Luật sư kiến nghị làm rõ nhiều điểm “mờ” của vụ án!
Đơn thư bạn đọc 18/04/2022 13:11
Ông Nguyễn Văn Minh (phải) và ông Thái Hữu Anh bên hồ sơ kêu oan. |
Nội dung bản án sơ thẩm
Theo Bản ản hình sự sơ thẩm số 23/2019/HS-ST ngày 7/6/2019 của TAND tỉnh Đắk Nông:
Ngày 10/8/2010, UBND huyện Tuy Đức ban hành quyết định, giao cộng đồng Bon Bu Koh, xã Đắk R’Tih quản lý bảo vệ, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 92,8 ha rừng thông. Từ năm 2012 - 2015, một số diện tích thông bị chết do khai thác nhựa và thời tiết nắng nóng. Tiến hành kiểm tra ngày 15/3/2016, Đoàn kiểm tra (gồm đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức, UBND huyện Tuy Đức, UBND xã Đắk R’Tih…) xác định: có khoảng 7,9 ha rừng thông bị chết; 0,7 ha bị bóc vỏ lấy nhựa. Tại một tiểu khu, thông bị chết rải rác, không rõ nguyên nhân. Đoàn kiểm tra kiến nghị cắt dọn những cây thông chết, gãy đổ để trồng lại rừng.
Đầu tháng 8/2017, Lê Xuân Dũng (sinh năm: 1987), ngụ xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức biết được thông tin về chủ trương cho khai thác cây thông chết, gãy đổ trong khu vực rừng thông do cộng đồng bon Bu Koh quản lý, nên đã rủ Trần Tiến Dũng (sinh năm: 1983), ngụ xã Đăk R’Tih, huyện Tuy Đức liên hệ với Chủ tịch UBND xã Đắk R’Tih Nguyễn Văn Minh để nhờ giúp đỡ.
Lê Xuân Dũng và Trần Tiến Dũng đã đưa cho ông Minh 200 triệu đồng để được khai thác thông chết, gãy đổ. Sau khi nhận tiền, ông Minh đưa cho Thái Hữu Anh (Kiểm lâm địa bàn xã Đắk R’Tih) 50 triệu đồng, nói là tiền của Lê Xuân Dũng và Trần Tiến Dũng đưa để xin được khai thác thông. Ông Minh chỉ đạo ông Anh làm thủ tục để hai ông này được khai thác. Ông Anh hướng dẫn cho Hà Văn Hùng, Trưởng ban Quản lý rừng cộng đồng Bon Bu Koh làm tờ trình, tham mưu cho UBND xã Đắk R’Tih ra văn bản xin cắt dọn và tận dụng củi trên phần diện tích thông bị chết gửi UBND huyện Tuy Đức.
Ông Minh đã liên hệ trực tiếp với ông Nguyễn Ngọc Long là Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức để nhờ ông Long ký văn bản đồng ý chủ trương cho khai thác, tận dụng thông chết, mục, gãy đổ trong khu vực rừng thông Bon Bu Koh quản lý.
Mặc dù chưa có văn bản đồng ý của UBND huyện Tuy Đức nhưng ông Minh đã cho phép hai ông: Lê Xuân Dũng và Trần Tiến Dũng khai thác thông chết. Để thực hiện việc khai thác, hai ông này rủ thêm Nguyễn Long Quân (sinh năm: 1988), ngụ thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp và Trần Ngọc Sơn (sinh năm: 1990) là em trai Trần Tiến Dũng, cùng tham gia quản lý, chỉ đạo khai thác thông.
Từ khoảng cuối tháng 8/2017, hai ông Xuân Dũng và Tiến Dũng thông qua Nguyễn Long Quân thuê nhóm người khai thác thông, cưa cắt, đưa lên xe cày và từ xe cày bốc xếp lên xe tải để đi tiêu thụ.
Ngày 18/9/2017, UBND huyện Tuy Đức ban hành Công văn số: 1334/CV-UBND, do Chủ tịch Nguyễn Ngọc Long kí, đồng ý cho cộng đồng Bon Bu Koh cắt dọn và tận dụng củi thông bị chết, mục, gãy đổ, dọn dẹp thực bì để kịp thời trồng lại rừng năm 2017.
