Lần thứ hai... “lưu ban”!
Trong mắt người già 14/08/2024 10:04
Trong số 16 VĐV, chỉ có nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh đạt thành tích nổi bật với 2 lần vào chung kết và chung cuộc xếp hạng 4 nội dung 10m súng ngắn hơi, hạng 7 nội dung 25m súng ngắn thể thao. Hai vận động viên vượt được ngưỡng thông số cá nhân tốt nhất là tay chèo rowing Phạm Thị Huệ với thành tích 7 phút 47,84 ở nội dung thuyền đơn nữ hạng nặng và kình ngư Võ Thị Mỹ Tiên với thời gian 2 phút 17,18 giây ở nội dung 200m hỗn hợp nữ.
16 VĐV Việt Nam tranh tài ở Thế vận hội 2024. |
Cạnh đó, tay vợt Lê Đức Phát có trận đấu hay với Prannoy Haseena (Ấn Độ, hạng 13 thế giới) ở bảng K đơn nam môn cầu lông. Như vậy là ở 2 kì Olympic liên tiếp, thể thao Việt Nam (TTVN) không có tấm huy chương nào. Như vậy, trong khu vực Đông Nam Á, thành tích tại đấu trường Olympic của Việt Nam xếp dưới các quốc gia như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore.
Những trận thua của Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing); Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung); Hoàng Thị Tình (judo); Võ Thị Mỹ Tiên (bơi lội); Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng); Nguyễn Thị Thật (xe đạp)… đều nằm trong dự đoán. Với Trịnh Văn Vinh (cử tạ), thất bại ở cả 3 lần cử giật mức đăng kí thấp nhất là 128kg thể hiện sự bất lực của anh ở sân chơi Thế vận hội. Điều đó cho thấy, TTVN không có mũi nhọn thực sự để có thể tranh chấp huy chương sòng phẳng. Ngay như Trịnh Thu Vinh cũng chỉ trông chờ vào may mắn chứ chưa đạt tới tầm cỡ một xạ thủ đẳng cấp hàng đầu. Dư luận cho rằng, nếu được đầu tư mạnh mẽ vào bắn cung, vật, bắn súng, cầu lông, Judo, và boxing, Việt Nam có thể mang về tấm huy chương Olympic Paris 2024.
Có một nghịch lí là, TTVN luôn trong top đầu SEA Games, thậm chí đứng số 1 ở hai kì đại hội khu vực gần nhất (SEA Games 31 và 32), nhưng khi ra sân chơi Asiad hay Olympic lại trắng tay. Sau kì Thế vận hội Tokyo 2020, rất nhiều bài học được ngành thể thao rút ra, nhưng rồi lãnh đạo TTVN lại “quên bài” ở kì đại hội lần này.
TTVN “trắng tay”, “thụt lùi” tại Olympic Paris 2024 và bị…“lưu ban”. Lỗi này trước hết thuộc về người đứng đầu ngành TTVN. Với quân sự, một chiến dịch thất bại lập tức người chỉ huy cao nhất sẽ bị thay thế. Trong nhà trường, một lớp học yếu kém, thầy (cô) chủ nhiệm sẽ bị kỉ luật. Còn TTVN lần thứ 2 liên tiếp “trắng tay”, “thụt lùi” thì ai chịu trách nhiệm?
Đông đảo người yêu thể thao Việt Nam cho rằng, TTVN hiện rất cần một Tư lệnh thực sự có tài, có tầm… Olympic. Có như thế, kì Thế vận hội năm 2028 mới không phải “lưu ban”.