Một người có thể tái nhiễm virus SARS-CoV-2 bao nhiêu lần?
Y tế 04/03/2022 14:42
Cnet dẫn thông tin từ CDC cho thấy, biến chủng Delta dễ lây truyền hơn và tỷ lệ tái nhiễm cũng có thể cao hơn so với Alpha hay các biến chủng khác. Sự xuất hiện của Omicron càng khiến tình trạng này thêm phổ biến.
Một nghiên cứu tại Anh trên 25.661 người từ tháng 6 đến tháng 12/2020 cho thấy F0 giảm 84% nguy cơ tái nhiễm Covid-19 trong vòng 7 tháng sau đó. Dưới 2% tình nguyện viên có kết quả mắc virus SARS-CoV-2 lần thứ 2. Thế nhưng, sự xuất hiện của biến chủng mới khiến các khả năng bảo vệ của kháng thể từ lần mắc trước đó dần bị rút ngắn.
Tháng 10/2021, một nghiên cứu xem xét khả năng tái nhiễm các chủng nCoV khác nhau và phát hiện 1 người từng mắc Covid-19 có thể tái nhiễm trong vòng 3 tháng đến 5 năm nếu không được tiêm vaccine. Thời gian trung bình là 16 tháng. Tuy nhiên, một số F0 lại tái mắc sớm hơn thời gian này, thậm chí chỉ sau 1-2 tháng.
GS.TS William Schaffner, Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, Mỹ, cho biết: “Một số người quan niệm sau khi khỏi Covid-19, bạn sẽ được bảo vệ vĩnh viễn như từng mắc sởi. Nhưng hai loại virus gây hai bệnh này hoàn toàn khác nhau. Khả năng bảo vệ khỏi nCoV sẽ mất đi một cách tự nhiên sau thời gian”.
Điều này đồng nghĩa mỗi người có thể tái mắc Covid-19 không chỉ 2 mà nhiều lần.
Một người có thể tái nhiễm virus SARS-CoV-2 bao nhiêu lần? Ảnh minh họa |
Nghiên cứu vào tháng 10/2021 của Trường Y tế Công cộng Yale cho thấy người chưa được tiêm vaccine sẽ có khả năng miễn dịch chống lại tái nhiễm trong khoảng 3 đến 61 tháng. Song, dữ liệu này tính toán trước khi Omicron xuất hiện.
Hiện tại, các chuyên gia cho rằng chưa đủ dữ liệu để biết một F0 có thể tái nhiễm Omicron nhiều lần hay không. Tuy nhiên, UKHSA khẳng định nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra, và tiêm vaccine vẫn là cách bảo vệ tốt nhất trước nguy cơ tái nhiễm Covid-19.
CDC trích dẫn một nghiên cứu cho thấy người chưa được tiêm chủng có nguy cơ tái nhiễm cao gấp 2 lần nhóm đã tiêm vaccine Covid-19. Nghiên cứu khác cũng chỉ ra người chưa tiêm vaccine có nguy cơ nhập viện cao gấp 5 lần nếu mắc Covid-19 lần 2.
Một công bố của WHO vào cuối tháng 12-/2021 khẳng định, đã ghi nhận tình trạng tái nhiễm SARS-CoV-2 nhiều hơn 1 lần trên cùng một chủng hoặc khác chủng ở bệnh nhân Covid-19 được cho là đã khỏi bệnh tại nhiều quốc gia.
Theo WHO ghi nhận từ thực tế, hiện vẫn có khoảng 2% số người từng nhiễm Covid-19 tái nhiễm nhiều hơn 1 lần. Thời gian tái nhiễm kể từ lần nhiễm đầu tiên cũng ngắn hơn.
Theo các chuyên gia y tế, sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, lượng kháng thể trong cơ thể được tạo ra có thể không đủ mạnh hoặc tồn tại không đủ lâu để giúp bệnh nhân miễn nhiễm hoàn toàn với bệnh trong thời gian dài. Ngoài ra, mức độ sinh kháng thể của mỗi người từng dương tính với Covid-19 là khác nhau, ở một số trường hợp thì mức độ kháng thể được sinh ra sau khi nhiễm bệnh không đủ để bảo vệ cơ thể nên vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Phần lớn các ca tái nhiễm nếu đã được tiêm vaccine thì thường ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhưng ở một số bệnh nhân vẫn có thể trở nên trầm trọng hơn nếu các virus này xâm nhập vào phổi khi cơ thể không đủ khả năng để chống lại.
Để bảo vệ bản thân khỏi Covid-19 cũng như tình trạng tái nhiễm, cách duy nhất là tiêm phòng vaccine đầy đủ theo đúng liều lượng mà cơ quan y tế đưa ra. Bên cạnh đó, người dân cũng cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn thường xuyên, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh.
Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi Chiều 3/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi họp báo về tình ... |
Việc dừng hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 phù hợp tình hình mới Liên quan đến việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành Quyết định 4292/QĐ-TLĐ về việc dừng chi hỗ trợ cho đoàn ... |