Mở cửa du lịch để phát triển kinh tế
Trong mắt người già 10/02/2022 09:56
Du lịch là tổng hợp các hiện tượng, mối quan hệ và hoạt động kinh tế bắt nguồn từ dịch vụ lữ hành, lưu trú của những tập thể, gia đình, cá nhân ở bên ngoài nơi ở thường xuyên của họ, trong nước và ngoài nước với mục đích thay đổi sinh hoạt thường nhật để đến nơi cần tham quan, lưu trú, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên và trải nghiệm. Đó là một nhu cầu về đời sống tinh thần, vật chất của con người.
Năm 2019 tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 726.000 tỉ đồng, đóng góp vào nền kinh tế chiếm 9,2% GDP của cả nước.
Việt Nam là thành viên của Tổ chức WTO, thuộc nhóm 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh, với nhiều tiềm năng du lịch hàng đầu thế giới, đã và đang hội nhập sâu, toàn diện.
Hiếm nước nào có nhiều địa danh cảnh quan thiên nhiên biển, đảo, vịnh, rừng núi đẹp, di tich lịch sử - văn hóa, lại có hệ thống resort, nơi nghỉ dưỡng, khách sạn, ẩm thực,… phong phú, đa dạng, giá cả hợp lí như ở nước ta. Trong xu thế toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế gia tăng, đẩy mạnh kinh tế du lịch là con đường tất yếu của loại hình “công nghiệp không khói”.
Mở cửa du lịch để phát triển kinh tế |
Sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nay cả nước bước vào “trạng thái bình thường mới”, dịch bệnh đã được kiểm soát là cơ hội để du lịch phục hồi, tăng tốc. Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đang được hiện thực hóa với những quyết sách khả thi. Đó là tập trung phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới.
Theo đó, ngành du lịch phải mạnh dạn mở cửa, vừa phát triển vừa phòng, chống dịch; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, chuyển đổi số toàn ngành; hoàn thiện chính sách và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; điều tra, đánh giá, phân loại, số hóa tài nguyên du lịch, hình thành hệ thống thông tin số về các khu, trung tâm du lịch, thị trường du lịch, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao… Từ đó, đẩy mạnh du lịch nội địa, du lịch quốc tế, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, khám phá, thể thao, du lịch biển đảo, du lịch rừng núi, du lịch nông thôn, đô thị; trọng tâm là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Kiên Giang (Phú Quốc), Tây Bắc, Tây Nguyên…
Mở cửa để nhanh chóng phục hồi, vượt lên thách thức của đại dịch, phát triển du lịch bền vững là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.