Thực hiện tốt văn hóa giao thông
Đời sống 25/04/2024 14:21
Qua tổng kết, các nguyên nhân chính dẫn đến TNGT đã được chỉ ra, gồm: Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông hạn chế; hạ tầng giao thông không bảo đảm; độ an toàn của phương tiện thấp… Có thể thấy, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao thể hiện rõ nhất ở những ngã ba, ngã tư tại các đô thị lớn, khi không ít người đua nhau chen lấn, không ai chịu nhường ai. Tình trạng vượt đèn đỏ, chạy xe ngược chiều, lấn làn, vượt ẩu… cũng thường thấy trong hoạt động giao thông, dẫn đến không ít vụ tai nạn nghiêm trọng.
Công bằng đánh giá, hàng loạt giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, từ việc hoàn thiện quy định pháp luật, đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng đến đẩy mạnh tuyên truyền, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được thực thi hiệu quả. Bên cạnh số vụ tai nạn giao thông có giảm, thì vẫn còn nhiều việc phải làm để xây dựng được văn hóa, môi trường giao thông an toàn, thân thiện, và đó là trách nhiệm không của riêng ai.
Theo các chuyên gia giao thông, để xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện cần dựa trên 5 trụ cột là pháp luật, hạ tầng, phương tiện, con người, khắc phục hậu quả sau tai nạn. Và việc xây dựng văn hóa giao thông, hình thành môi trường giao thông an toàn phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Minh chứng rõ nhất là khi tổ chức thực thi các quy định không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện và xử phạt nghiêm hơn, nặng hơn hành vi vi phạm theo Nghị định số 100/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã tác động mạnh đến ý thức của người tham gia giao thông: Người dân sử dụng rượu, bia có ý thức, trách nhiệm hơn; số ca cấp cứu do TNGT có liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm nhiều so với trước.
Điều đó cho thấy, trước tiên, muốn điều chỉnh hành vi thì phải có quy định pháp luật. Quy định càng cụ thể, rõ ràng, thì càng dễ thực thi. Đi cùng với đó là vận động, tuyên truyền, đưa ra quy định pháp luật đến với cộng đồng và từng cá nhân bằng nhiều hình thức, bao gồm cả tăng cường kiểm tra, xử lí nghiêm hành vi vi phạm, để quy định được hiểu, tuân thủ đúng. Từ việc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, mỗi cá nhân sẽ tự điều chỉnh hành vi, có thái độ ứng xử đúng đắn. Đó là hành động thiết thực nhất chung tay xây dựng môi trường giao thông an toàn.
Bên cạnh việc tăng cường đầu tư cho hạ tầng giao thông, mà trước hết là xóa “điểm đen” tai nạn, ùn tắc giao thông, nhất thiết phải có biện pháp thường xuyên, quyết liệt ngăn chặn tình trạng phương tiện chở quá tải, không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kĩ thuật, chạy quá tốc độ, lái xe sử dụng chất kích thích,… Đây cũng là giải pháp quan trọng đã được khẳng định trong nỗ lực kéo giảm TNGT thời gian qua.
Thiết nghĩ, thiệt hại do TNGT là vô cùng to lớn. Mỗi tính mạng bị TNGT cướp đi không gì có thể bù đắp được và phía sau là những tổ ấm gia đình bị tổn thương. Mỗi nạn nhân mang thương tật suốt đời do TNGT cũng là những nỗi đau khổ có thể san sẻ. Rộng hơn, ở góc độ xã hội, TNGT ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra gánh nặng cho xã hội. Vì thế, thay đổi hành vi, xây dựng văn hóa, môi trường giao thông an toàn từ những việc nhỏ như: Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; không phóng nhanh, vượt ẩu; không sử dụng rượu, bia khi điểu khiển phương tiện… là việc cần làm, để bảo vệ bản thân, góp phần hạn chế TNGT, xây dựng cộng đồng an toàn.