Những người lính già cõng đá tri ân đồng đội
Nhịp sống văn hóa 30/12/2020 10:12
Ngày 30/3/1972, BTL Mặt trận Tây Nguyên giao cho Sư đoàn 320 dùng Trung đoàn bộ binh 52 tiến hành vây ép địch trên điểm cao 1049; sử dụng Trung đoàn bộ binh 64 áp sát khu vực điểm cao 1015 sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không. Ngày 8/4/1972, BTL Mặt trận lại giao cho Sư đoàn 320 dùng Trung đoàn bộ binh 64 bao vây tiêu diệt tiểu đoàn dù của địch. Pháo binh ta bắn phá mãnh liệt vào mục tiêu, các mũi tiến công đồng loạt xung phong. Sau 3 ngày chiến đấu, Trung đoàn bộ binh 64 và lực lượng tăng cường tiêu diệt gọn Tiểu đoàn dù 11, 2; diệt 260 tên, bắt làm tù binh 166 tên khác, bắn rơi 20 máy bay, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch. Để có được trận thắng mở màn ở điểm cao 1015 và 1049 đã có hàng trăm chiến sĩ phải nằm lại nơi đây.
Doanh nhân CCB Lê Mạnh Hải và đồng đội cũ thăm lại chiến trường xưa. |
Thể theo tâm nguyện các thế hệ cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn, Ban liên lạc truyền thống Sư 320 quyết định xây dựng nhà bia “Di tích lịch sử điểm cao 1015 và 1049”. Phương châm xây dựng là "Xã hội hóa về kinh phí, tiếp nhận sự ủng hộ của những tấm lòng tự nguyện của mọi người. Ban liên lạc không đi xin tiền, không kêu gọi đầu tư xây dựng; không xin tiền nhà nước". Lí giải về ý tưởng này, CCB Lê Mạnh Hải, Giám đốc công ty TNHH Phú Nguyên Hải, Trưởng ban liên lạc Truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng Sư đoàn 320 tại Nghệ An và Hà Tĩnh xúc động nói: "Sư đoàn chúng tôi trải qua nhiều trận chiến đấu ở Đường 9 - Nam Lào, sau đó được điều vào chiến trường Bắc Tây Nguyên trong điều kiện chiến đấu vô cùng khó khăn gian khổ. Giữa cái sống và cái chết, anh em đồng đội thương nhau lắm... Chúng tôi họp bàn và quyết định trở lại chiến trường xưa, xây dựng nhà bia để tưởng nhớ, tri ân đồng đội đã ngã xuống…".
Doanh nhân CCB Lê Mạnh Hải (bên phải) cùng Trung tướng - Anh hùng LLVT Khuất Duy Tiến trong lần gặp mặt. |
CCB Đặng Đình Quyền, Phó ban liên lạc cho biết: Ông dẫn đoàn CCB đều ở tuổi "Thất thập" đến vùng rừng núi mở đường, đào móng xây dựng công trình. Đoàn có các ông Kiều Đình Minh, Trần Quý Thắng (Hà Tĩnh); Nguyễn Tiến Sửu, Đậu Đình Toàn, Nguyễn Hữu Chất… quê Nghệ An. CCB Hồ Sỹ Tường quê Nam Đàn, mổ u xơ tiền liệt tuyến mới hồi phục nhưng giấu bệnh, cùng đồng đội cõng đá lên núi dựng bia. Khi vừa xong nhà bia thì ông qua đời. CCB Nguyễn Hữu Thanh cùng vợ vào tham gia nấu cơm cho đồng đội của chồng.
Đá quý mua từ Thanh Hóa, cưa thành tấm chuyển ra Ninh Bình tạo hoa văn sau đó chở về Nghệ An, đưa lên đền thờ vua Quang Trung trên núi Quyết để khắc chữ. Tháng Tất cả với tấm lòng tri ân đồng đội cộng cùng đồng tiền "Mô hôi nước mắt” của Doanh nhân Lê Mạnh Hải. Tháng 1/2018 hoàn thành nhà bia Chư Bồ, Đức Cơ, Gia Lai trị giá 1,3 tỉ đồng. Tháng 5/2018 khánh thành hai nhà bia ở điểm cao 1015 và 1049, trị giá 3,6 tỉ đồng. Tháng 4/2019 hoàn thành nhà bia Đồng Dù, Củ Chi trị giá 3,2 tỉ đồng. Ngoài công sức của các CCB, sự tham gia thiết kế thi công giám sát chỉ đạo kĩ thuật của các cán bộ nhân viên công ty Phú Nguyên Hải, một số cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 320, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, cộng với hàng tỉ đồng của Doanh nhân Lê Mạnh Hải, bốn nhà bia đã được hoàn thành. Các CCB Sư đoàn 320 A đóng góp 450 triệu đồng; gia đình Trung tướng Khuất Duy Tiến ủng hộ 450 triệu đồng. Còn lại hơn 7 tỉ đồng là của Doanh nhân CCB Lê Mạnh Hải.
Bây giờ, điểm cao 1015 - Sạc ly và điểm cao 1049 - Delta được UBND tỉnh Kon Tum xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh và chọn ngày 21/4 hằng năm là ngày lễ hội (giỗ trận) để cán bộ và Nhân dân trên mọi miền Tổ quốc đến đây thắp hương tưởng nhớ, tri ân những người con ngã xuống cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do.
Doanh nhân Lê Mạnh Hải là chủ nhân của thương hiệu vàng bạc mang tên Phú Nguyên có uy tín ở Nghệ An. Ông cũng là thương binh từng vào sinh ra tử trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Xuất thân là con của gia đình nổi tiếng ở Vinh, nhưng khi có chiến tranh, ông Hải xung phong lên đường cầm súng bảo vệ quê hương. Ông được biên chế vào Sư đoàn 320 A, chiến đấu ở chiến trường B5, Mặt trận Tây Nguyên, chiến dịch Xuân Hè 1972 với trận đánh nổi tiếng ở cao điểm 1015, 1049. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông cùng đồng đội tham gia đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, rồi đánh thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất…
Sau chiến tranh, ông chuyển ngành về Sở Công nghiệp Nghệ An, đến năm 2007 thì nghỉ hưu. Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, “Thương binh tàn nhưng không phế", nối tiếp truyền thống của gia đình, ông thành lập Công ty TNHH Phú Nguyên Hải. Thành tích của Công ty và cá nhân ông Hải nhiều không kể hết, nhưng quý nhất ở ông là tấm lòng luôn tưởng nhớ và tri ân đồng đội.