Cảm xúc từ một chương trình ấn tượng của NCT Thủ đô…

Văn hóa - Thể thao 10/04/2025 10:12
Tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu ở Huế liên quan đến Hội Sơn Nam, là những người dân từ Nam Định di cư vào Huế từ thời tiền Nguyễn. Hội Sơn Nam gắn kết chặt chẽ với ngôi Điện Huệ Nam.
Điện Huệ Nam vốn là ngôi đền thờ Poh Nagar của người Chăm, tọa lạc tại núi Ngọc Trản thuộc phường Long Hồ, quận Phú Xuân, TP Huế. Theo truyền thuyết Chăm Pa, Poh Nagar là vị thần đã tạo ra trái đất và các loại gỗ trầm, lúa gạo. Do đó Poh Nagar được người Chăm gọi là Nữ thần Mẹ xứ sở. Người Việt sau đó đã “bản địa hóa” nữ thần Poh Nagar thành nữ thần Thiên Y A Na (Thiên Hậu Thánh Mẫu).
Có giai thoại kể lại rằng: Hoàng đế Minh Mạng trong một lần lên Hương Uyển sơn đã đánh rơi chén ngọc xuống sông Hương, tưởng không lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho vua. Hương Uyển sơn sau đó có tên là núi Ngọc Trản (chén ngọc).
Thời vua Minh Mạng, ngôi điện thờ trên núi Ngọc Trản đã được hoàng đế ưu ái cho tu sửa và mở rộng vào 3/1832 và 2 năm sau đó lại được trùng tu tiếp. Điều thú vị là sau giai thoại về việc vua Minh Mạng được rùa thần trả lại chén ngọc, ngôi điện thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na trên núi Ngọc Trản được dân gian gọi là Điện Hoàn Chén.
![]() |
Núi Ngọc Trản và Điện Huệ Nam. |
Vào năm 1886, vua Ðồng Khánh cho xây lại điện thờ trên núi Ngọc Trản và đổi tên ngôi đền là Điện Huệ Nam (ban ân huệ cho nước Nam, hoàng đế nước Nam) để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu Thiên Y A Na đã cho mình làm hoàng đế. Vua Đồng Khánh đã đưa cuộc lễ hằng năm tại đây vào hàng quốc lễ, tự nhận mình là đồ đệ của Thánh Mẫu.
Ngày nay, Điện Huệ Nam là 1 trong 16 công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hoá thế giới vào ngày 11/12/1993.
Điện Huệ Nam cũng được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận là Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 2009/1998 QĐ/BVHTT ban hành ngày 26/9/1998. “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2016.
Trên phương diện cả nước, lễ hội Phủ Dày (Nam Định), lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng (Lạng Sơn), lễ hội rước Mẫu (Tuyên Quang), lễ hội Đền Lảnh Giang (Hà Nam)… gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu từ lâu đã là những lễ hội thu hút đông đảo khách du lịch và tín đồ tín ngưỡng, là “cú hích” vào nền kinh tế không khói của các địa phương nói trên.
Lễ hội Điện Huệ Nam thì được xem là một Festival văn hóa dân gian, cộng đồng đặc trưng của vùng đất Cố đô Huế. Ngày 10/12/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3981/QĐ-BVHTTDL, chính thức đưa Lễ hội Điện Huệ Nam vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ngày 30/3/2025, tại Di tích Nghinh Lương đình, Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Điện Huệ Nam”. Thiết nghĩ, cần đẩy mạnh công tác bảo tồn Điện Huệ Nam cùng các địa điểm liên quan và phát huy hơn nữa giá trị Lễ hội Điện Huệ Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch Huế, là rất cần thiết.