Ngôi đền thiêng ở Chiến khu xưa
Văn hóa - Thể thao 01/05/2023 12:00
Tọa lạc trên một dải đất sơn thủy hữu tình, phía trước và hai bên có long chầu hổ phục, dưới chân núi Kim Quy, ngôi đền Chu Hưng trải qua bao biến cố của lịch sử xã hội, chiến tranh, giặc giã, bao sự đổi thay của thời gian vẫn trường tồn và linh thiêng nơi xứ cọ đồi chè. Vùng đất nơi đây, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từng là nơi “bản doanh” của Chiến khu X, của nền văn nghệ kháng chiến Việt Nam.
Từ bao đời nay, ở vùng đất Hạ Hòa, người dân vẫn truyền nhau về thứ tự sự linh thiêng của những ngôi đền trên địa bàn bằng câu: “Nhất Chu, nhì Hiền, tam Lang, tứ Lệnh”. Theo đó, đền Chu Hưng từ xưa đến nay vẫn được xem là ngôi đền linh thiêng vào bậc nhất ở vùng này. Theo cuốn “Chu Hưng ngọc phả thánh tích”, vị thần được thờ phụng tại đây là Côn Nhạc, con trai của Vua Hùng Vương thứ 18 Hùng Duệ Vương. Khi lên ngôi, Hùng Duệ Vương cho phân chia sơn hà thành từng vùng, từng châu rồi giao cho các con mỗi người “hùng cứ một phương”. Trong đó Côn Nhạc được giao chính tổng chấn địa hạt Chu Hưng.
Nghi lễ tế lễ trong lễ hội đền Chu Hưng. |
Theo lệnh vua cha, Côn Nhạc đến địa hạt Chu Hưng chiêu dân lập ấp, khai phá điền hoang, sơn trại, nuôi dưỡng súc vật, bồi bổ sức dân, làm cho dân ấp mỗi ngày một hưng thịnh. Đang yên lành, bỗng ở trong nước nhiều nơi trộm cướp nổi lên, rồi giặc phương Bắc kéo quân sang xâm chiếm Văn Lang, nhà vua hạ chiếu chỉ gọi các con về kinh thành để hội bàn cách đánh.
Côn Nhạc được giao nhiệm vụ chỉ đạo đội quân theo đường bộ áp sát vùng Yên Bái, Lào Cai đón đánh giặc ngay từ biên giới. Thắng trận, quét sạch quân xâm lược phương Bắc ra khỏi bờ cõi, Côn Nhạc được gia phong sắc quy: “Quốc tái gia phong, Sắc rồng Côn Nhạc, Tính tông hùng Trấn đại vương, Thượng tướng nhất phương Cảnh Vũ”. Côn Nhạc trở về tiếp tục cai quản địa hạt Chu Hưng. Một thời gian sau ông mất.
Tưởng nhớ công ơn của ông, Nhân dân đã lập miếu thờ. Tháng 7/1806, vua Gia Long đã cho xây mới ngôi đền. Trải qua các triều vua nhà Nguyễn, ngôi đền nhận được 11 đạo sắc phong, trong đó có 1 sắc phong thời vua Minh Mệnh (1821), 2 sắc phong thời vua Thiệu Trị, 1 thời vua Đồng Khánh, 5 sắc phong thời vua Tự Đức, 2 sắc phong thời vua Duy Tân. Trong đó có 4 sắc phong ngài là “Thần Hữu Thiện Phù Chân Cao Sơn Hộ Quốc”, 5 sắc phong “Thượng đẳng thần”. Tại đền lưu giữ quyển ngọc phả “Chu Hưng - Thánh tích Ngọc phả” gồm 27 trang, viết trên giấy dó. Ở hậu đường ngôi đền có “Hậu đường bia kí” ghi lại niên đại xây dựng và tên tuổi những người góp của, hưng công dựng đền.
Trong cung thờ của ngôi đền có pho tượng Ngài Côn Nhạc Đại Vương được đặt uy nghi trong long ngai. Tượng cao 1m28, đầu đội mũ, mình khoác áo long bào trùm rủ xuống chân, ở phần cổ áo được chấm nổi 18 chấm tròn. Ở yếm ngực chấm nổi hình đuôi rồng chầu vào mặt nguyệt, phần bụng chiện nổi ô vuông, bên trong khắc chữ. Đai áo hơi trễ, phần dưới là những hình rồng mặt nguyệt và vân mây. Tượng được tạo có dáng hình cân đối, mắt nhìn nghiêng, miệng hơi mỉm, tai to chảy gần chấm vai, dáng vẻ suy nghĩ, nét mặt nhân từ, phúc hậu mà cương trực, như đang phán quyết một điều gì đó.
