“Nét vẽ”... buồn!
Trong mắt người già 06/11/2024 10:19
Dự án có diện tích 33,7 ha, tổng mức đầu tư 217 tỉ đồng, công suất chế biến 250.000 tấn nguyên liệu (lá sả)/năm. Chủ dự án tuyên bố, “toàn bộ nguyên liệu đầu vào của nhà máy sẽ do người dân tự trồng và bán cho nhà máy, mang lại thu nhập cho người dân cao hơn 2 - 3 lần so với trồng hoa màu”.
Thấy nhà đầu tư “vẽ rực rỡ”, lãnh đạo xã Thanh Thủy kì vọng sẽ tạo công ăn việc làm và thu nhập tốt cho người dân. Theo đó, gần 20 hộ dân di chuyển ra khỏi khu vực để “Dự án khởi công trong năm 2014, hoàn thành, đi vào hoạt động vào năm 2015”.
Năm sau, nơi này vẫn là bãi đất trống, chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An giãn tiến độ thực hiện đến tháng 6/2017. Nhưng trong 10 năm qua, rất nhiều “nét vẽ” của nhà đầu tư không thành hiện thực.
Nhà điều hành dự án bị hư hỏng không một bóng người. |
Lời hứa “gia đình có nhà phải di dời sẽ hỗ trợ đến cuối đời cho những người trên 50 tuổi không có cơ hội làm việc tại dự án từ 3-5 triệu đồng/người/tháng” của nhà đầu tư cũng tan thành mây khói.
Sau nhiều năm "treo" dự án, ngày 7/6/2021, tỉnh Nghệ An lại chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư “tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao” thành dự án “tổ hợp trồng, sản xuất, chế biến chè xanh xuất khẩu chất lượng cao” theo đề nghị của chủ đầu tư. Theo phê duyệt của tỉnh Nghệ An, dự án trồng, sản xuất, chế biến chè xanh xuất khẩu có công suất 4.000 tấn chè sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư dự án hơn 170 tỉ đồng; hoàn thành trong quý I/2023.
Những tưởng, sau khi “vẽ tác phẩm mới”, Công ty này sẽ khẩn trương vào cuộc, thế nhưng, đến nay vẫn…im lặng!
Trên địa bàn TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), Bệnh viện Đa khoa tỉnh khởi công xây dựng năm 2014, quy mô 1.500 giường, đầu tư 2.300 tỉ đồng; có “bãi đáp trực thăng” để cấp cứu người bệnh bằng đường hàng không khi cần thiết. Theo kế hoạch ban đầu, bệnh viện hoạt động trong năm 2016, nhưng đến nay vẫn… chưa thấy đâu!
Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, nữ bệnh nhân V.T.B.T, 32 tuổi đến phòng khám đa khoa (Công ty TNHH MTV Dịch vụ y tế Y học Sài Gòn) làm dịch vụ bỏ thai 10 tuần. Chị T được bác sĩ thăm khám với mức phí 5 triệu đồng (uống thuốc phá thai nội khoa). Sau 2 ngày uống thuốc, bệnh nhân quay lại phòng khám, bác sĩ chỉ định hút thai. Ngay trên bàn thủ thuật, bác sĩ, nhân viên phòng khám liên tục dùng các chiêu trò, hù dọa gây sức ép buộc người nhà phải đóng thêm tiền “để được làm thủ thuật không đau” với giá 17 triệu đồng.
Cũng tại phòng khám này, tháng 9/2023, họ cũng “vẽ bệnh, moi tiền” một nữ bệnh nhân. Vẫn “nét vẽ” ấy, nhân viên phòng khám gây áp lực, yêu cầu người bệnh chuyển khoản ngay trên... bàn mổ.
Hoá ra, từ ông giám đốc dự án, đến ông chủ cơ sở khám chữa bệnh tư đều thích “vẽ”. Nhưng với tâm địa xấu nên tranh của họ toàn màu xám... trông rất buồnn