“Nhờn luật” căn bệnh trầm kha
Trong mắt người già 06/01/2020 15:12
Như chuyện từ đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07 về việc thu giá dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, nêu rõ: “Lộ trình bàn giao việc quản lí, vận hành trạm thu phí dịch vụ đường bộ đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là chậm nhất đến ngày 31/12/2018. Đặc biệt đến ngày 31/12/2019, toàn bộ trạm thu phí trên toàn quốc phải thu phí tự động”
Quyết định của Thủ tướng là vậy, có thời gian gần 2 năm cho các cơ quan, đơn vị được giao thực thi, nhưng đến nay đã sang năm 2020, hỏi có mấy đoạn đường có trạm thu phí tự động?!.
Nhiều người cho rằng, với tinh thần vì nước mạnh, dân giàu, nhà nước kiến tạo, dân chủ, pháp quyền, được tiếp sức của khoa học công nghệ 4.0 thì thực hiện yêu cầu thu phí tự động của Thủ tướng dễ như trở bàn tay. Ấy thế mà sau gần 2 năm triển khai, không ít người bàng hoàng, bất ngờ khi hay tin, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản xin Thủ tướng cho gia hạn thời gian, bởi đơn vị được giao không nhằn nổi, đang đứng trước nguy cơ phá sản(!?).
Tại sao những người có trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải và đơn vị được giao lại “vô tâm” với quyết định của Thủ tướng Chính phủ như vậy? Không những thế đến gần hết hạn buộc phải hoàn thành “nước đến chân” không nhảy nổi mới xin Thủ tướng lùi thời gian thực hiện? Có nhiều nguyên nhân nhưng một trong đó là người thực thi xem thường kỉ cương phép nước, còn người có quyền thì buông lỏng quản lí, không xử lí nghiêm minh những hành vi sai phạm.
Bàn về “nhờn luật” cũng xin nhắc lại chuyện xử lí sai phạm tòa nhà 8B phố Lê Trực, TP Hà Nội, có lẽ đây là trường hợp đặc biệt nhiều lần Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lí dứt điểm, nhưng cấp dưới làm giữa chừng rồi “án binh binh bất động”, buộc Thủ tướng phải ra đến 5 “lệnh”. Vậy mà đến nay sai phạm vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Không rõ những người có nhiệm vụ phải xử lí sai phạm đọc “lệnh” 1, rồi “lệnh” 2 lần, nay đọc đến “lệnh” thứ 5 của Thủ tướng, nghĩ gì về lương tâm, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hay sống chết mặc ai?!
Trên các nghị trường, diễn đàn nhiều vị hùng hồn tuyên bố sẽ xử lí vụ sai phạm này, nghiêm trị hành vi chậm chạp kia, nhưng thực tế nó cứ tái diễn mà chính người có chức có quyền, hùng hổ phán như đinh đóng cột bỗng dưng chùn tay, nhụt chí, thậm chí phớt lờ… để sai phạm “tự tung tự tác”(!).
Thế mới thấy, vấn nạn “nhờn luật” hoành hành là do sự tắc trách, vô tâm, vô cảm, bất chấp pháp luật của nhiều người, nhiều cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành. Vấn nạn ấy càng nghiêm trọng khi pháp luật ở trong tay chính những kẻ “nhờn luật”(!?)