Mùa Tết độc lập với người Mông Tây Bắc
Đời sống 26/08/2023 12:08
Đời khèn Mông trên đá núi
Cao nguyên đá Tủa Chùa được ví là một “tiểu Đồng Văn - Hà Giang thứ hai” của Tổ quốc. Đến đầu xã Mường Báng, chúng tôi thấy anh Thò A Mặc đổi ca cho người vợ của mình chỉ huy con trâu cày những luống đất khô khốc, lởm chởm đá tai mèo để sang tuần trỉa ngô vụ Thu Đông. Thấy vợ đang bám nương bỗng con trâu đột ngột khựng lại rồi còng lưng lấy đà kéo tiếp, A Mặc ngừng tiếng khèn Mông bảo chúng tôi: “Con trâu nhà mình tinh ranh lắm. Nó biết thương chủ cặm cụi rèn ra chiếc lưỡi cày, chiếc dăm lưỡi gà nên đang gò lưng kéo thấy sắp mắc đá, hoặc mình thổi khèn kêu quá to là tự dừng lại nhắc nhở mình giảm thanh, nhắc vợ nhấc cán cắm về phía trước rẽ luống nhanh còn về nghỉ ăn Tết Độc lập”.
Đó là điều mách bảo, chỉ điểm để chúng tôi lên diện kiến lão nghệ nhân 80 tuổi Giàng A Sử, Chi hội trưởng NCT bản Huổi Lếch. Hỏi về nguồn cuội của cây khèn Mông, ông Sử không trả lời ngay mà cẩn trọng lấy thẻ hương đến trước bàn thờ gia tiên làm lí nên chúng tôi biết lão ông này là vị thầy mo đầy quyền năng với nghề chế tạo và trình diễn khèn mà người Mông ở đây suy tôn là “chúa kềnh”. Ngoài kia, đá núi như cúi đầu thán phục.
Bố con lão nghệ nhân Giàng A Sử làm khèn Mông. |
Qua ô cửa ngõ, lão nghệ nhân Sử nhìn ra sườn núi đá vôi cao chọc trời - nơi tổ tiên, cha mẹ mình đang yên giấc ngàn thu rồi thủ thỉ với chúng tôi rằng: “Vào một năm nọ, lũ lụt, mùa màng mất hết, có 6 anh em cùng dân bản Mông di tản lên vùng núi cao để tránh thiên tai kiếm cái ăn. Tuy nhiên, 4 trong số 6 anh em nhà ấy đã không thể vượt qua được cơn mưa trắng trời làm núi lở tàn khốc. Trong cảnh chia lìa bụng đói, cật rét anh em nhà ấy đã nghĩ đến cái chết đang đợi mình rồi. Nhưng trước lúc chết, người anh cả muốn gửi những lời yêu thương đến với các em của mình đang bị chơi vơi ở bên kia dòng lũ bèn cắt cây sặc làm một ống sáo thổi nhưng cảm thấy thiếu thứ gì đó rất thiêng liêng. Thoáng chốc suy nghĩ, anh làm tiếp 5 cái nữa tượng trưng cho tiếng nói của 5 em rồi gắn kết cả 6 ống sáo với nhau thổi thì thấy nỗi lòng hòa nhịp được với tiếng nói của các em mình”.
Đúng! Lão nghệ nhân Giàng A Sử bảo với chúng tôi rằng, bây giờ tiếng khèn 6 ống vẫn đều đặn ngân vang nói lên nỗi niềm của người Mông từ khi sinh ra cho đến lúc về thế giới bên kia. Cái ống ngắn nhưng to nhất gọi là “đí lua” tượng trưng cho người anh cả, cái dài nhất là “đí bùa” tượng trưng cho anh thứ hai, cái thứ 3 là “đí từ”, cái thứ 4 là “đí sờ”, cái thứ 5 là “đí tờ”, cái nhỏ nhất là em út “đí trồ”.
