Mùa Tết độc lập với người Mông Tây Bắc
Đời sống 19/08/2023 10:29
Chúng tôi dạo bước trên bản Hua Tạt của miền cao nguyên huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La khi mùa Thu đã cận kề. Chiều buông, cô cháu gái của ông Tráng A Lứ, nguyên đại biểu Quốc hội khoá IX theo cha mẹ từ biên giới Tân Xuân về đây định cư qua mấy mùa rừng thay lá cũng vừa phơi khô bộ váy áo bên vách núi sau nhà thản nhiên hát câu: “Kẻ ở người đi lòng ai buồn như gió thổi qua ngàn”. Lời ca nhuốm phong vị nhớ nhung mà sắc thổ cẩm thì rực rỡ bộc lộ tính cách của phụ nữ người Mông luôn khát khao tự do và phóng khoáng...
Mặt trời xuống núi, mõ trâu lốc cốc bên sườn non, đám trẻ í ới gọi nhau về báo hiệu một ngày sắp kết thúc nơi sơn cước. Chúng tôi tìm đến chốn an cư của gia đình ông Tráng A Váu, Chi hội trưởng NCT bản Hua Tạt. Âm thanh cuộc trò chuyện trong gian bếp vọng vang giữa ngôi nhà đen bóng bồ hóng. Ngoài kia, mây mù phủ kín khắp nơi...
Ông Tráng A Lứ giới thiệu cách xếp đá làm tường trồng su su. |
Thấy chõ mèn mén đã chín, ông Váu phóng tầm mắt nhìn ra ngọn Pha Luông sừng sững rồi thủ thỉ nói như kể chuyện cổ tích: “Thuở xưa, tổ tiên mình bị giặc Hán truy sát nên đã chạy sang Xín Mần, Hà Giang sinh sống; chẳng được bao lâu lại bị quân Mãn Thanh tìm diệt ngừa tạo phản, cát cứ. Vì vậy, tổ tiên mình đành phải chia con cháu ra từng nhóm Mông di cư về Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc và các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La... Riêng dòng họ Tráng mình sang Tân Xuân định cư hàng trăm năm mới chuyển tới đỉnh đèo Pha Đin sinh sống ba đời thì về cổng trời Hua Tạt này. Tổ tiên có để lại kí hiệu trong gia phả rằng, người Mông mình khi di cư tới những nơi thuận tiện cho canh tác đều đã có chủ là người Thái, người Khơ Mú... và thổ ti, lang đạo, chúa đất cai quản nên bà con Mông đến sau buộc phải chọn các đỉnh núi mây mù để được sống tự do muôn đời ”.
Thế rồi loạn lang đạo được dập tắt, thời kì chi phối quyền lực của các thổ ti, chúa đất đối với Hua Tạt - Vân Hồ cũng vào hồi cáo chung. Nhưng núi cao hiểm trở, đi lại khó khăn; ruộng nương toàn đá vôi sắc nhọn như ngọn dáo chổng ngược, lại không có nước, toàn vùng vẫn chìm trong đói nghèo, lạc hậu. Sản xuất nông nghiệp không nuôi sống gia đình, hầu hết bà con nơi đây những năm trước đổi mới (1986) vẫn chỉ trông chờ vào những cứu cánh: Săn bắt thú, đốt phá rừng, cô nhựa anh túc, xẻ gỗ quý bán cho người dưới xuôi lấy tiền đong lúa, mua ngô ăn quanh năm.
Ông Xa Văn Khánh, Chủ tịch Hội NCT xã Vân Hồ ví người Mông bản Hua Tạt có thời như những ngôi sao trời luôn dịch chuyển. Nay đồng bào ở ngọn núi này, mùa trăng sau đã ở vùng khác. Công việc phát hoang, trỉa ngô, gieo thuốc phiện diễn ra chỉ được vài ba vụ là đồng bào lại bỏ hoang tới nơi mới, ốm đau đều nhờ thầy cúng “chữa bệnh” bằng cách đánh đuổi con “ma rừng”, chẳng mấy khi xuống trạm y tế xã khám chữa bệnh.
Trai bản Hua Tạt vào những dịp Tết Độc lập như thế này vẫn mang sáo thổi tán tỉnh, hẹn hò cô gái mà mình thích chờ ngày xuống phiên chợ tình Mộc Châu tâm sự... yêu đương. Nếu cô gái ưng cái bụng, con trai “bắt” về nhà làm vợ để vài ba năm sau mới đăng kí kết hôn. Đôi vợ chồng trẻ lại tiếp tục hành trình du canh, du cư trồng cây anh túc như thế hệ cha ông mình trước đó.
