Kế hoạch tái thiết Gaza của Ai Cập

Quốc tế 10/02/2025 08:57
Trái với dự đoán về những kết quả “trung tính” mà cuộc gặp đem lại, những tuyên bố của hai nhà lãnh đạo sau đó không chỉ khiến vấn đề Trung Đông trở thành đề tài trang nhất của truyền thông quốc tế, mà còn tiềm ẩn nguy cơ chia lại ván cờ địa chính trị mới ở khu vực bất ổn bậc nhất thế giới này.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Netanyahu diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giai đoạn 2 của thỏa thuận ngừng bắn giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel tại Dải Gaza đang khởi động tại Doha, Qatar. Dù được đánh giá là rất mong manh song lệnh ngừng bắn đã giúp chấm dứt hơn 15 tháng xung đột khiến phần lớn Dải Gaza bị tàn phá nghiêm trọng và mở đường cho hàng chục con tin người Israel và Palestine trở về nhà.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ở Washington, D.C. |
Những đánh giá trước thềm cuộc gặp cho rằng, Washington đơn giản chỉ muốn một Trung Đông im tiếng súng để theo đuổi các chính sách rộng lớn hơn trong khu vực, trong khi mục tiêu của Thủ tướng Netanyahu là hiểu được quan điểm của tân chủ nhân Nhà Trắng về các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza - điều mà ông bị miễn cưỡng thúc đẩy.
Thế nhưng, kết quả cuộc gặp đã nằm ngoài dự đoán. Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump bất ngờ công bố một ý tưởng táo bạo rằng Mỹ có thể sẽ tiếp quản Dải Gaza, tái định cư người Palestine ở các nước khác và biến vùng lãnh thổ "đổ nát vì chiến tranh này" thành "Riviera của Trung Đông". Ông cũng không loại trừ khả năng điều quân đội Mỹ đến lấp đầy khoảng trống an ninh ở Dải Gaza và xây dựng một kế hoạch tái thiết quy mô lớn vùng đất này.
Kế hoạch Mỹ "sở hữu lâu dài" và di dời “vĩnh viễn” người Palestine khỏi Dải Gaza được Thủ tướng Netanyahu nhiệt tình ủng hộ. Ông tuyên bố đây là “ý tưởng hay đầu tiên” mà ông từng nghe, đồng thời cho rằng, nếu kế hoạch này được thực hiện sẽ mang lại một tương lai khác cho tất cả mọi người. Kế hoạch này cũng là một tin vui đối với phe cực hữu ở Israel - những người từ lâu đã tán thành việc trục xuất người Palestine khỏi Gaza và Bờ Tây.
Ở chiều ngược lại, kế hoạch Gaza gây chấn động của Tổng thống Trump đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Saudi Arabia - với tư cách là trung tâm ngoại giao khu vực - là bên đầu tiên phản ứng. Nước này tuyên bố sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nếu không có một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem, đồng thời bác bỏ mọi nỗ lực di dời người Palestine khỏi lãnh thổ của họ.
Liên Hợp Quốc (LHQ) quan ngại việc di dời hàng triệu người Palestine khỏi Gaza có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và gây bất ổn cho toàn bộ khu vực Trung Đông. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) cho rằng, mọi hành động cưỡng bức di dời hay trục xuất người dân khỏi Gaza đều vi phạm luật pháp quốc tế. Tổng Thư kí LHQ Antonio Guterres cảnh báo cần tránh các hành vi “thanh lọc sắc tộc” trong các nỗ lực giải quyết tình hình Gaza.
Đối với các quốc gia Arab như Ai Cập, Jordan hay Liban, viễn cảnh phải tiếp nhận một lượng lớn người tị nạn Palestine không chỉ đặt ra gánh nặng kinh tế mà còn có thể gây ra những căng thẳng chính trị nội bộ.
Có thể thấy, đây là lần đầu tiên một vị tổng thống Mỹ công khai đề xuất việc di dời người Palestine khỏi Gaza. Ý tưởng chấn động này của ông Trump đã phá vỡ chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập niên, từ lâu đã nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine…Việc can thiệp quá sâu vào Dải Gaza và cưỡng ép di dời người Palestine còn tiềm ẩn nguy cơ làm suy yếu quan hệ của Mỹ với các đồng minh Arab, đặc biệt là Saudi Arabia.
Rõ ràng, chính sách Trung Đông của Mỹ dưới thời Trump 2.0 đang có những thay đổi đáng kể. Dù việc di dời người Palestine khỏi Gaza chỉ là “tạm thời” như một số quan chức Mỹ đã trấn an hay nhận định đây chỉ là chiến thuật đàm phán, điều này sẽ làm đảo lộn hoàn toàn chiến lược ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong chính sách đối với khu vực.