Ngày 20/9/2017, Nguyễn Văn Minh chỉ đạo Thái Hữu Anh và Hà Văn Hùng thực hiện ký kết hợp đồng khai thác với Lê Xuân Dũng trên diện tích 9,6 ha, tuy nhiên thực tế việc khai thác đã được thực hiện ra từ cuối tháng 8/2017. Để tạo điều kiện cho Lê Xuân Dũng và Trần Tiến Dũng thực hiện việc khai thác, vận chuyển gỗ, củi thông được thuận lợi, Nguyễn Văn Minh, Thái Hữu Anh và Hà Văn Hùng ký xác nhận khống bảng kê lâm sản vào ngày 15/9/2017 và biên bản xác minh nguồn gốc gỗ đã khai thác trước khi có văn bản đồng ý cho khai thác, tận thu của UBND huyện Tuy Đức. Đối với việc xác nhận vận chuyển, Lê Xuân Dũng trực tiếp lập và đưa cho Minh ký, để trống khối lượng, biển số xe vận chuyển và nơi vận chuyển đến, sau đó Lê Xuân Dũng và Trần Tiến Dũng tự điền thông tin để vận chuyển, nên khối lượng thực tế khai thác không xác định được.
Việc khai thác 9,6 ha rừng thông theo hợp đồng đã kí giữa Lê Xuân Dũng và Ban Quản lý rừng cộng đồng Bon Bu Koh được thực hiện đến đầu tháng 10/2017 thì kết thúc. Hai ông Xuân Dũng và Tiến Dũng tiếp tục liên hệ nhờ Nguyễn Văn Minh, Hà Văn Hùng và Thái Hữu Anh được ký hợp đồng khai thác diện tích còn lại. Đầu tháng 10/2017, Trần Tiến Dũng và Hà Văn Hùng kí tiếp hợp đồng khai thác 5,8 ha. Sau khi kí, Trần Tiến Dũng và Lê Xuân Dũng thống nhất đưa thêm cho Nguyễn Văn Minh 150 triệu đồng để Minh tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ cho việc khai thác.
Nhận thấy chỉ khai thác thông chết, gãy đổ thu được ít lợi nhuận nên Lê Xuân Dũng và Trần Tiến Dũng thống nhất khai thác, cắt tỉa cả cây thông đang phát triển bình thường. Nguyễn Long Quân và Trần Ngọc Sơn biết việc này không được phép nhưng vẫn tham gia khai thác theo sự chỉ đạo của Trần Tiến Dũng.
Để thuận tiện cho việc vận chuyển gỗ khai thác, Trần Tiến Dũng thuê người ủi đường, múc vào một số cây thông đang phát triển, thì bị Hà Văn Hùng phát hiện. Do sợ Hà Văn Hùng báo cáo cơ quan có thẩm quyền thu giữ phương tiện và yêu cầu dừng việc khai thác nên Lê Xuân Dũng và Trần Tiến Dũng đã đưa cho Hùng 20 triệu đồng để Hùng không xử lý.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông tiến hành kiểm tra, phát hiện nhóm đối tượng đang thực hiện việc cắt thông phát triển bình thường. Kết quả khám nghiệm và phát hiện tại hiện trường từ ngày 24/1/2018 đến ngày 31/1/2018 xác định có 3.003 gốc cây thông bị cắt hạ, trong đó có 426 gốc cây thông tươi.
Sau khi bị phát hiện việc khai thác thông tươi trái phép, Lê Xuân Dũng đã yêu cầu Minh trả lại 300 triệu đồng ngày 26/1/2018.
Hơn nửa số bị cáo kêu oan
Cáo trạng số 10/CT-VKS-P3 ngày 16/1/2019 của Viện KSND tỉnh Đắk Nông do Phó Viện trưởng Phan Thanh Hải kí, truy tố Lê Xuân Dũng và Trần Tiến Dũng về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” và tội “Đưa hối lộ”; Nguyễn Văn Minh, Thái Hữu Anh và Hà Văn Hùng về tội “Nhận hối lộ”; Nguyễn Long Quân và Trần Ngọc Sơn về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Tại các phiên tòa phiên toà ngày 7/6/2019, có 4/7 bị cáo kêu oan.
