị, thành phố của Quảng Nam như Điện Bàn, Tam Kỳ, Duy Xuyên đến Hội An “seo-phì” là chính. Có nhóm bạn kéo nhau vào trong sân nhà, dưới mái hiên… gọi nước giải khát hoặc nhâm nhi cà phê, ngắm sông Hoài, liếc chùa Cầu… cảm nhận vẻ bình yên, trầm lắng của phố cổ như của những năm xưa xa lắc!
Hội An đang chuẩn bị mở cửa đón lại khách du lịch trong bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Trật tự rồi sẽ lập lại. Hàng quán rồi sẽ tấp nập… bởi cuộc sống vốn thế…