Liệu người tiêu dùng còn tin “rau sạch”?
Đời sống 22/09/2022 10:39
Thế nhưng, mới đây khi biết thông tin cơ sở đặt tại Công ty TNHH MTV Viager (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP.HCM) đã "phù phép" rau từ chợ đầu mối thành "rau sạch Đà Lạt", chuẩn VietGAP, của Công ty TNHH Nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods), sau đó đưa đến tiêu thụ tại một số cửa hàng thuộc WinCommerce, 3 Sạch và TikiNGON, tôi và các thành viên trong gia đình đã thực sự hoang mang, thất vọng, rồi tự đặt ra câu hỏi: phải chăng bấy lâu nay gia đình mình vẫn bị lừa gạt, khi mất tiền giá cao trả cho rau củ sạch, tiêu chuẩn, trong khi nhận được rau củ… bẩn(?!)
Thị trường “rau sạch” vẫn thật - giả lẫn lộn. |
Không riêng gì gia đình tôi, mà mấy người bạn, cùng một số gia đình hàng xóm cùng khu phố biết, thì họ cũng tỏ ra bức xúc, xen lẫn thất vọng bởi từ lâu họ vẫn thường mua “rau sạch” tại các siêu thị, cửa hàng chuyên kinh doanh rau sạch. Nay, sự vụ rau bẩn “đội lốt” rau sạch vừa bị phanh phui và lật tẩy như vậy thì chẳng còn ai trong số họ tin tưởng. Vẫn biết rằng không phải cửa hàng, cơ sở kinh doanh rau sạch nào cũng làm ăn thiếu trung thực như vậy, nhưng một khi đã có “con sâu làm rầu nồi canh” rồi, thì lòng tin của đại đa số người tiêu dùng nói chung không còn “đặt” ở các nơi kinh doanh rau sạch, mà sự nghi ngờ là có thật; và như vậy thì không ít nơi kinh doanh trung thực, có tâm, với chất lượng, sự an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu, bị ảnh hưởng rất lớn vì nhiều người tiêu dùng quay lưng!
Như chúng ta biết, trong những năm gần đây, cùng với tình trạng thực phẩm nói chung và rau quả nói riêng "ô nhiễm" tràn lan thì nhu cầu tìm kiếm các loại thức ăn, rau quả sạch, an toàn sức khỏe, có nguồn gốc rõ ràng... là tiêu chí hàng đầu trong lựa chọn của mọi người dân. Chính vì muốn bảo đảm cho sức khỏe, sự an toàn của các thành viên mà nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để săn lùng, tìm mua thực phẩm, rau sạch. Thế nhưng, khi biết mình bị lừa, hoặc nghi ngờ bị lừa gạt thì bất cứ ai cũng rất bực bội, bởi chẳng ai có thể chấp nhận được việc mình phải bỏ ra một số tiền lớn lại nhận về loại hàng hoá “bẩn” được phù phép thành “sạch”.
Từ vụ việc nêu trên, rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc một cách nghiêm túc, kiểm duyệt, kiểm tra, giám sát chặt chẽ khi phát hiện cơ sở trồng và kinh doanh nào lừa dối người tiêu dùng, bán rau, quả trôi nổi hoặc “núp bóng” các loại rau quả có thương hiệu thì phạt thật nặng, rút giấy phép kinh doanh. Bởi, nếu không lập lại trật tự, không làm nghiêm, quản chặt, không riêng phân khúc rau sạch mà thị trường thực phẩm nói chung sẽ bị loạn bởi sự thật - giả; bẩn - sạch lẫn lộn và người tiêu dùng không biết đâu mà lần…