Theo cuốn “Chu Hưng ngọc phả thánh tích”, thời kì Trưng Vương chiêu binh tiêu diệt quân Tô Định, ngày nữ Tướng đem 5000 quân tuần sát ở hai lộ Thao Giang và Đà Giang. Lúc bấy giờ, Trưng nữ xuất quân trên đường, cờ quạt chấn động ngàn núi hai ngày đêm, đến huyện Hạ Hoà thì gặp quân Hán theo đường thủy tiến đến. Trưng nữ hạ lệnh tập trung quân trú tại miếu đền đầu trang Nhữ Hạ (đền Chu Hưng ngày nay). Trưng nữ lập đàn cầu đảo bách thần. Ngài Côn Nhạc Đại Vương và các vị âm thầm đã hiển linh phù trợ cho Hai Bà Trưng thắng giặc khải hoàn. Sau chiến thắng, Hai Bà Trưng đã tập hợp các bô lão trong vùng Chu Hưng, an cho hai đĩnh bạc để về tu sửa đền.
Đền Chu Hưng là nơi hương hỏa, thờ phụng Côn Nhạc Đại Vương. |
Lịch sử còn ghi, sau khi nhà Trần chiến thắng Nguyên Mông oanh liệt, vua Trần Nhân Tông đã rời kinh thành lên thăm trại Quy Hoá nơi diễn ra cuộc giao chiến lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất của quân Đại Việt chống quân Mông Cổ ngày 17/1/1285. Khi thăm nơi đây, nghe dân tâu bẩm, cạnh trại chiến này có một núi cao là nơi táng Côn Nhạc Đại Vương. Vua Trần lên thăm núi kí hài lăng và khắc tặng bốn câu thơ: “Vung giáo non sông mấy ngàn thu/Bốn biển được yên thù đã hết/ Núi xanh trùng điệp tựa như tranh/ Linh lăng vạn có mãi hiển vinh”.
Đền Chu Hưng không chỉ có giá trị lịch sử trọng đại thời Hùng Vương mà còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Ngày 29/8/1945, mặt trận Việt Minh đã lấy sân đền làm trụ sở tổ chức cuộc mít tinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến. Ngôi đền này cũng là nơi tuyên bố thành lập các đoàn thể cứu quốc như: Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc...
Từ tháng 4/1947 đến tháng 12/1949, xưởng nữ quân nhu chiến khu 10 đã đặt cơ sở tại đền làm nơi sản xuất quần áo chiến sĩ, đóng gói chăn màn, ba lô để gửi ra tiền tuyến. Ngày 16/4/1949, 14 chiến sĩ của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản chỉ huy, lấy sân đền Chu Hưng làm địa điểm huấn luyện, tạo điều kiện cho việc thành lập Đội vũ trang Lát-Xạ-Vông. Hiện trong quần thể di tích đền Chu Hưng, có Nhà bia lưu niệm Đội vũ trang Lào Lát-Xạ-Vông và nhà truyền thống trưng bày những hình ảnh tư liệu quân đội Lào. Năm 2003, Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Quyết định số 15/2003/QĐ-BVHTT, bổ sung đền Chu Hưng thuộc di tích Chiến khu X vào Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Hằng năm, đền Chu Hưng có ba kì lễ là ngày mồng 7 tháng Giêng gắn liền với lễ rước dâng lễ vật cúng Thánh, ngày mồng 8/2 âm lịch là ngày giỗ của Côn Nhạc Đại Vương, ngày 15/8 là ngày hội khao quân. Nhưng kì lễ trọng và lớn nhất là ngày lễ hội của đền Chu Hưng vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm. Theo truyền thống từ nhiều năm nay, Lễ hội đền Chu Hưng được UBND xã Ấm Hạ tổ chức vào sáng ngày mùng 7 tháng Giêng với hai phần lễ và phần hội được chính quyền địa phương tổ chức trang trọng, phát huy được những giá trị văn hoá truyền thống và mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng. Sau lễ rước kiệu là nghi thức tế lễ truyền thống được các bô lão địa phương tiến hành.
Ngày 20/12/2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4603/QĐ-BVHTTDL, đưa lễ hội đền Chu Hưng vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.