Đi tìm lời giải cho "bài toán" đào tạo nhân lực công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp (Bài 3)
Kinh tế 05/01/2021 11:09
Thực tế cho thấy, các khu nông nghiệp công nghệ cao do Nhà nước quy hoạch và quyết định thành lập đã mang lại hiệu quả thiết thực và ngày càng thể hiện được ưu thế vượt trội so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Tiêu biểu cho mô hình này là khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 88 ha, được xây dựng từ năm 2004 và đi vào hoạt động từ năm 2010 hay khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) cũng đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội. Việc chuyển đổi các diện tích canh tác kém hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, riêng diện tích trồng lúa đã chuyển sang các loại cây trồng khác là trên 600 ha đã chứng minh đây là một hướng đi phù hợp.
Hiện nay, trên cả nước cũng đã và đang phát triển nhiều vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như các vùng sản xuất rau an toàn, hoa cao cấp ở các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Trì (Hà Nội), mô hình 100 trang trại trồng nấm ở huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), mô hình sản xuất rau an toàn có quy mô 600 ha tại Đà Lạt được sản xuất cách ly trong nhà lưới, mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long,... cũng khẳng định sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng phát triển nông nghiệp của nước ta trong tương lai.
Cũng vì lẽ đó, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ trình độ cao phục vụ cho nền nông nghiệp hiện đại trở thành yêu cầu cấp thiết đồng thời cũng là thách thức lớn đang đặt ra.
"Bài toán" nhân lực vẫn đang đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao |
Về định hướng công tác đào tạo nhân lực công nghệ nông nghiệp, Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới cần tập trung giải quyết một số vấn đề như sau:Theo GS. TS. Phạm Văn Cường – Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, việc đào tạo nhân lực công nghệ cao phải gắn với thực tiễn, nhiệm vụ ứng dụng, phát triển từng nhóm ngành trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; phải bảo đảm được về số lượng, chất lượng và cơ cấu nhân lực cũng như chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng nhân tài một cách hiệu quả nhất.
Thứ nhất, trong đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học cần phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực công nghệ cao chủ chốt như: công nghệ sinh học, vật liệu mới, tự động hóa, công nghệ thông tin với việc phát huy các kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp truyền thống. Đồng thời, tích cực thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ.
Thứ hai, xây dựng cơ chế đặt hàng đào tạo và đào tạo lại nhân lực công nghệ nông nghiệp từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau; xây dựng cơ chế thanh toán theo số lượng và chất lượng người học tốt nghiệp; xây dựng chương trình mục tiêu về đào tạo và đào tạo lại nhân lực công nghệ nông nghiệp; ban hành chuẩn năng lực công nghệ nông nghiệp cho từng ngành, nghề và trình độ đào tạo.
Có chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị trong nghiên cứu và đào tạo ngành nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đào tạo về công nghệ nông nghiệp, tạo hệ sinh thái cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.
Xây dựng các thung lũng nông nghiệp công nghệ cao liền kề với các trường đào tạo để tạo điều kiện thực hành tốt hơn cho sinh viên |
Thứ ba, cần xây dựng các mô hình đào tạo thành các công viên công nghệ nông nghiệp hay thung lũng nông nghiệp công nghệ cao liền kề với các trường đại học hoặc liên kết với các trường đại học phục vụ việc tăng cường liên kết trong đào tạo, đổi mới sáng tạo nông nghiệp, nâng cao giá trị cạnh tranh của chuỗi giá trị nông nghiệp, gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp thành lập cơ sở dạy nghề công nghệ nông nghiệp, thực hiện chương trình hợp tác đào tạo lại tại khu vực, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thứ tư, các cơ sở đào tạo cần phải phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao để tự đánh giá, cải tiến chất lượng các chương trình đào tạo nông nghiệp công nghệ cao, điều chỉnh nội dung các môn học đồng thời cập nhật nội dung mới đưa vào chương trình giảng dạy, tăng cường thực hành, thực tập cho sinh viên ngành nông nghiệp công nghệ cao song song với trình độ ngoại ngữ cũng như kỹ năng công nghệ thông tin.
Thứ năm, cần có những định hướng, chính sách, chế độ đãi ngộ với giảng viên nghiên cứu và giảng dạy về nông nghiệp công nghệ cao, chính sách về học bổng, tuyển dụng, đào tạo, thu hút sinh viên vào học ngành nông nghiệp công nghệ cao, gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp thành lập cơ sở dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện chương trình hợp tác đào tạo tại khu vực, vùng đã và đang triển khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.