Ngồi bên lò rèn dăm sáo “lưỡi gà” cho khèn Mông với mấy thứ đồ nghề chế tạo có kích cỡ “tiểu li”, lão nghệ nhân Giàng A Sử và anh con trai cả Giàng A Khày trước khi vào việc hồn hậu “quảng bá”: “Để làm được mẻ lục (6) chiếc dăm sáo đầu tiên phải có lá đồng nguyên chất mỏng dính khổ rộng bằng cả tờ Tạp chí Người cao tuổi này. Đe, búa, cưa, chạm… đều là loại nhỏ nhất có thể. Lò bễ thì không quan trọng lắm nhưng vẫn phải phù hợp. Không thể dùng dao mổ trâu cắt tiết gà… đâu”.
Chúng tôi cười lí thú, anh Khày nổi lửa tay phải nhóm lò, tay trái kéo cần pu (ống bễ). Tiếng “bụp, phù”, “bụp, phù” đều đều phát ra từ chiếc “máy tạo gió”, than bén đỏ rực. Lão nghệ nhân A Sử nhanh tay đưa miếng đồng mỏng dính vào lò tí đã đỏ au. Dùng chiếc kẹp mi li gắp lên mặt đe tán, uốn đến khi cảm thấy đủ độ mỏng, cong cần thiết lại nung đỏ rồi nhúng nước là được. Phụ thân luyện xong lá đồng đưa cho phó cả A Khày cố định vào khe giá đỡ cực nhỏ, dùng chiếc dùi bé như sợi tóc châm bốn lỗ li ti. Con trai hoàn thành các công đoạn đảm trách, lão nghệ nhân A Sử nhón thành phẩm bằng hai đầu ngón tay nheo nheo mắt sát hạch một lúc rồi vỗ vai tán dương: “Chuẩn đấy! Đúng là hôm nay có khách miền xuôi cổ vũ… tiến bộ vượt bậc. Bố vui cái bụng lắm mà”.
Phó cả A Sử thổ lộ: “Phần kim, thủy, hỏa, thổ của một chiếc khèn đã xong. Còn mộc phải có thân cây gỗ pơ mu, ống sặc, vỏ đào rừng. Ba thứ này không dễ kiếm. Khi tìm được cây gỗ như ý, cha con mình cắt thành khúc khoảng 80 cm, bổ đôi và tiến hành ngay bước chế tạo cây khèn đó là khoét rỗng theo chiều dài thân cây làm đôi rồi áp vào nhau như cũ, buộc chặt lại đem phơi thật khô thì mới tạo hình dáng cho bầu khèn và khoét lỗ cắm 6 ống sặc. Khâu cuối là quấn vỏ cây đào rừng vào quanh thân khèn để liên kết mọi chi tiết lại với nhau là thành chiếc “chúa kềnh” vừa bền đẹp vừa hay tiếng”.
Khèn của bố con lão nghệ nhân Giàng A Sử đến tay những người đàn ông Mông trong bản Huổi Lếch, cao nguyên đá Tủa Chùa là cất lên tiếng í í, ồ ồ… âm thanh khi cao, lúc thấp, nhưng liên tục như suối chảy, gió reo. Chủ tịch Hội NCT xã Mường Báng - Sùng A Khày cho rằng: “Có thời khắc tiếng khèn hùng dũng như một đoàn quân xông trận, khi thì thầm như tiếng ngàn ca, rồi thủ thỉ như lời mẹ kể con nghe về thuở cha đi mở đất”.
Chiều tối, chúng tôi đang ngồi nhâm nhi với cha con lão nghệ nhân Giàng A Sử thì mấy ông “nhất cận lân nhì cận thân” kéo sang góp vui. Chợt phó cả Giàng A Khày cất lời: “Người Mông ta uống rượu, không thấy tiếng khèn, khác nào uống rượu nhắm với nước lã”. Câu nói ấy làm mọi người trong mâm nghĩ suy và chống chếnh nhớ lời khèn. Thấy vậy lão nghệ nhân Giàng A Sử nói lí làm vỡ bầu không khí trầm ngâm: “Người Mông tự hào với tiếng khèn. Thổi khèn, múa khèn thể hiện được tinh thần yêu văn hoá, nghệ thuật và tinh thần thượng võ”.
