Môn Lịch sử - Tự chọn hay bắt buộc
Trong mắt người già 26/04/2022 09:32
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lí giải, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp học Trung học cơ sở (THCS) - giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Lịch sử được dạy ở tất cả các lớp. Nội dung trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở giai đoạn này, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.
Ở cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề mang tính chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS.
Môn Lịch sử - Tự chọn hay bắt buộc |
Ở giai đoạn này học sinh bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. Học sinh chọn tổ hợp xã hội là đã có môn Lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp tự nhiên vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội, trong đó có môn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân, hoặc phục vụ định hướng nghề nghiệp mình lựa chọn. Ngoài ra, trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn dành 20% thời lượng cho lịch sử địa phương, do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy bắt buộc, đáp ứng việc giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông.
Theo lí giải trên, xét trong thực hiện mục tiêu phân cấp giáo dục, việc cho học sinh THPT tự chọn học môn Lịch sử là hợp lí, bởi những kiến thức cơ bản về Lịch sử đã được các em học từ cấp THCS, không bắt buộc tất cả học sinh THPT phải học chuyên sâu khi có định hướng nghề nghiệp. Việc này góp phần giảm tải và tạo điều kiện cho học sinh tập trung thời gian cho các môn học thích hợp với nghề nghiệp trong tương lai hơn.
Tuy nhiên, Lịch sử là môn khoa học nghiên cứu về quá trình hình thành, phát triển của một quốc gia, dân tộc và rộng hơn là xã hội loài người. Lịch sử ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội song cũng còn những điểm mờ và yếu tố nhạy cảm. Vì vậy, nội dung cần phải khách quan, trung thực, sinh động để người dạy, người học có niềm tin và hứng thú. Điều dư luận quan tâm không chỉ ở việc Lịch sử là môn tự chọn hay bắt buộc mà còn ở chương trình, nội dung và phương pháp dạy - học môn học này.
Thực tế, nội dung chương trình, sách giáo khoa Lịch sử hiện hành còn nặng về trình bày sự kiện, theo mô típ: Nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa, bài học kinh nghiệm, đậm chất báo cáo chính trị, nặng về số liệu, ngày tháng năm… Giáo viên thì chủ yếu dạy theo sách giáo khoa. Khi kiểm tra, học sinh phải học thuộc lòng, ghi nhớ nhiều sự kiện nên khó tiếp thu, điểm thi thấp, ít đam mê…
Thiết nghĩ, khi dư luận xã hội còn chưa đồng thuận thì Bộ GD&ĐT cần cân nhắc thật kĩ, có giải pháp tổng thể để mọi người nhận thức đúng và học sinh yêu thích học lịch sử, tránh những thiếu sót như trong cải cách giáo dục vừa qua.