Cảnh quan bình yên tại Vân Hồ, Sơn La |
Thế là cuộc vận động an cư, xóa bỏ vấn nạn trồng và nghiện hút thuốc phiện tại Hua Tạt được gấp rút triển khai không ngừng nghỉ từ đầu năm 1998 đến nay. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tráng A Lứ, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá IX và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La kể: “Cũng vào dịp cận Tết Độc lập như thế này cách đây hơn 20 năm khi vừa được trên chỉ định về làm Chủ tịch UBND xã Vân Hồ, tôi đã cùng các công an viên tưới dầu, châm lửa đốt sạch một thung lũng cây anh túc “vô chủ”. Kế sách “hỏa công” này sau đó cũng chỉ làm cho những vạt hoa thuốc phiện lộ thiên mới chịu lụi tàn. Còn ở trong rừng sâu, núi thẳm chúng vẫn ẩn dật khoe sắc cùng các hộ đồng bào Mông du canh, du cư”.
Hành trình vận động dân cai nghiện rồi xóa bỏ cây thuốc phiện ở Hua Tạt của ông Lứ ngày ấy có lúc chẳng khác nào một cuộc vật lộn và đấu tranh tư tưởng đầy gian truân, vất vả. Để dân bản noi theo, ông Lứ nhiều đêm phải to nhỏ với chính bố đẻ của mình và những NCT trong bản “hóa kiếp bàn đèn”, bảo ban con cháu chuyển đổi nương anh túc của gia đình sang trồng ngô, tra lúa, canh tác hoa màu.
Một vụ, hai vụ trôi qua, bà con nhìn gia đình bố đẻ Chủ tịch xã Tráng A Lứ lại khá giả lên, chứ không đói như nhiều người đồn đoán. Cái hay, cái đúng luật pháp và sự gương mẫu trước cộng đồng của người già dần thuyết phục dân bản làm theo. Bà con sống tản mát ở khắp nơi, đôi chân du mục mãi rồi cũng mỏi mệt nên dịp Tết Độc lập này thì cuộc vận động mang tính bước ngoặt ấy đạt kết quả mĩ mãn. Tất cả người Mông đã bảo nhau hạ sơn, an cư quanh sườn núi Hua Tạt thấp nhất để thay đổi cuộc đời, cự tuyệt với thuốc phiện.
Bản Hua Tạt hiện tại có 178 gia đình, 800 nhân khẩu đều là người Mông. Ông Tráng Lứ nghỉ hưu sống giản dị, thanh bạch với cây khèn cổ tổ tiên để lại. Ngày ngày ông cũng tự tay khuân đất vào các hốc núi trồng rau, làm giàn su su, nuôi gà... cải thiện đời sống. Mấy hôm trước, vườn cải bẹ của ông đang lên xanh mơn mởn thì mấy anh chị tri thức trẻ tình nguyện quê dưới xuôi đi ngang ngó nghía không có ai, bèn tiện tay bẻ đại một nắm. Ông Lứ trông thấy quát mắng... Họ không hay đó là ông đại biểu Quốc hội khoá IX, nhưng vẫn hốt hoảng bỏ chạy. Ngay tối đó, Chủ tịch xã Vân Hồ biết chuyện, lật đật đưa mấy anh chị ấy đến xin lỗi ông rối rít. Ông Lứ nghe xong lại... ầm lên. Bực bội vậy thôi, nhưng sau đó, tự tay ông ra vườn cắt một ôm cải to, bắt hai con gà cựa cho họ mang xuống nhà khách UBND xã thịt đón Tết Độc lập chung vui cùng người Mông bản địa.
Cộng đồng người Mông ở bản Hua Tạt hiện nay với quá khứ đầy những vất vả, gian truân... đã vĩnh viễn khép lại, nhường chỗ cho bao điều tốt đẹp. Di sản con người nơi đây gần một thế kỉ cơ hàn hay tươi xanh thì vẫn cần được nhắc nhớ để di sản thiên nhiên hàng triệu năm ngày càng thêm giá trị. Đó là lợi thế tương lai, là khác biệt, là vẻ huyền hoặc của sắc màu văn hóa Mông trên cao nguyên núi đá vôi Vân Hồ.