Ngôi đình thờ tứ vị trên vùng Trung du
Văn hóa - Thể thao 27/09/2022 09:35
Theo tài liệu Hán Nôm “Thần tích, thần sắc làng Hương Xạ, tổng Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ”, đang lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội Việt Nam, do Lí trưởng làng Hương Xạ khai năm 1938, đình Hương Xạ thờ tứ vị là Cao Sơn Đại Vương, Phù Đổng Thiên Vương, Bạch Hạc Tam Giang Đại Vương và Trần Thị Ngọc Công chúa. Đình Hương Xạ là công trình kiến trúc tín ngưỡng giữ vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư Hương Xạ, tri ân công đức tổ tiên, tưởng nhớ công lao của những người có công với đất nước. Đặc biệt, đình nằm trong hệ thống di tích thờ các nhân vật lịch sử thời kì Hùng Vương dựng nước.
Trong truyền thuyết thời Hùng Vương, ba vị Cao Sơn Đại Vương, Phù Đổng Thiên Vương và Bạch Hạc Tam Giang Đại Vương có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Ba vị là biểu tượng cho sức mạnh, tinh thần đoàn kết, phù trợ cho quốc thái dân an. Ba vị được thờ ở nhiều nơi, trong đó có nhiều ngôi đền ở huyện Hạ Hòa nói chung và đình Hương Xạ nói riêng. Còn vị thứ tư được thờ trong đình là Trần Thị Ngọc Công chúa. Theo các cụ cao niên bà là người có công khai hoang, lập làng, dạy dân trồng trọt, được người dân Hương Xạ thờ tại đình làng để thể hiện sự biết ơn đối với người có công với dân làng.
Di tích đình Hương Xạ tọa lạc trên địa thế cao, đẹp và vững chãi. Khung cảnh nơi đây sơn thủy hữu tình, phía trước đình là đồng Khế thoáng đãng tạo nên thế “tụ thủy” như một minh đường, phía sau là xứ Cầu Hỗi, bên phải là gò Đầm Sồi và bên trái là gò Chùa (tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ). Theo các bậc cao niên và các nhà nghiên cứu, đình Hương Xạ được xây dựng đầu thế kỉ XIX, kiến trúc chữ đinh, bằng tranh tre nứa lá. Ngày nay, đình được xây dựng khang trang, giữ được nét kiến trúc truyền thống. Cổng đình gồm 4 cột cao vút mang đậm màu sắc kiến trúc cổng đình, đền thời Hùng Vương. Sân đình lát gạch đỏ, rộng và thoáng. Đình gồm 1 ngôi nhà rộng 5 gian lợp ngói mũi hài, dựng bằng hệ thống cột to, tròn, trên nóc đình có lưỡng long chầu nguyệt được tạo tác tinh xảo, phía trước có lư hương lớn. Phía bên trong là hậu cung gồm hai ban thờ. Ban thờ phía dưới, ở chính giữa và ban thờ tứ vị ở phía tầng trên, đi lên bằng cầu thang. Ban tầng trên có bốn ngai thờ tứ vị là Cao Sơn Đại Vương, Phù Đổng Thiên Vương, Bạch Hạc Tam Giang Đại Vương và Trần Thị Ngọc Công chúa. Đình Hương Xạ còn lưu giữ, bảo tồn được 6 đạo sắc, gồm 3 đạo sắc có niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), 1 đạo sắc có niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880), 1 đạo sắc có niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887), 1 đạo sắc có niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909). Đình còn bảo lưu được một số cổ vật, di vật như bát, đĩa sứ... có giá trị khoa học, lịch sử, nghệ thuật.
Trong một năm, đình Hương Xạ có các kì tiệc lệ ngày mùng 6, mùng 7 tháng Giêng; ngày mùng 10 tháng 2; ngày mùng 4 tháng 3; ngày mùng 5, mùng 6 và mùng 7 tháng 11. Trong đó kì tiệc ngày 6, 7 tháng Giêng là kì đại tiệc. Lễ hội đình Hương Xạ cũng như bao hội làng khác ở vùng Trung du Phú Thọ được tách riêng thành hai phần, phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ với rước, tế. Lễ vật dâng cúng tứ vị gồm xôi, gà, hoa quả, bánh nếp. Từ sáng sớm, lễ vật của Đảng ủy, chính quyền và các khu dân cư được rước đến sân đình. Trong không khí thành kính, trang nghiêm, Ban Tổ chức, các bậc cao niên trong xã tiến hành nghi lễ dâng hương, tế lễ theo nghi thức truyền thống. Sau phần Lễ là đến phần Hội, với nhiều trò diễn, trò chơi, thi tài, sinh hoạt văn nghệ như chọi gà, bịt mắt bắt dê, tổ tôm, kéo co... tăng thêm sức hấp dẫn của lễ hội truyền thống.
Đình Hương Xạ là di tích lịch sử thể hiện rõ nét và sinh động tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên vùng đất Phú Thọ, là không gian bảo tồn những giá trị văn hóa làng xã ở Trung du Bắc Bộ và hội tụ tinh thần đoàn kết cộng đồng.