Người cao tuổi và các hoạt động chống biến đổi khí hậu
Nghiên cứu - Trao đổi 22/02/2022 07:38
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, và đồng thời cũng là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Số NCT tăng từ hơn 11,4 triệu người, chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019, và dự báo tăng lên 22,3 triệu người, chiếm 20% tổng dân số vào năm 2038, tức là cứ 5 người thì có 1 NCT...
Thực tế đó đặt ra 2 vấn đề đối với công tác quản lí rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Thứ nhất, làm thế nào để phát huy vai trò và sự đóng góp của NCT - một lực lượng tại chỗ ngày càng tăng, nhất là khi phần lớn NCT đang còn trẻ, có sức khỏe, có kinh nghiệm, kĩ năng, uy tín, tiếng nói, trách nhiệm ở cộng đồng. Thứ hai, làm thế nào để đảm bảo các nhu cầu đặc thù, giảm tính dễ bị tổn thương của NCT liên quan đến sức khỏe, tình trạng khuyết tật, an sinh thu nhập, sắp xếp cuộc sống… khi phần lớn NCT có bệnh mạn tính, 35,7% NCT gặp khó khăn ở ít nhất một chức năng (nghe, nhìn, di chuyển, ghi nhớ, tự chăm sóc) và khi tỉ lệ NCT sống trong hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn cao và tỉ lệ NCT sống một mình hoặc sống chỉ với vợ/chồng hay gia đình khuyết thế hệ chỉ có ông/bà và cháu có xu hướng tăng cao.
Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tốt về đưa nôi dung NCT vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng |
Từ thực tế đó, Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam (HAIV) đã phối hợp với Hội NCT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn thực hiện Dự án Liên minh VIE075 “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại miền Trung Việt Nam”, trong đó đặc biệt chú trọng nội dung “Đưa NCT vào quản lí rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”. Dự án dược tài trợ bởi Văn phòng Hỗ trợ Nhân đạo thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/BHA) thông qua Hội Chữ thập đỏ Mỹ và triển khai tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Hà Tĩnh, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai trong những năm gần đây.
Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia Tổ chức HAI tại Việt Nam cho biết: Trong thời gian 30 tháng thực hiện, tất cả 20/20 xã phường của 10 huyện, thị xã, thành phố thuộc 4 tỉnh tham gia Dự án đã áp dụng thực hiện thí điểm đưa đại diện Hội NCT tham gia nhóm hỗ trợ kĩ thuật cấp xã, 100% nhóm cộng đồng có sự tham gia của NCT. Tại tỉnh Quảng Trị có đại diện Hội NCT cấp tỉnh chính thức tham gia vào nhóm hỗ trợ kĩ thuật cấp tỉnh. Tỉnh Quảng Ngãi, đại diện Hội NCT thành phố Quảng Ngãi trở thành thành viên chính thức của nhóm hỗ trợ kĩ thuật cấp thành phố. Tỉnh Quảng Nam đã mở rộng thêm 6 xã, phường ngoài Dự án có đại diện Hội NCT tham gia nhóm hỗ trợ kĩ thuật. Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã cam kết mạnh mẽ việc đưa NCT vào quản lí rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Tổ chức HAI tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Hội NCT và NCT khi được tham gia các nhóm hỗ trợ kĩ thuật và nhóm cộng đồng đã tích cực phát huy vai trò, đóng góp đáng kể cho công tác phòng, chống thiên tai. Nhiều cán bộ Hội NCT tham gia các nhóm hỗ trợ kĩ thuật được giao phụ trách các nội dung liên quan đến NCT, bao gồm đánh giá rủi ro thiên tai, cung cấp thông tin về NCT, lên danh sách phỏng vấn, cung cấp thông tin cho nhóm về những nhu cầu đặc biệt của NCT, xác định các gia đình có NCT khi vẽ bản đồ rủi ro thiên tai của địa phương. Bên cạnh đó, NCT còn tham gia xây dựng báo cáo đánh giá rủi ro thiên tai, bảo đảm thông tin, số liệu về NCT được đề cập đầy đủ, chi tiết, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai của địa phương, trong đó có nhu cầu của NCT.
Nhiều cán bộ Hội tuyên truyền cho người dân và NCT về những việc cần làm khi xảy ra thiên tai, cách chuẩn bị đồ dùng và thực phẩm cần thiết với NCT, chế độ hỗ trợ hoặc giải pháp sơ tán. Hội NCT các cấp cũng đã tham gia vào các hoạt động dọn vệ sinh môi trường, cưa cây đổ và hỗ trợ sinh kế, vận động tiền và hiện vật giúp đỡ NCT có hoàn cảnh khó khăn khắc phục thiệt hại sau bão lũ...
Hội thảo đưa NCT vào phòng chống rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại đầu cầu tỉnh Quảng Trị |
Thực tế cũng rút ra bài học kinh nghiệm cho NCT và các cơ quan chức năng trong nội dung đưa NCT vào quản lí rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Trong đó, điều kiện tiên quyết là cần tập huấn nâng cao nhận thức cho các cơ quan, tổ chức làm việc trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai về tính dễ bị tổn thương và vai trò, khả năng đóng góp của NCT; hướng dẫn và tập huấn giúp các địa phương áp dụng trong thực tế. Hội NCT cần được tham gia vào các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và nhóm hỗ trợ kĩ thuật, các nhóm cộng đồng và lực lượng xung kích. Khi được tham gia, được tiếp cận thông tin và tập huấn bài bản, Hội NCT và NCT hoàn toàn có thể phát huy được vị thế, kiến thức, kinh nghiệm, uy tín, vốn sống và tiếng nói, góp phần giúp chính quyền thực hiện tốt quản lí rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Sự tham gia của Hội NCT và NCT sẽ góp phần san sẻ gánh nặng, mang lại kết quả tích cực phòng, chống thiên tai của chính quyền địa phương. Theo lãnh đạo Hội NCT tỉnh Quảng Nam, nhờ được tham gia vào quản lí rủi ro thiên tại dựa vào cộng đồng, mà thiệt hại trong bão lũ năm 2020 về người và tài sản của NCT ở những xã, phường thuộc Dự án được giảm nhẹ đến mức thấp nhất.
Như vậy có thể khẳng định, trong bối cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu cũng như đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và già hóa dân số nhanh hiện nay, việc đưa nội dung NCT vào quản lí rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là cần thiết để vừa giảm tính dễ bị tổn thương của NCT trước thiên tai, vừa phát huy nguồn “nhân lực bạc” ngày càng tăng tại cộng đồng, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, tiến tới một cộng đồng an toàn cho tất cả mọi người. Việc đưa nội dung NCT vào quản lí rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cũng là nhằm góp phần thực hiện Luật Người cao tuổi, Luật Phòng chống thiên tai, Đề án 1002 và nay là Quyết định 553 của Chính phủ.
(Còn nữa)