Chúng tôi giật mình thấy “cái lí” lão nghệ nhân Giàng A Sử nói quá đúng. Các ông người Mông ở đây cười sảng khoái, bát rượu đong đầy mà lòng thì vẫn miên man thèm tiếng khèn. Đành là thời đại của công nghệ thông tin, họ có thể nghe tiếng khèn qua mạng internet, xem người Mông xa Tổ quốc xoay tít trong điệu khèn qua chiếc điện thoại đang bỏ túi áo, để cạnh mâm cơm, cầm tay, nhưng những gì qua công nghệ giải trí thường thiếu sinh động. Vì thế, trên các bản người Mông nơi đây, ai biết thổi khèn, múa khèn thì bà con bản trên, làng dưới đều hay tên, biết mặt, tự hào vì đồng bào ta luôn giữ được hồn khèn, cho cô gái Mông ngồi trên phiến đá, môi nở nụ, giọng e ấp nhả lời hoa.
Chuyện lễ Dù Su của bản Chóp Ly
Vào dịp cận Tết Độc lập hằng năm, người Mông ở bản Chóp Ly trên đỉnh đèo mang tên xã Khe Lôm, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đang du canh, hay an cư thì vẫn làm lí cúng dòng tộc “Dù Su”- nghĩa là nhốt buộc chặt những điều rủi ro, phiền muộn, ác ý lại để vui chơi, ca hát, đoàn kết, yêu thương nhau nhiều hơn… Nghi lễ này bắt nguồn từ huyền tích tổ tiên của họ xưa kia dùng mưu kế đánh đuổi giặc Vàng Pao sang chiếm đất, ức hiếp phụ nữ quê nhà…
Chúng tôi dạo bước trên bản Chóp Ly của miền đá núi trên đỉnh đèo Khe Lôm rộng dài bằng cả huyện dưới miền xuôi. Cuộc sống của người Mông ở đây mở cửa bếp bước ra là chạm mây, chạm gió, chạm sương mù... Không gian ấy gieo vào họ muôn nỗi nhọc nhằn mà hình thành nên những cá tính mạnh mẽ, tự do và phóng khoáng...
Những lão ông Mông trầm tư. Những cụ bà nở nụ cười móm mém hồn nhiên. Những chàng trai tinh anh rực lên niềm khát khao chinh phục. Những phụ nữ lầm lũi gùi đủ thứ trên lưng. Những đứa trẻ ánh mắt trong veo thoăn thoắt leo núi một cách dễ dàng. Ở bên sườn đèo Khe Lôm có không ít anh em dân tộc khác sống quần cư, chúng tôi nghe đâu đó một tiếng sáo Mông lạc điệu. Hỏi người phụ nữ Khơ Mú, vì sao số bà con Mông ấy lại bỏ nhà cửa đi đâu? Chị nói rằng, vì họ buồn. Lạ thật. Được sống cạnh nơi đông vui, quán xá xập xình, cảnh sắc trù phú, có đường ô tô qua lại đêm ngày mà lại buồn. Trong khi, trên đỉnh núi mây mù, len lỏi với bạt ngàn hốc đá, với tiếng gió ngàn, quạ kêu, thì họ lại thấy vui….
Ông Giàng A Thào, Chi hội trưởng NCT bản Chóp Ly thổ lộ: “Việc du canh ở đỉnh núi sau vụ lúa ngô Xuân - Hè đã ở trong tâm thức người Mông mình từ xưa tới nay rồi. Căn tính ấy của đồng bào mình liên tục tái diễn trong mọi hoàn cảnh, thời điểm… Cuộc đời một người Mông bản mình có cả trăm lần di chuyển chỗ chăn nuôi, trồng trọt, nhà ở mà vẫn không quên tục lệ cúng dòng họ gọi là Dù Su trước Tết Độc lập ba ngày”.
