Nỗ lực của châu Âu trong việc xây dựng hoà bình, độc lập cho Ukraine

Quốc tế 06/02/2025 09:19
Mỹ thông báo áp thêm 10% thuế đối với hàng hoá từ Trung Quốc từ ngày 4/2, trong khi sẽ áp thêm 25% thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada kể từ ngày 4/3, lùi một tháng so với thông báo ban đầu. Điều này đánh dấu cuộc chiến thương mại mới giữa Mỹ với ba đối tác thương mại hàng đầu và được tiến hành chỉ 2 tuần sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Tất nhiên, cả Canada và Mexico đều không chấp nhận cảnh “ngồi im chịu trận”. Tổng thống Mexico Sheinbaum cảnh báo thuế quan của Mỹ sẽ làm mất hiệu lực của Hiệp định Mỹ-Canada-Mexico (USMCA) mà ba nước đã kí trong nhiệm kì đầu tiên của ông Trump. Bà Sheinbaum quả quyết Mexico sẽ phản ứng bằng “sự bình tĩnh và sáng suốt” với một danh sách các mặt hàng Mỹ sẽ bị áp mức thuế tương đương.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu họp báo tại Nhà Trắng, Washington. |
Trong khi đó, Canada đã tung ngay đòn trả đũa, cũng với mức thuế 25%, đối với 106,5 tỉ USD hàng hoá nhập khẩu từ nước láng giềng và chia làm 2 giai đoạn. Các mặt hàng đầu tiên bị áp thuế bao gồm quần áo, giày, nước hoa, rượu, bia, trái cây, nước ép trái cây, dụng cụ thể thao, đồ gia dụng và nội thất.
Với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump chính thức áp thuế bổ sung 10% với hàng hoá từ ngày 4/2, sớm hơn nhiều so với nhiệm kì đầu cách đây 8 năm. Đáp lại, ngày 4/2, Ủy ban Thuế quan Quốc vụ viện Trung Quốc và Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế 15% đối với than và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời áp thuế 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số dòng xe ô tô. Những mức thuế này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/2…
Mặc dù ông Trump khẳng định rằng, các nước đối tác sẽ là bên phải chịu các mức thuế quan nói trên, thực tế cho thấy, các công ty và người tiêu dùng Mỹ mới là những đối tượng chịu gánh nặng thuế quan này. Các biện pháp thuế quan mới của ông Trump có nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng tích hợp cao giữa ba nước Bắc Mỹ, vốn là nền tảng cho sức cạnh tranh của nền sản xuất Mỹ. Các công ty Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu giá rẻ từ Canada và Mexico. Việc áp thuế quan làm tăng chi phí sản xuất, khiến hàng hóa Mỹ kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tác động kinh tế của thuế quan không chỉ giới hạn ở ngành sản xuất. Các chuyên gia của Bloomberg Economics ước tính rằng, động thái của ông Trump có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm 1,2% và chỉ số lạm phát lõi tăng 0,7%. Mức thuế trung bình của Mỹ cũng được dự đoán sẽ tăng từ gần 3% hiện tại lên 10,7%.
Thuế quan sẽ ảnh hưởng đến Canada và Mexico nhiều hơn nữa, vì thương mại chiếm khoảng 70% GDP của cả hai nền kinh tế. Hai quốc gia này đặc biệt phụ thuộc vào thương mại với Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc ít phụ thuộc vào Mỹ hơn và ít phụ thuộc vào thương mại nói chung. Trong 20 năm qua, quốc gia này đã liên tục giảm tầm quan trọng của thương mại đối với nền kinh tế của mình bằng chiến lược tăng cường sản xuất trong nước. Ngày nay, nhập khẩu và xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 37% GDP của Trung Quốc, so với hơn 60% vào đầu những năm 2000…
Có thể thấy, cuộc chiến thương mại đầu tiên mà ông Trump khởi xướng trong nhiệm kì trước còn chưa thực sự kết thúc, thì cuộc chiến thứ hai đã bắt đầu. Đối đầu hay “ăn miếng, trả miếng” sẽ không phải là giải pháp lâu dài. Trên tất cả, giải pháp tốt nhất vẫn là việc cả Trung Quốc, Canada và Mexico đều phải tìm cách đối thoại thực chất với Mỹ. Theo kế hoạch, Hiệp định USMCA sẽ được xem xét lại vào năm 2026. Đây sẽ là cơ hội để Canada và Mexico phối hợp với nhau trong việc bảo vệ các điều khoản có lợi cho thương mại khu vực và đưa dòng chảy hàng hoá lưu thông tự do trở lại.
Còn Trung Quốc có lẽ sẽ thúc đẩy đàm phán với Mỹ sớm hơn, nếu ông Trump thực hiện cam kết gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vòng 100 ngày nắm quyền đầu tiên. Việc Mỹ chỉ quyết định áp thuế bổ sung 10%, thay vì mức cao hơn hay lên tới 60% như đe doạ trước đó, đối với hàng hoá Trung Quốc cho thấy Mỹ chưa thực sự có ý định phát động “cuộc chiến toàn diện” với Trung Quốc. Nhà Trắng vẫn “để ngỏ cánh cửa” cho khả năng đàm phán với đối thủ lớn nhất của mình, cho dù đây sẽ không phải là những cuộc trao đổi dễ dàng…