Lê Xuân Dũng trình bày: 200 triệu đồng đưa cho ông Minh là khoản tiền nhờ thuê đất để trồng khoai lang và hỗ trợ việc trồng rừng. Số tiền 150 triệu Trần Tiến Dũng đưa ông Minh, Dũng không biết. Hợp đồng Lê Xuân Dũng ký với cộng đồng Bon Bu Koh đã thực hiện xong, đúng quy định của pháp luật. Việc các đối tượng thuộc nhóm Trần Tiến Dũng khai thác cây thông tươi, bị cáo hoàn toàn không biết. Đối với số tiền 20 triệu đồng bị cáo đưa cho ông Hùng là khoản tiền cho mượn, do ông Hùng gặp khó khăn, vợ chuẩn bị sinh con.
Nguyễn Văn Minh trình bày: Số tiền 350 triệu đồng là khoản tiền nhờ thuê đất của cộng đồng Bon Bu Koh để trồng xen canh khoai lang sau khi khai thác tận thu và trồng lại rừng. Ngoài ra, giữa ông và Lê Xuân Dũng còn thỏa thuận sử dụng 50 triệu đồng trong số tiền 200 triệu để trồng lại rừng Bon Bu Koh năm 2017. Theo Nghị quyết số 16/2017/NQ-HĐND ngày 18/8/2017 của HĐND xã Đắk R’Tih, cho phép ông tìm người cho thuê đất. Số tiền nhận từ Lê Xuân Dũng ông đã dùng một phần để tổ chức trồng lại rừng, với nhiều hình ảnh và tài liệu liên quan còn lưu lại. Hiện nay khu rừng trên 3ha được trồng lại, cây cối xanh tốt. Ông đã trả lại 300 triệu đồng theo yêu cầu của Lê Xuân Dũng ngày 26/1/2018.
Ông Minh sử dụng khoảng 50 triệu đồng để dọn đất, trồng rừng, cần được làm rõ tại phiên toà phúc thẩm |
Như vậy, số tiền 350 triệu bị cáo nhận của hai ông Dũng là quan hệ dân sự. Viện Kiểm sát truy tố ông về tội “Nhận hối lộ” là thể hiện dấu hiệu oan sai.
Đối với số tiền 50 triệu đồng đưa Thái Hữu Anh là khoản tiền cho mượn, có sự đồng ý của vợ ông Minh. Việc tham mưu cho UBND xã Đắk R’Tih gửi các văn bản cho UBND huyện Tuy Đức xin chủ trương khai thác thông tận thu là trách nhiệm của ông Anh, không liên quan đến số tiền này.
Thái Hữu Anh trình bày: Ông không biết hai ông Dũng là ai. Thủ tục để được khai thác rừng qua nhiều cấp trình duyệt, diễn ra từ năm 2016 đến tháng 9/2017, không phải do ông phụ trách hay tác động để nhanh có kết quả. Đối với các văn bản tham mưu cho UBND xã Đắk R'Tih, ông thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đối với số tiền 50 triệu đồng ông Anh cho rằng, mình và ông Minh là chỗ thân tình và có mối quan hệ làm ăn nhiều năm, trong đó có môi giới mua bán đất. Giữa tháng 7/2017 do cần tiền đầu tư vào rẫy nên ông đặt vấn đề vay 50 triệu và ông Minh đã cho ông vay. Ông dùng số tiền này mua cây giống, phân, thuê máy san lấp rẫy đầu tư chung với anh họ tên Trần Trọng Tịnh. Việc này, ông đã khai với Cơ quan điều tra và họ cũng đã xác minh. Sau khi chuyển công tác đầu tháng 10/2017, ông muốn trả lại 50 triệu đồng nhưng ông Minh và vợ thống nhất cấn trừ vào tiền mà ông Minh cùng ông môi giới cho ông Thành bán quyền sử dụng 22 ha đất cũng như giúp gia đình ông Minh bán hai khu quyền sử dụng gần 7 ha đất.
Hà Văn Hùng trình bày: Khi phát hiện các đối tượng san ủi đường làm một số cây thông tươi bị bật gốc, ông đã điện báo cáo ông Nguyễn Văn Minh. Ông Minh đã yêu cầu Trần Tiến Dũng ngưng ngay việc khai thác. Như vậy, ông đã làm đúng trách nhiệm của mình. Đối với số tiền 20 triệu, do vợ chuẩn bị sinh con, gia đình khó khăn nên ông có mượn 20 triệu đồng của bị cáo Lê Xuân Dũng để trang trải; không phải mượn từ Trần Tiến Dũng là người vi phạm húc đổ thông tươi.