Thế mới hay, tộc người mang tâm thức du canh luôn biết cách thích nghi hoàn cảnh dù trên bước đường luôn gặp muôn vàn gian khó. Đến đỉnh núi nào trên bản Chóp Ly thì dịp này các chàng trai, cô gái Mông cũng có thể cất lên tiếng hát tình yêu, tiếng hát thẳm sâu từ bản năng tự do. Khi người con gái nói lời trái tim: “Đôi ta không biết hát thì thôi. Biết hát, ta hát như cây vầu, cây dẹ thi nhau mọc”; người con trai đáp lại bằng cả tấm chân tình: “Đêm đã qua, sao lượn vòng đổi chỗ. Ngày đã rạng đường đi sáng tỏ. Ta ra đi gửi lại căn nhà cũ cho cỏ lau mọc. Mà hồn như còn ngủ trong tà áo em”. Họ yêu nhau như yêu cuộc sống, như yêu chính những lối mòn du canh, phiêu lãng…
Ông Giàng A Tùng, Trưởng bản Chóp Ly ví von với chúng tôi rằng: “Với đôi chân quấn xà cạp, với cây dao phạt đường, mở lối mòn trong tay, người Mông dòng họ Giàng luôn gắn đời mình với đá và tung hoành tạo nên bao thửa rộng bậc thang tựa như những cung đàn xanh - vàng thay màu theo mùa vụ, chinh phục các vùng hoang vu nhất của con đèo Khe Lôm. Mặt đất dưới chân dân bản nghiêng nghiêng. Để cày lên thớ mà rẽ thành luống, người và trâu chênh vênh chân duỗi, chân quỳ trên khắp triền núi đá nhọn hoắt in hình giữa lưng chừng trời…”
Cũng phải thôi, quê hương của người Mông bản Chóp Ly là vô số lối mòn hiểm trở thách thức hiểm nguy. Những nương ngô xả lá rì rào. Những thửa lúa lượn lờ như sóng theo tầng tầng lớp lớp ruộng bậc thang hùng vĩ. Những nếp nhà nhỏ xinh xinh với tường rào bằng đá neo đậu tạm thời như tổ chim ở trên đỉnh đèo Khe Lôm. Người và núi cùng cỏ cây như hòa lẫn vào nhau. Bức tranh thiên nhiên trên cao không mang yếu tố cô độc mà toát lên niềm kiêu hãnh. Họ sống trong bồng bềnh. Từ nỗi cô đơn của núi non, những bài hát ra đời, tiếng đàn môi ra đời, đồng bào yêu sự tự do, không trói buộc, chỉ biết rằng dưới có núi đá trên có trời xanh. Làm chim ngụ trong hốc đá hoang, suốt dịp Tết Độc lập.
Bài cúng lễ dòng họ Dù Su truyền thống được ông Chi hội trưởng NCT bản Giàng A Thào khấn đọc suốt một ngày dài. Khi mặt trời lên đỉnh đèo, bài cúng kể chuyện người Mông già thuở xưa đưa con cháu men theo rông đá tìm sang mảnh đất lành trú ngụ. Lúc mặt trời đứng bóng, lời ông Thào gửi câu khấn nguyện của dân bản tới thổ thần, trời đất… Và tới lúc hoàng hôn khuất rặng pơ mu trên đỉnh núi mây mù, ấy là khi bài khấn rước đèn được xưng tụng bằng giọng kể hân hoan, đầy tự hào về chiến công của người Mông đã mưu trí, dũng cảm chiến thắng quân thù.
