Nhiều trường đại học sai phạm trong mở ngành học mới
Giáo dục 05/04/2024 17:59
Theo đó, kết luận Thanh tra của Bộ GD&ĐT đã chỉ rõ những sai phạm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong việc mở ngành Luật, chưa đảm bảo quy định tối thiểu 3 tiến sĩ liên quan đến ngành học này. Theo đó, học viện mở ngành Luật có đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu nhưng chưa đảm bảo có tối thiểu 3 tiến sĩ với ngành học thuộc lĩnh vực pháp luật. Trách nhiệm để xảy ra sai phạm này thuộc về giám đốc, phó giám đốc phụ trách chuyên môn và các bộ phận quản lý ngành của nhà trường.
Đối với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trường tự rà soát, đánh giá về điều kiện đảm bảo ngành đào tạo, đối với các ngành đào tạo không đảm bảo điều kiện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã chủ động đóng ngành, dừng tuyển sinh.
Số lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ bảo đảm ngành phù hợp tham gia giảng dạy ở các ngành Du lịch; Công nghệ vật liệu dệt, may; Thiết kế thời trang còn hạn chế. Thanh tra Bộ GD&ĐT cho rằng trách nhiệm để xảy ra hạn chế trên thuộc về hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn và các bộ phận quản lý đào tạo.
Liên quan đến vấn đề thực hiện quyền tự chủ của nhà trường Thanh tra Bộ nêu rõ: Trường có Tờ trình số 12 ngày 30/11/2021, trình Bộ Công thương đề nghị công nhận Hội đồng trường, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký Hội đồng trường nhiệm kỳ 2022-2026 là chưa đảm bảo thời hạn đề nghị công nhận Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng trường theo quy định; Hội đồng trường nhiệm kỳ 2022-2026 với 17 thành viên thì có 5 thành viên bên ngoài trường, chiếm tỷ lệ 29.4% tổng số thành viên Hội đồng trường là chưa đảm bảo tối thiểu 30% theo quy định của Luật Giáo dục đại học...
Năm 2022, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) mở nhiều ngành khi chưa đủ điều kiện tự chủ là chưa đúng quy định. Hiệu trưởng ký ban hành quyết định mở 3 ngành trình độ đại học (Quản trị văn phòng, Quản trị giáo dục, Tâm lý học giáo dục), 2 ngành trình độ thạc sĩ (Giáo dục học, Báo chí học) và 1 ngành trình độ tiến sĩ (Việt Nam học) sử dụng dấu của trường là chưa đúng quy định.
Ngoài ra, trường còn ban hành quyết định mở ngành Hàn Quốc học trình độ thạc sĩ và đại học khi chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định. Đáng chú ý, Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra sai sót trong văn bản chỉ đạo của Đại học quốc gia TP.HCM khi giao cho các trường thành viên ban hành quyết định mở ngành; trong khi các trường này lúc đó chưa đủ điều kiện tự chủ, vi phạm quy định Luật Giáo dục đại học.
Qua quá trình kiểm tra, Thanh tra Bộ GD&ĐT nhận thấy, Trường Đại học Hoa Sen không tổ chức tuyển sinh 6 ngành (Quản lý tài nguyên môi trường, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Công nghệ thực phẩm, Quản trị văn phòng, Hoa Kỳ học, Bảo hiểm) trong 2 năm 2021-2022. Tiếp đến năm 2022-2023, trường không tuyển sinh 4 ngành gồm: Nhật Bản học, Luật quốc tế, Bất động sản, Hệ thống thông tin quản lý.
Trong số các ngành học kể trên, Bộ phát hiện một số ngành khi thực hiện mở, trường không khảo sát nhu cầu xã hội đầy đủ dẫn đến khó tuyển sinh, số lượng nhập học rất thấp. Tại thời điểm mở ngành mới, nhiều giảng viên chủ trì không phù hợp. Trường Đại học Hoa Sen tự xác định các giảng viên chủ trì ngành có đủ 5 năm giảng dạy đại học và công trình nghiên cứu khoa học, bài báo về lĩnh vực ngành đăng ký đào tạo trong thời hạn 5 năm theo quy định.
Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng phải ngừng tuyển 7 ngành từ năm học trước, gồm: Giáo dục thể chất, Thiết kế thời trang, Quản lý công nghiệp, Kỹ thuật xây dựng, Trung Quốc học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học.
Tại thời điểm mở ngành, 7/9 ngành có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở; trường tự xác định các giảng viên chủ trì ngành có đủ 5 năm giảng dạy đại học và có công trình 11 nghiên cứu khoa học, bài báo về lĩnh vực ngành đăng ký đào tạo trong thời hạn 5 năm theo quy định.
Trách nhiệm để xảy ra thiếu sót nêu trên thuộc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách và các đơn vị liên quan thuộc trường.
Trường Đại học Thủ Dầu Một cũng vì lý do khảo sát nhu cầu xã hội khi mở ngành không đầy đủ mà chỉ trong 2 năm 2022 và 2023, Trường Đại học Thủ Dầu Một tạm dừng tuyển sinh đến 13 ngành.
Cụ thể, từ năm 2022 dừng tuyển 11 ngành gồm: Lịch sử, Văn học, Văn hóa học, Toán kinh tế, Chính trị học, Địa lý học, Quốc tế học, Sinh học ứng dụng, Vật lý học, Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Quản lý đô thị. Năm 2023, dừng tuyển sinh 2 ngành là Quản lý văn hóa và Quản lý công.
Đặc biệt, Bộ cũng phát hiện 7/16 ngành của trường mở không đảm bảo điều kiện về giảng viên cơ hữu, chủ trì giảng dạy chương trình.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT quản lý việc tuyển sinh, mở ngành của các trường thông qua dữ liệu, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau mỗi mùa tuyển sinh.