Các Luật sư bào chữa trình bày luận cứ: 200 triệu đồng là khoản tiền Lê Xuân Dũng nhờ thuê đất trồng khoai lang, ông Lê Xuân Dũng đồng ý để bị cáo Minh sử dụng một phần vào việc trồng rừng. Bản chất việc giao nhận 200 triệu là giao dịch dân sự. Lê Xuân Dũng không liên quan gì đến hợp đồng thứ hai, cũng chẳng liên quan gì đến khai thác thông tươi, nên không có lý do gì Lê Xuân Dũng phải đưa 20 triệu đồng cho Hà Văn Hùng để không xử lý vi phạm.
Ông Minh nhận 350 triệu đồng, thực tế là khoản tiền nhờ thuê đất và hỗ trợ trồng rừng, nội dung này phù hợp với lời khai của Lê Xuân Dũng tại phiên tòa và tại biên bản tạm giữ đồ vật tài liệu ngày 4/2/2018. Theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thì việc quản lý, khai thác rừng thông thuộc thẩm quyền của Ban quản lý cộng đồng Bon Bu Koh, UBND xã Đắk R’Tih không có thẩm quyền. Ngoài ra, lời khai của ông Minh có nhiều mâu thuẫn nhưng không được cho đối chất là vi có dấu hiệu phạm nghiêm trọng tố tụng. Số tiền 350 triệu đồng, ông Minh đã nhận tại hai thời điểm, chủ thể ký hợp đồng khác nhau, nội dung hợp đồng khác nhau nhưng Tòa án cấp sơ thẩm gộp chung lại để kết tội là không đúng thực tế.
Viện Kiểm sát quy kết ông Minh nhận 350 triệu đồng, ông Anh nhận 50 triệu của ông Minh cắt ra từ số tiền 350 triệu. Ông Minh sử dụng 50 triệu đồng làm chi phí trồng lại rừng. Như vậy, thực tế ông Minh còn nhận bao nhiêu tiền vẫn không làm rõ. Ngoài ra, rừng đã khai thác thuộc vốn ngân sách, hay do người dân bỏ tiền ra để trồng; thế nào là khai thác trước khi có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền cũng chưa được làm rõ.
Dù còn nhiều “điểm mờ” và “nút thắt” của vụ án chưa được mở nhưng Hội đồng xét xử TAND tỉnh Đắk Nông do thẩm phán Lương Đức Dương làm chủ toạ, cùng hai Hội thẩm Trần Hồng Phong và Bùi Xuân Vấn, chấp nhận Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đắk Nông, tuyên bố cả 7 bị cáo đều phạm tội, Xử phạt:
- Nguyễn Văn Minh 9 năm tù; Thái Hữu Anh 6 năm tù; Hà Văn Hùng 2 năm tù giam về tội “Nhận hối lộ”.
- Lê Xuân Dũng 3 năm 6 tháng tù về tội “Đưa hối lộ”; 2 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Hình phạt chung cho bị cáo là 5 năm 6 tháng tù.
- Trần Tiến Dũng 3 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; 1 năm 9 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Hình phạt chung cho bị cáo là 4 năm 9 tháng tù.
- Nguyễn Long Quân 1 năm 6 tháng tù giam; Trần Ngọc Sơn 1 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Bản ản hình sự sơ thẩm số 23/2019/HS-ST ngày 7/6/2019 của TAND tỉnh Đắk Nông (trích) |
Kiến nghị khẩn cấp của nhóm 5 Luật sư
Nhóm 5 luật sư bào chữa cho các bị cáo vừa ký bản kiến nghị khẩn cấp gửi Uỷ ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh; Chánh án, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh, nêu rõ lý do: “Chúng tôi gửi bản kiến nghị khẩn cấp vì thấy Bản ản hình sự sơ thẩm số 23/2019/HS-ST ngày 7/6/2019 của TAND tỉnh Đắk Nông có dấu hiệu oan sai. Chúng tôi đưa ra 8 nội dung, tình tiết tiêu biểu thể hiện nhiều điểm “mờ” của vụ án cần được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét toàn diện, khách quan để tránh oan sai”.