Theo tích truyền khẩu thì vùng đất tổ của dòng họ Giàng bản Chóp Ly vào thời thực dân Pháp quay lại Đông Dương lần thứ hai đã phong cho Vàng Pao lon trung úy để thu nạp khoảng trên dưới 1.000 tay súng trong các toán biệt kích gồm cả Mèo, Thái, Dao... ở chiến trường cánh Đồng Chum bên nước Lào đưa sang chi viện cho cứ điểm Điện Biên Phủ trước thời khắc cáo trung. Đội quân ô hợp này vượt biên sang tới đèo Kheo Lôm thì bị thủ lĩnh dòng họ Giàng kêu gọi đồng bào đoàn kết và lập mưu đánh chặn. Đêm xuống, họ thắp nhựa thông trên những cặp sừng của hàng trăm con dê, con trâu rồi xua chúng chạy tán loạn khắp các đỉnh núi và rừng hoang. Quân ô hợp của Vàng Pao đang hút thuốc phiện và uống rượu, ức hiếp phụ nữ bản địa vừa bắt lầm tưởng có hàng trăm ngàn binh mã tới tấn công đã hoảng sợ tháo chạy toán loạn. Thừa dịp đó, người Mông xông lên truy kích, đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi của mình. Các dân tộc anh em như Khơ Mú, Thái Đen nghe tin dòng họ Giàng người Mông thắng trận đã tổ chức cho 40 trai tráng ngồi trên lưng ngựa, ôm những ngọn đốc nhựa thông múa chúc mừng thắng lợi. Từ đó về sau, cứ đến cuối tháng 8 dương lịch, bà con dòng họ Giàng trong bản Chóp Ly lại tổ chức lễ Dù Su trong ba ngày cận Tết Độc lập.
Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là hầu hết trẻ già người Mông trên đỉnh Chóp Ly đều thuộc lòng bài khấn và biết câu chuyện mang tính huyền tích của dân tộc mình. Những ngày lễ hội cúng dòng họ để “nhốt chặt” những điều rủi ro, phiền muộn, ác ý lại… bà con hát hò, diễn xướng qua đêm sang ngày, hát từ sớm mai tới khi mặt trời xuống núi. Chuyện xa rồi ngày ấy/ Quân giặc cướp đất mình/ Dồn người Mông ta lên núi/ Dồn cả dòng họ Giàng vào hang/ Không lối nào để thoát/ Bỏ xác nơi hang cùng/ Chết treo trên đỉnh núi… Lời hát của họ kể về nỗi khổ bị giặc xâm lược, rồi chuyển sang ca ngợi các chiến binh dũng cảm giải phóng quê hương: …Giặc vàng đang thua to/ Hỡi tất cả dân bản/ Cùng anh em tráng sĩ/ Hãy tiến lên đánh đuổi/ Đánh đến cùng mới thôi…
Người Mông đời nọ nối đời kia bám bản Chóp Ly nhưng vì địa bàn cứ như là ngày càng rộng dài thêm làm họ “phải mải miết” du canh khắp mọi đỉnh núi, cổng trời. Các dân tộc khác về sau, một số đất được cho, một số đất được chuyển nhượng. Ông cụ Giàng A Cở tặng không đất cho 1 vị đồng niên họ Khoàng người Khơ Mú, cắt máu gà ăn thề không đòi lại nữa, nhận nhau là anh em. Cả bản Chóp Ly hiện có 63 hộ dân tộc Mông và 5 gia đình người Khơ Mú với 350 nhân khẩu sinh sống khắp đỉnh đèo Kheo Lôm đoàn kết một lòng dựng xây mảnh đất cha ông để lại ngày càng tốt tươi, thắm đượm nghĩa tình.
Trong mâm cỗ tại Nhà văn hóa cộng đồng bản Chóp Ly, chúng tôi được nghe một thiếu nữ Mông hát rất hay bài dân ca: Chàng trai xỏ đôi giày mới hăm hở vượt đèo. Cô gái diện váy áo đỏ tươi lần đầu thướt tha theo sau. Đó là lời hát sẻ chia niềm hạnh phúc với bạn cùng bản nhưng cũng là tâm trạng khao khát chung của những người con trai, con gái Mông mong một ngày Thu sang hoa cúc quỳ nở vàng núi đồi... sẽ thành đôi.