Người cao tuổi “giữ hồn” nghề mộc truyền thống
Phóng sự 26/08/2024 14:40
Ông Bùi Duy Sửu, Chủ cơ sở Đồ gỗ Việt Bắc, thị trấn Thanh Lãng |
Giữ “lửa” nghề mộc xưa
“Mộc Tứ Xã, ngõa Hương Canh”. Tứ Xã là bốn làng gồm Xuân Lan, Yên Lan, Hợp Lễ, Minh Lương thuộc thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc - nổi tiếng về nghề chạm gỗ. Theo câu phương ngôn trên, tôi tìm về thăm làng mộc Thanh Lãng vào một ngày giữa tháng 8, tiết trời sang thu mát mẻ, ấn tượng ban đầu là không khí làng nghề với tiếng đục đẽo “lốc cốc”, tiếng máy cưa, máy bào rền vang khiến không khí thị trấn nhỏ trở nên vui tươi, nhộn nhịp lạ thường; các ngả đường dẫn về làng xe cộ ra vào tấp nập vận chuyển hàng đi các nơi.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Bảy, Chủ tịch UBND thị trấn chia sẻ: Nghề mộc Thanh Lãng ra đời và phát triển hàng trăm năm nay. Trước đây, sản phẩm mộc ở đây khá đơn điệu, chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương với giá rẻ. Chính vì thế mà đời sống người dân rất khó khăn, bà con phải bám chặt ruộng đồng hay phiêu bạt khắp nơi làm đủ mọi nghề để mưu sinh kiếm kế sinh nhai. Vào những năm 80-90 của thế kỉ trước, khi đất nước bước vào thời kì đổi mới, những người thợ mộc Thanh Lãng vô cùng chật vật vì thiếu thị trường, thiếu việc làm.
Để tồn tại, người dân làm mộc đã cùng nhau thành lập những tổ hợp sản xuất; đồng thời, tích cực đầu tư máy móc, phát triển ngành nghề, tìm kiếm thị trường, cải tiến mẫu mã nâng cao chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm mộc ở Thanh Lãng không chỉ đẹp về kiểu dáng, mẫu mã mà còn đạt đến đỉnh cao về kĩ thuật, mĩ thuật, độ tinh xảo, ngày càng tạo được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước… Từ đó, thị trường được mở rộng từ Bắc vào Nam như: Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh… Một số sản phẩm cao cấp đã có ở nước bạn Lào, Campuchia, mang về nguồn thu nhập cao cho người lao động và cũng khẳng định nét đặc trưng của Nghề mộc Thanh Lãng.
Đến nay, trong sự phát triển của kinh tế thị trường, nghề mộc ở Thanh Lãng vẫn đứng vững, với nhiều sản phẩm nổi tiếng cả nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững cho địa phương. Có được kết quả trên là sự nỗ lực không ngừng của biết bao thế hệ người dân Thanh Lãng trong việc gìn giữ và phát huy nghề mộc truyền thống của quê hương.
Nhiều gia đình NCT ở Thanh Lãng đã mở xưởng, mua sắm trang bị máy móc hiện đại để phát triển sản xuất nghề mộc truyền thống. |
Lớn lên ở làng mộc, ông và cha đều là thợ lành nghề nên từ nhỏ, ông Trịnh Công Xuyến (79 tuổi) đã quen với mùi hương của gỗ, với âm thanh máy cưa, máy bào và các dụng cụ như khoan, đục, cưa, thước dây… Ông Xuyến kể: Tôi là đời thứ 4 trong gia đình làm nghề. Lớn lên ở cái làng này, thanh niên ít nhiều gì cũng biết làm nghề nhưng có người theo, người bỏ. Hồi nhỏ, tôi theo cha học nghề trực tiếp, vừa học vừa phụ cha làm chứ không có trường lớp nào. Học từ những việc dễ như đánh giấy nhám, khoan, cưa, đến những kĩ thuật khó hơn như tiện, khắc, phun sơn…
Ngày trước khó khăn nên khi đã có nghề trong tay, ông cùng nhiều thợ trong làng đạp xe đi làm công ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh, chủ yếu là làm nhà gỗ, đồ dân dụng mẫu mã đơn giản, thô sơ. Sau này khá hơn, ông mới gây dựng nên xưởng mộc của gia đình, đầu tư hàng tỉ đồng mua sắm máy móc và mở rộng quy mô dần.