Thứ nhất, chứng cứ rất quan trọng mà cấp sơ thẩm không đưa vào hồ sơ vụ án là “Giấy biên nhận” ông Nguyễn Văn Minh trả lại cho ông Lê Xuân Dũng số tiền 300 triệu đồng. Cấp sơ thẩm không đưa chứng cứ này vào hồ sơ, nên không làm rõ được mục đích giao nhận tiền, tại sao giao nhận xong sau đó trả lại, tại sao ông Minh nhận tổng cộng 350 triệu đồng nhưng chỉ trả lại 300 triệu đồng?
Cần nhắc lại, vụ án khởi tố ngày 30/1/2018, tội danh “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, đến 13/3/2018, khởi tố bổ sung tội “Đưa và Nhận hối lộ”. Trong khi đó, ngày 26/1/2018, tức là trước khi khởi tố vụ án, ông Minh đã trả tiền lại cho ông Dũng. Ông Minh cho rằng, nhiều lần ông đưa ra “Giấy biên nhận” nhưng cán bộ điều tra không quan tâm.
Thứ hai, ông Minh khai việc nhận 350 triệu đồng, gồm 200 triệu đồng của Lê Xuân Dũng đưa tháng 8/2017 và 150 triệu của Tiến Dũng đưa tháng 9/2017, để sau này hai ông trả tiền "thuê đất rừng trồng xen canh khoai lang". Chứng cứ này thể hiện ngay bản khai đầu tiên của ông Minh có trong hồ sơ vụ án nhưng Hội đồng xét xử bỏ qua.
Thứ ba, một số chứng cứ khác cho thấy Lê Xuân Dũng đưa ông Minh 200 triệu đồng là tiền thuê đất trồng xen canh khoai lang. Cụ thể: Tại biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu ngày 4/2/2018, do hai Điều tra viên Nguyễn Hồng Nguyên và Trần Cao Nguyên lập, ghi rõ: “Đây là số tiền 50 triệu ông Trần Văn Mến, bố của Trần Tiến Dũng đưa cho ông Nguyễn Văn Minh nhờ ông Minh liên hệ để làm các thủ tục giao đất cho ông Mến để trồng khoai lang…”
Tại biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu ngày 4/2/2018 do hai Điều tra viên Nguyễn Hồng Nguyên và Trần Cao Nguyên lập |
Tại bút lục 447 và 448, biên bản hỏi cung bị can ngày 2/5/2018, có hai lần Lê Xuân Dũng đề cập đến việc thuê đất trồng xen canh khoai lang.
Thứ tư, khi tổ chức trồng lại rừng, do thiếu kinh phí, ông Minh thoả thuận với ông Lê Xuân Dũng lấy 50 triệu đồng (trong số tiền 350 triệu đồng) để trang trải một phần kinh phí trồng rừng. Tình tiết quan trọng này cấp sơ thẩm chưa làm rõ, đồng thời có dấu hiệu vi phạm tố tụng trong đánh giá chứng cứ.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 4/4/2019, có 5 bị cáo kêu oan, cho rằng đã bị cơ quan điều tra ép cung, định hướng lời khai. Khi thấy không buộc tội được, Viện Kiểm sát đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung. Hội đồng xét xử chấp nhận và Chủ tọa phiên tòa đọc Quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung 2 nội dung: Trần Văn Mến và Trần Ngọc Sơn có đồng phạm hay không? Ông Minh dùng khoản 50 triệu đồng trong số 350 triệu đồng, làm chi phí cho việc trồng rừng.
Thế nhưng, khi ban hành Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, toà đã “bỏ quên” nội dung thứ 2. Đây là tình tiết hết sức quan trọng nhưng thẩm phán cố ý bỏ qua là thể hiện không khách quan. Vì vậy, ngay phần đầu phiên tòa ngày 7/6/2019, ông Minh và Luật sư yêu cầu thay đổi thẩm phán, nhưng Hội đồng xét xử bác yêu cầu này.
