Nguồn nhân lực - “nút thắt” của ngành du lịch Việt Nam
Kinh tế 30/10/2019 08:46
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, 7 tháng đầu năm, Việt Nam đón gần 9,8 triệu lượt khách DL quốc tế, tăng 7,9%, trong khi mức tăng trưởng cùng kì là 25,4%. Thị trường khách quốc tế lớn nhất là Trung Quốc đã giảm 2,8% so với cùng kì năm 2018.
Đâu là “nút thắt”?
Chia sẻ những đánh giá về nhân lực của ngành, lãnh đạo ngành DL đã khẳng định lực lượng nhân lực không thiếu nhưng số có chất lượng cao lại không đủ đáp ứng nhu cầu. Chúng ta còn yếu ở nhóm dịch vụ và kĩ năng ngoại ngữ, văn hóa...
Với định hướng đến năm 2020, DL cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Việc thiếu nhân lực DL trầm trọng, đặc biệt là hướng dẫn viên và nếu không sớm khắc phục, sẽ là “phanh bó” đối với ngành kinh tế xanh trong tương lai gần.
Theo Tổng cục Du lịch, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, yêu cầu mỗi năm phải đào tạo thêm 25.000 lao động mới và phải đào tạo lại số lượng tương tự.
Thực tế, mỗi năm, các trường đào tạo chuyên ngành về DL chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của ngành, dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực. Dự báo thời gian tới, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt từ 25 - 35%/năm và theo kế hoạch đến năm 2020, ngành kinh tế xanh cần khoảng trên 2 triệu lao động chất lượng cao, chưa kể hàng nghìn lao động lĩnh vực DL tàu biển.
Giới chuyên môn nhận định, trong khi Việt Nam chưa có một trường đại học nào đào tạo chuyên về DL, tốc độ phát triển khách quốc tế và nội địa lại tăng trưởng mạnh từ 20 - 30%, thậm chí có thể đạt 35%, chẳng bao lâu nữa, những thiếu hụt về nhân lực DL sẽ là trở ngại lớn đối với ngành “công nghiệp không khói”.
Biện pháp tháo gỡ “nút thắt”
Một giám đốc điều hành khách sạn ở Hà Nội đã nhận xét: “Thực tế, nhiều nhân viên được tuyển dụng dù được đào tạo dài hạn ở các trường đại học, cao đẳng, vẫn phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kĩ năng, ngoại ngữ”.
Đó là chưa kể nhiều trường đào tạo không có tên tuổi, không thể liên kết với những khách sạn có sao, có hạng nên chỉ gửi sinh viên đến thực tập tại những nơi không đạt chuẩn. Vì thế, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực DL không nhất quán, không đạt chuẩn. Có thể nói, gần như 90% sinh viên ngành khách sạn ra trường đều không có kĩ năng chuyên nghiệp.
Để khắc phục tình trạng trên, Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác đào tạo, cấp thẻ và tăng cường số lượng hướng dẫn viên. Mặt khác, có những biện pháp linh hoạt, không cứng nhắc trong công tác quản lí, đào tạo và cấp thẻ cho hướng dẫn viên.
Ngành chức năng ở Hà Nội đã tích cực xây dựng mối quan hệ giữa cơ quan quản lí nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực DL theo hướng ưu tiên và có cơ chế đặc thù. Nhờ sự “bắt tay” đó, đã thu hút được nhân lực giỏi, đào tạo bài bản, đúng nhu cầu thực tiễn. Sở Du lịch đã phối hợp với các tổ chức giáo dục quốc tế, trong nước, các địa phương, điểm đến mở các lớp nâng cao chất lượng nhân lực...
Tại TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hoa Sen đã liên kết đào tạo quốc tế với Vatel - tập đoàn hàng đầu thế giới về đào tạo, quản lí khách sạn và DL, 70% thời gian sinh viên được thực hành, với đội ngũ giảng viên đầu ngành trong và ngoài nước, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Mỗi năm, khoa du lịch Đại học Hoa Sen đào tạo khoảng 2.000 sinh viên.
Tuy vậy, mô hình như ở Đại học Hoa Sen hiện chưa nhiều. Cả nước có tới gần 350 cơ sở đào tạo DL, nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi ngoại ngữ, kĩ năng đang thiếu và yếu.
Hiện Tổng cục Du lịch đang khẩn trương triển khai ứng dụng công nghệ mới trong việc cung cấp dịch vụ, thông tin điểm đến cho du khách...
Các giải pháp trên không ngoài mục đích nâng cao chất lượng và khẳng định vị thế của DL Việt Nam trong khu vực và thế giới.