Khẳng định vai trò trong cuộc sống hiện đại
Nhiều người dân thoát nghèo nhờ nghề làm mộc |
Sự thay đổi của thời cuộc, nhu cầu của thị trường, nhiệt huyết của nghệ nhân... trở thành “lửa thử vàng” quyết định đến sự tồn tại của làng nghề. Đến nay, nhiều nghệ nhân ở Thanh Lãng vẫn bền bỉ giữ nghề cha truyền và bắt nhịp với những yêu cầu mới của xã hội, trở thành những sản phẩm nổi tiếng xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, ông Bùi Duy Sửu (70 tuổi) chủ Cơ sở Đồ gỗ Việt Bắc sinh ra và lớn lên trong cái nôi nghề mộc, nên sớm tiếp xúc với gỗ, với đục, với bào. Ông Sửu bảo: “Để làm ra được một bộ sản phẩm gỗ mĩ nghệ chất lượng cao, đòi hỏi từ người thiết kế mẫu đến người thực hiện phải có óc thẩm mĩ, tài hoa, kết hợp với cái tâm và kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm của người thợ lành nghề”.
Các loại gỗ được sử dụng để sản xuất tại làng nghề Thanh Lãng gồm nhiều chủng loại, từ gỗ rừng nhập khẩu như lim, gõ đỏ, hương, trắc, cẩm, xoan đào, gỗ rừng trồng trong nước, keo, quế, mỡ, trẩu đến gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu (tần bì, dẻ gai, sồi) và ván công nghiệp. Để bắt kịp với xu hướng, thị hiếu của thị trường đòi hỏi những người thợ phải tìm tòi, cải tiến kĩ thuật, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, gia đình ông Sửu đã đầu tư mua máy, thiết bị để hỗ trợ công việc, nhằm tạo ra nhiều mẫu mã phong phú, giá thành cạnh tranh hơn. Ngoài các đồ dùng gia đình như giường, tủ, bàn ghế, cơ sở của ông còn thiết kế nhiều loại sản phẩm tranh chân dung, hình chim thú, rồng, phượng... Nhờ sự nhạy bén, linh hoạt để thay đổi hướng tiếp cận với khách hàng nên trải qua hơn 50 năm, cơ sở sản xuất của ông ngày càng có uy tín, phát triển.
Nghề mộc ở Thanh Lãng hiện đang phục vụ nhu cầu làm nhà, tủ chè, bàn ghế, sập, gụ, tràng kỉ, án gian, lục bình, tranh chân dung, hình chim thú, rồng, phượng… Nhờ sự nhạy bén, linh hoạt để thay đổi hướng tiếp cận với khách hàng nên trải qua hàng trăm năm, nghề mộc ở Thanh Lãng ngày càng khẳng định được chỗ đứng vững chắc, góp phần phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.
Nhiều NCT giữ lửa nghề mộc truyền thống |
Từ hướng đi mới, những năm gần đây, nghề truyền thống của làng được duy trì và mở rộng… Hiện thị trấn có 16 doanh nghiệp, 250 hộ chủ xưởng mộc, với trên 2.000 lao động làm nghề mộc. Hằng năm, tổng thu nhập từ ngành nghề trên địa bàn đạt 160 tỉ đồng. Trong đó, có nhiều NCT trực tiếp tham gia lao động sản xuất, cùng con cháu làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Theo thời gian, thị trường ngày càng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn nhất là trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Các thế hệ NCT cùng con cháu trên mảnh đất Thanh Lãng vẫn đang nỗ lực ngày đêm để giữ lửa nghề truyền thống, áp dụng các phương pháp mới để nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần khẳng định thương hiệu làng nghề mộc Thanh Lãng.