Thứ năm, buộc Thái Hữu Anh tội “Nhận hối lộ” 50 triệu đồng từ ông Minh là không có căn cứ. Ông Minh nhận 200 triệu đồng từ Lê Xuân Dũng vào tháng 8/2017; nhận 150 triệu đồng của Trần Tiến Dũng vào tháng 9/2017, còn đưa cho ông Anh 50 triệu đồng vào tháng 7/2017. Chính chủ tọa phiên tòa hỏi ông Minh thể hiện tại trang 7, bút lục 2858: “Bị cáo trình bày vào tháng 7/2017, bị cáo đưa cho Thái Hữu Anh 50 triệu đồng với mục đích gì?”. Rõ ràng số tiền 50 triệu đồng ông Minh đưa cho ông Anh không phải từ nguồn tiền của hai ông Dũng. Việc thẩm tra thời điểm ông Minh đưa ông Anh 50 triệu đồng là việc rất đơn giản, nhưng cấp sơ thẩm không làm rõ, mà chỉ nhìn vào hiện tượng ông Minh đưa ông Anh tiền, liền cho rằng ông Anh nhận hối lộ.
Thứ sáu, Hội đồng xét xử buộc Lê Xuân Dũng phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” cùng với Trần Tiến Dũng. Trong khi, Hợp đồng khai thác được Lê Xuân Dũng kí trước, đã thực hiện xong, không có việc đốn thông tươi. Hợp đồng thứ hai, Trần Tiến Dũng kí và thực hiện, đốn cả thông tươi. Hai hợp đồng khác nhau về không gian, thời gian, khác nhau về giá cả thanh toán và đặc biệt là khác về chủ thể.
Việc khai thác thông tươi chỉ xảy ra ở hợp đồng thứ 2. Hợp đồng này Lê Xuân Dũng không tham gia bàn bạc thỏa thuận gì với các bên. Toàn bộ hồ sơ vụ án không có chứng cứ vật chất nào thể hiện Lê Xuân Dũng chỉ đạo khai thác thông tươi; càng không có chứng cứ chứng minh thời gian, địa điểm Lê Xuân Dũng phạm tội.
Thứ bảy, do ông Lê Xuân Dũng vô can trong việc chỉ đạo khai thác thông tươi nên không đủ căn cứ buộc tội ông này “Đưa hối lộ” và Hà Văn Hùng tội “Nhận hối lộ” 20 triệu đồng.
Thứ tám, nghiên cứu hồ sơ vụ án, nhìn từ các góc độ về logic, về sự mâu thuẫn giữa các lời khai, thời gian khai…, nhóm Luật sư thấy có dấu hiệu thể hiện có dấu hiệu “ép cung”, định hướng lời khai. Vấn đề này, hai ông Nguyễn Văn Minh và Thái Hữu Anh đã có bản tường trình riêng, gửi đến Tòa án, các Luật sư không lặp lại, chỉ gửi kèm những bản tường trình đó.
Nhóm Luật sư cùng lên tiếng: “Với những phân tích nói trên cho thấy Bản án số 23 ngày 7/6/2019 của TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên buộc các bị cáo phạm tội là có dấu hiệu oan sai. Trên tinh thần góp phần làm sáng tỏ vụ án, các Luật sư với tư cách là người bào chữa, kính mong Lãnh đạo quý cơ quan, Hội đồng xét xử xem xét và đánh giá các chứng cứ mà chúng tôi đã nêu trong bản kiến nghị này để có một phán quyết bảo vệ Công lý, bảo vệ Pháp chế xã hội chủ nghĩa, để không làm oan sai người vô tội”.
Trong đơn phản ảnh dài 10 trang gửi các cơ quan chức năng, gửi Tạp chí Người cao tuổi (Tạp chí Ngày mới), ông Nguyễn Thanh Hùng (sinh năm 1955), ngụ xã Kiến Thành, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đắk Nông (anh họ bị cáo Nguyễn Văn Minh), chỉ ra 6 điểm oan sai đối với bị cáo Minh. Ông Hùng bày tỏ: “Tôi từng là thẩm phán nên có thể nhận định được một vụ án hình sự. Em tôi, Nguyễn Văn Minh từ nhân chứng của vụ án trở thành bị cáo, nhận 9 năm tù oan. Thông qua Tạp chí Người cao tuổi và Tạp chí Ngày mới Online, tôi mong muốn Toà phúc thẩm xem xét toàn diện, ra phán quyết công tâm, minh oan cho em tôi cùng một số bị cáo khác, cũng là góp phần bảo đảm tính đúng đắn của hoạt động tư pháp”…
Kiến nghị khẩn cấp của các Luật sư |
Đơn của ông Nguyễn Thanh Hùng (anh họ bị cáo Nguyễn Văn Minh) gửi Tạp chí Người cao tuổi. |