Mở đường và mở... lòng!
Trong mắt người già 16/05/2024 15:05
Với ý tưởng là dự án sẽ cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, dự kiến có tổng vốn đầu tư trên 21.000 tỉ đồng (đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỉ đồng; đoạn trên cao gần 3.900 tỉ đồng). Khi cải tạo xong, đường Láng sẽ rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80km/h và là trục chính đô thị.
Thông tin trên khiến không ít chuyên gia giao thông và cả dư luận bày tỏ lo ngại về tính khả thi của "siêu" dự án. Việc mở rộng đường đô thị không phải giải pháp căn cơ giảm ùn tắc khi hạ tầng cứ phải chạy theo tốc độ tăng “chóng mặt” của phương tiện. Chưa hết, những dự án mở rộng đường trong nội đô vô hình trung khiến mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân của Hà Nội càng khó thành hiện thực. Trong khi đó, chi phí cho giải phóng mặt bằng dự án sẽ là “siêu khủng”.
Đường Láng nhìn từ trên cao. |
Nhiều người biết, Hà Nội đã mở rộng nhiều tuyến đường nhưng việc giảm ùn tắc giao thông chưa được cải thiện bao nhiêu. Xem ra, mấu chốt của vấn đề này nằm ở chỗ, phương tiện cá nhân, nhất là xe máy tăng, trong khi ý thức tham gia giao thông của người sử dụng phương tiện lại đang… đi xuống. Nhiều con đường đẹp của Thủ đô như Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Võ Chí Công…, xe máy tràn hết ra cả lòng đường. Hiện tượng đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chở hàng cồng kềnh… tại Hà Nội ngày càng phổ biến.
Việc tiếp tục mở rộng các đoạn tuyến đường còn lại cũng như việc khai thác đồng bộ hạ tầng theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ là tất yếu. Tuy nhiên, khi việc đầu tư nâng cấp hạ tầng trên toàn tuyến hoàn thành nhưng ý thức tham gia giao thông - “lòng người” chưa được “mở” thì không có con đường rộng nào có thể giảm được tải cho Thủ đô.
Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội thì văn hoá cũng phải lên theo. Chắc nhiều người cũng đồng ý với quan điểm ấy nhưng hình như động thái của các cơ quan chức năng để thúc đẩy văn hoá người Hà Nội, trong đó có văn hoá giao thông làm chưa riết ráo. Bởi nếu không đầu tư vào văn hoá giao thông thì nguồn lực bỏ ra làm các tuyến đường rộng, đẹp sẽ như muối bỏ biển. Khi ấy, các tuyến đường sẽ không mang lại hiệu quả, mà tạo ra hình ảnh xấu xí, làm suy giảm giá trị của cả tuyến đường. Như vậy, nhu cầu lưu thông vẫn còn nguy cơ xung đột, nút thắt vẫn tồn tại.
Thiết nghĩ, cùng với việc mở rộng đường vẫn phải tiếp tục kiểm soát phương tiện cá nhân, phát triển vận tải công cộng, quan trọng hơn là “mở rộng lòng” của người tham gia giao thông, để các tuyến đường Thủ đô trở nên đẹp hơn trong mắt người dân cả nước và người nước ngoài khi đến Hà Nội.