Nỗi lo sợ khi... mất rừng!
Nghiên cứu - Trao đổi 23/12/2020 10:04
Loài người sinh ra và phát triển cũng nằm trong chuỗi này. Lúc này, nguồn thức ăn, hoa trái có rất nhiều. Vì bạt ngàn cây rừng. Cây cổ thụ to, phát tán mạnh, do các loài ăn hoa quả (như dơi, chuột, khỉ, chim chóc, v.v...) ăn và mang đi "gieo hạt" cho nhiều vùng đất khác nhau. Thời kì này, gió bão nhiều, nhưng cây rừng là tấm bình phong che chắn nên con người cũng được an toàn. Mưa to thì rất nhiều nước, nhưng rừng có nhiều tầng, nhiều tán, nhiều dây leo chằng chịt nên có nước là được chảy dần ra suối, ra sông, không gây ngập lụt lớn. Không có đập chắn nước, nên nước dâng có thể cục bộ ít ngày là trôi, chảy hết ra biển. Con người không chỉ biết sống trong hang đá (thời nguyên thuỷ) mà con người đã biết dựng nhà cửa trên các nền đất cao để tránh lũ lụt...
Rừng tự nhiên đúng nghĩa, là lá phổi xanh lọc bụi, nhả khí O2 về ban ngày, hút khí CO2 tổng hợp cùng chất diệp lục để lá cây quang hợp ánh sáng, đêm mới thả ra một phần khí CO2. Cho nên làm cho bầu không khí luôn dịu mát, nhiều dưỡng khí, trong lành. Hơi nước cũng đều đều phả ra từ tán lá, làm cho bầu không khí không bị khô. Có cây mới giữ được đất và nước (nhất là nước ngầm). Ta có thể nhận thấy ngay giữa một nơi có cây xanh và một nơi không có cây xanh, khí hậu nó khắc nghiệt khác biệt nhau sẽ như thế nào? Có cây xanh (có rừng) thì mưa thuận gió hoà hơn; khí hậu ít cực đoan hơn, không quá nóng hay quá lạnh. Có rừng tự nhiên, con người khai thác bền vững được nhiều thứ. Trong đó có chất đốt (cây, củi mục), mật ong, nấm, củ mài, măng tre nứa, rau củ quả, hoa trái và nhiều cây dược liệu làm thuốc. Ngoài ra, có thể săn bắn (thu hoạch) được một lượng thú rừng (làm thực phẩm) nếu như săn bắn có kiểm soát. Đặc biệt hơn là ít xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt trượt các lớp đất đá làm lở núi, lở đồi, ít cướp đi sinh mạng, con người sẽ an toàn hơn khi có rừng đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ...
Rừng nhân tạo là do con người trồng như: Rừng cao su, rừng bạch đàn, rừng thông, rừng keo, "rừng" cà phê, hồ tiêu, mắc ca, v.v... Tuy nhiên, đây là những rừng cây trồng phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lấy gỗ, lấy quả, lấy mủ... Chỉ đơn giản là một loại cây trồng, dưới chân hầu như không có lớp cỏ mọc, độ che phủ thấp nên khi mưa là đất dễ bị trôi, bị lở, cũng là nguồn cơn gây lũ ống, lũ quét, làm đất nhanh bạc màu, thoái hoá, mất đi các loài động vật, mất đi hệ sinh thái ...
Để phát triển kinh tế, người ta đã phá hàng triệu héc ta rừng tự nhiên không thể kiểm soát, thay vào đó là trồng cà phê, cao su, hồ tiêu, mắc ca và bỏ hoang hoá, v.v... Các con sông, suối phải "cõng" rất nhiều đập thuỷ điện vừa và nhỏ. Các đập thuỷ điện này ngăn cản dòng chảy tự nhiên. Mỗi một công trình thuỷ điện thì hàng ngàn héc ta diện tích rừng bị tàn phá. Khi mưa xuống đều rất dễ gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, mưa càng to thì càng phải xả nước làm miền hạ du sẽ càng ngập thêm, lở núi như ở các tỉnh miền Trung trong năm 2020 vừa qua, là những thí dụ kinh hoàng. Lở núi, lũ ống, lũ quét sẽ còn xảy ra nhiều những năm sau nữa, do nạn phá rừng bừa bãi, không ngừng. Do làm thuỷ điện, do đào đường, khoét núi đồi làm hoắm chân, mất độ vững chắc của đồi núi. Con người ở nơi đây sẽ phải hứng chịu. Thiệt hại về người và tài sản sẽ khó mà kể hết...
Theo thống kê chưa đầy đủ, sau năm 1975, đất nước thống nhất. Tổng diện tích rừng tự nhiên của ta khoảng 43 triệu ha, nhưng đến nay chỉ còn 28 triệu ha. Trong khi chúng ta nói là đã trồng được 4,1 triệu ha, đây là rừng nhân tạo, chờ để các cây phát tán, thân cây to bằng người ôm thì phải 50-100 năm nữa. Chưa nói là đủ tuổi khai thác nó sẽ bị cưa trụi để khoảng trống về đất. Để có rừng tự nhiên "lá chắn đầu nguồn" phải cả ngàn năm tuổi mới có nhiều tán, nhiều tầng, nhiều dây leo không phải dễ dàng tự nhiên mà có đâu (!)
Việc "lợi ích nhóm", xâu xé, phá rừng làm thuỷ điện, chia bán đất rừng (nhiều báo chí phản ánh trong nhiều năm qua) là những hồi chuông báo động. Rừng có nhiều gỗ qúy như: Lim, sến, táu, chò chỉ, đinh hương, pơ-mu, cẩm lai, nghiến, v.v... đã, đang bị "lâm tặc" và cả một số kẻ được "dân nuôi" để giữ rừng nhưng lại cấu kết phá rừng, chặt phá đem bán làm giàu bất chính, gây hậu quả khôn lường là điều đáng lên án, cần nghiêm trị. Chưa có một tên nào bị "xử trảm" (tử hình), do vậy chúng không sợ!?
Tại nhiều cuộc họp, những người quản lí, đứng đầu vẫn "rất giỏi" né tránh các câu hỏi của đại biểu thay mặt cử tri cả nước. Có thể họ cũng "a dua" với bọn phá rừng hay lơ là nhiệm vụ cùng những người này, nên cho nghỉ việc. Bởi giao nhiệm vụ mà không hoàn thành công việc được giao, thì ngồi đấy để làm gì?!
Không chỉ tài nguyên rừng bị tàn phá, bán chác mà đất đá cũng đang được đào phá để bán, nhiều ngọn núi đẹp bị san phẳng và đào nham nhở không thương tiếc, rất nhiều loài động vật dần diệt chủng vì không còn môi trường sống. Nhiều NCT tự hỏi: "Liệu sau 20 năm nữa thì rừng tự nhiên, rừng phòng hộ có tuổi đời từ vài trăm tới cả ngàn năm tuổi, còn lại được bao nhiêu cây? Có bao nhiêu con người sẽ bị chết, do sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét, do nạn phá rừng gây ra. Phát triển như thế liệu có bền vững hay không? Việc xoá đói giảm nghèo của dân vùng lũ có bảo đảm? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm việc này ?".