Sai sót... tiềm ẩn!
Trong mắt người già 23/09/2024 13:25
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có tổng chiều dài gần 105km, quy mô hai làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh mục “các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải”.
Vài tuần nay, sự kiện cầu Phong Châu (km18+300 quốc lộ 32C, nối 2 huyện Tam Nông, Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ) bị sập sáng ngày 9/9 làm tốn khá nhiều “đất” trên các trang báo. Cầu sập, bị cuốn trôi trụ và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và 7 phía bờ hữu sông Thao), thuộc địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Hiện trường vụ sập nắp hầm chui cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang |
Ngược thời gian về 7 năm trước, lúc 12h ngày 11/10/2017, mưa lũ gây sự cố nghiêng lệch trụ T4, sập trôi nhịp số 4 và số 5 cầu Ngòi Thia (tỉnh Yên Bái) làm 8 người chết và mất tích.
Vụ sập hầm chui đang thi công trên tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đang được cơ quan chức năng điều tra, hai sự cố sập cầu nói trên đều đã được cơ quan chức năng thông tin. Nguyên nhân sự cố sập cầu Ngòi Thia là “do ảnh hưởng của mưa lũ từ ngày 5-11/10/2017. Cạnh đó, tác động của việc khai thác làm biến đổi địa hình vùng thượng lưu dẫn đến lũ có tốc độ tập trung nhanh, làm thay đổi hướng dòng chảy chính và thay đổi mặt cắt thoát nước qua cầu. Cộng thêm việc các cây trôi, bụi tre mắc lại đã làm tăng sự cản trở khả năng thoát nước, tạo ra các dòng chảy rối xung quanh thân trụ, gây xói sâu dưới thân trụ T4 làm nghiêng lệch trụ T4, sập trôi nhịp số 4 và sập nhịp số 5”. Còn cầu Phong Châu, theo ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, là “do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lũ trên diện rộng các tỉnh phía Bắc”. Tuyệt nhiên, sự cố cầu Ngòi Thia và Phong Châu đều không thấy các cơ quan nói đến lỗi của người xây dựng.
Sai sót của con người có thể gây hậu quả ngay lập tức, nhưng phần lớn được tích tụ, đến lúc nào đó mới bung ra. Với các cầu, hầm, nếu có sai sót, chính là kẽ hở tiềm ẩn để thiên tai thị uy sức mạnh. Và có những trường hợp sẽ không rõ sai sót để có thể tìm ra người chịu trách nhiệm, nhưng về sau “sai một li sẽ đi một dặm”.
Còn những trận lũ kinh hoàng xảy ra tại Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng… vừa qua, sai sót tiềm ẩn chính là do chúng ta phá trụi những cánh rừng. Mất rừng, lũ quét, lũ ống mặc sức hoành hành. Từ câu chuyện cầu, hầm, rừng, vô hình trung con người đang đặt thiên nhiên ở vị trí đối lập. Vì thế, thiên nhiên và thời gian luôn đứng về phía những sai sót… tiềm ẩn.
Những người xấu số chết khi qua cầu Ngòi Thia, Phong Châu đúng lúc bị Thuỷ Tề nhấn chìm rồi cũng không mấy ai nhớ. Nhưng thiết nghĩ, việc tìm ra sai sót trong thiết kế, thi công cầu, hầm là việc nên làm để trong tương lai không xảy ra những sự cố đáng tiếc.