Lỗi kĩ thuật hay pháp luật?
Trong mắt người già 03/06/2020 09:51
Tại Điểm 3, Điều 27 của dự thảo quy định, trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất, hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau…
Đề xuất trên được cho là kì vọng sẽ giảm số lượng tai nạn giao thông và người chết mỗi năm!
Thì ra chuyện “thắp đèn ban ngày” cho xe cộ cũng quá quan trọng. Như vậy, Bộ GTVT đã phát hiện ra một “lỗi kĩ thuật” lớn của các nhà sản xuất phương tiện giao thông lâu nay: Đã thiết kế một chi tiết thừa là chiếc công tắc tắt mở đèn xe!
Ảnh IT |
Lẽ ra chẳng cần chi tiết này, mọi chiếc xe khi nổ máy là đèn sáng liền, có chăng chỉ cần bộ phận gạt pha, cốt (chiếu xa, gần - phiên âm tiếng Pháp từ phare, code) là đủ.
Không biết đã có thống kê hay nghiên cứu nào cho thấy rằng, tai nạn giao thông ban ngày có cái lỗi của việc đèn xe không bật sáng mà Bộ phải điều chỉnh điểm này?
Được biết, tại một số nước bên châu Âu (như nước Anh) do điều kiện thời tiết sương mù quanh năm nên một số phương tiện giao thông được thiết kế đèn sáng thường xuyên nhằm hạn chế việc người điều khiển quên bật đèn, gây mất an toàn. Có lẽ Bộ GTVT học theo nước này. Nhưng Việt Nam là nước nhiệt đới, chỉ mấy tháng mùa Đông, Xuân và thi thoảng mới có sương mù chứ đâu phải quanh năm mà học theo nước Anh?
Ngoài cái “lợi” như mong muốn của người sửa luật, vậy việc chiếc xe sáng đèn mọi lúc liệu có tác dụng gì không mong đợi?
Tôi cho rằng có mấy cái “hại”.
Thứ nhất, khi xe hoạt động bật đèn sẽ tiêu tốn thêm năng lượng, dù là nhỏ (với hàng chục triệu chiếc xe hoạt động mỗi ngày thì nó không còn nhỏ). Việc tiêu tốn năng lượng làm thiệt hại về chi phí trực tiếp cho người sử dụng (thêm tiền xăng dầu), ngoài ra với cộng đồng nó sẽ làm gia tăng ô nhiễm môi trường, góp phần đẩy nhanh biến đổi khí hậu.
Thứ hai, chính đèn xe chiếu ban ngày nếu người lái để quên ở chế độ chiếu xa sẽ gây chói mắt cho người đi ngược chiều và nguy cơ gây tai nạn. Bạn hãy thử nhìn vào một chiếc đèn pha xe máy chiếu vào mắt mình ban ngày thì rõ, nó vẫn có thể gây lóa mắt. Còn nếu nói ban ngày mà vẫn cần ánh đèn để người khác lưu thông nhận diện liệu có đúng? Một phương tiện như chiếc xe máy, xe điện lưu thông mà người đi ngược chiều không nhận diện được giữa ban ngày thì xem ra thị lực của người đó có vấn đề. Mà thị lực kém thì không thể cấp bằng lái!
Xây dựng pháp luật cần nghiên cữu kĩ lưỡng, trên cơ sở khoa học và thực tiễn chứ không phải tùy hứng hay bắt chước. Nếu điều luật về chiếc đèn xe như kể trên được đưa vào luật, rất có thể nó sẽ “lỗi” từ khi chưa đi vào cuộc sống.